Một trong các nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh ta đã và đang thực hiện là đổi mới tổ chức sản xuất. Cụ thể, từng bước đổi mới kinh tế hộ theo mô hình tích tụ ruộng đất xây dựng trang trại, gia trại; liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp thông qua HTX để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi. Củng cố và chuyển đổi hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp theo Luật. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… để đáp ứng đòi hỏi của tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nên các loại hàng hóa trong đó có nông sản không chỉ cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu mà phải cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước với nông sản nhập khẩu. Mô hình sản xuất nhỏ lẻ với năng lực kinh tế và kỹ thuật hạn chế không thể đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa nông nghiệp với các tiêu chuẩn cao nên người sản xuất muốn có đủ khả năng để duy trì sản xuất, tham gia thị trường thì phải liên kết với doanh nghiệp, HTX để sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm theo chuỗi hoặc tích tụ ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thực hiện chủ trương khuyến khích của tỉnh, tại các huyện, thành phố đã có hàng trăm hộ gia đình thuê gom, tích tụ ruộng đất với quy mô từ 2-20ha để phát triển sản xuất theo mô hình trang trại. Đến nay, toàn tỉnh có 677 trang trại đạt tiêu chí mới của Bộ NN và PTNT và 3.324 gia trại. Các trang trại tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, đồng thời tổ chức tốt việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nên sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm ổn định với thu nhập khá cho nhiều lao động nông thôn, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM. Đối với mô hình HTX, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở NN và PTNT, các HTXNN kiểu cũ tiếp tục tập trung chuyển đổi theo Luật HTX 2012. Đã có 241 HTX chuyển đổi và tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX và 77 HTX giải thể tự nguyện. Sau chuyển đổi, các HTX đều tổ chức được 4-6 dịch vụ thiết yếu như: thủy nông, bảo vệ đồng ruộng, làm đất, cung ứng vật tư… Một số HTX đã tổ chức được dịch vụ tín dụng nội bộ, tiêu thụ nông sản, cung cấp nước sạch và thu gom, xử lý rác thải. Hoạt động dịch vụ của 90% số HTX có lãi, doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 470 triệu đồng/vụ. Bên cạnh việc củng cố, chuyển đổi hoạt động HTX theo Luật, một số địa phương chỉ đạo sâu sát, hỗ trợ tích cực nên đã thành lập mới một số HTX chuyên ngành và HTX dịch vụ tổng hợp. Hiện đã có 51 HTXNN được thành lập mới theo Luật HTX 2012; trong đó có 26 HTX chuyên ngành (11 HTX trồng trọt: cây dược liệu, rau, hoa, cây cảnh, nấm; 6 HTX chăn nuôi; 4 HTX khai thác thủy sản, 5 HTX nuôi trồng thủy sản) và 25 HTX dịch vụ tổng hợp. Toàn tỉnh xây dựng được 150 cánh đồng mẫu lớn sản xuất hàng hóa tập trung với tổng diện tích 7.500ha. Trong số các cánh đồng mẫu lớn đã có hàng chục cánh đồng tham gia liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích gần 800ha. Điển hình là mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định của Cty TNHH Toản Xuân; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu giữa Cty CP Nam Dược với tổ hợp tác nuôi trồng và chế biến dược liệu Hải Lộc (Hải Hậu); mô hình sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO của Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú với các xã ở Nghĩa Hưng… Trong mô hình liên kết này, doanh nghiệp giữ vai trò đầu mối, định hướng cho nông dân và HTX về quy mô, chất lượng và quy cách nông sản; HTX, tổ hợp tác là cầu nối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp.
|
Mô hình liên kết sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của Cty TNHH Tuệ Hương với các hộ nông dân xã Yên Dương (Ý Yên). |
Nổi bật trong các hoạt động thể hiện quyết tâm đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất nông nghiệp là tỉnh tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ tháng 1-2016, đã hoàn thành việc giao 139,73ha đất bãi sông Hành Thiện (Xuân Trường) cho Cty VinEco thuộc Tập đoàn VinGroup triển khai dự án đầu tư sản xuất rau sạch công nghệ cao. Cty đã hoàn thành cơ bản việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, nhà kính, nhà lưới…) và trồng 70ha rau, củ, quả theo công nghệ cao và VietGAP. Sản lượng rau, củ, quả đạt 5-6 tấn mỗi ngày phục vụ cho chuỗi hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+ của Tập đoàn VinGroup. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh hỗ trợ Tập đoàn Hòa Phát thực hiện các dự án đầu tư chăn nuôi. Hiện dự án trồng cỏ nuôi bò tại huyện Trực Ninh, doanh nghiệp đã thuê 65ha đất bãi sông và trồng nguyên liệu thức ăn tại xã Trực Chính. Dự án đầu tư xây dựng khu chăn nuôi lợn tập trung tại khu Đồng Mây, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) đến nay Tập đoàn Hòa Phát đã trình duyệt dự án, đang tiến hành tham vấn cộng đồng dân cư khu vực triển khai dự án. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ Cty CP HTC-VINA và Cty TNHH Tiến Đạt đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; Cty Thái Việt, Cty Ngũ Hải đầu tư trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt siêu nạc quy mô lớn; Cty CP Biển Đông xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn… Thực hiện chương trình hợp tác nông nghiệp giữa Nam Định với tỉnh Ibaraki, tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu của Nhật Bản, hiện tỉnh đã phối hợp với tỉnh Ibaraki tổ chức được 4 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản và mở rộng thêm được 5 mô hình ở các huyện. Phối hợp với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng ngoại ngữ, tuyển tu nghiệp sinh, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nghiên cứu cây trồng á nhiệt đới; đang thực hiện mô hình sản xuất phân hữu cơ gắn với sản xuất rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại xã Yên Cường (Ý Yên)…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhìn chung, các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp ở tỉnh chủ yếu vẫn là quy mô hộ; các hình thức hợp tác mới đang trong giai đoạn chuyển mình, đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động nên chưa có được các mô hình hoàn thiện, bền vững. Trong các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa thực sự hội tụ đủ các điều kiện cần thiết như: năng lực thực sự của các thành phần khi tham gia, nhất là năng lực của nông dân và các tổ chức đại diện của họ (tổ hợp tác và HTX); chưa thiết lập và vận hành nghiêm túc các cơ chế cam kết trong liên kết. Do vậy các mô hình tổ chức đang cần được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để vận hành tốt hơn, hiệu quả và bền vững hơn; rất cần có các cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ, định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước. Có thể nói triển khai có hiệu quả kế hoạch đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất sẽ là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nhằm xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế dựa trên nguyên tắc phát triển mạnh kinh tế hộ theo hướng sản xuất tập trung chuyên môn hóa theo các mô hình trang trại, gia trại chuyên canh. Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thông qua HTX và nhóm hộ; tổ chức các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản để thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp; trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu tàu, định hướng cho nông dân và HTX về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản, HTX, tổ hợp tác là đầu mối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp. Từng bước xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh