Hiện nay, lúa nếp cái hoa vàng ở Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) là một trong số ít các loại lúa đặc sản của tỉnh còn được giữ vững và phát triển thành vùng sản xuất lúa hàng hóa, góp phần bảo tồn các giống lúa đặc sản cổ truyền của địa phương và nâng cao thu nhập cho người nông dân nơi đây.
Sở dĩ được gọi là nếp cái hoa vàng do khi lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng chứ không trắng như các giống lúa khác. Ở Thị trấn Cát Thành có 2 HTX Trực Cát và Trực Thành đều cấy nếp cái hoa vàng trong vụ mùa. Ðồng chí Ðỗ Văn Ðốc, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Cát Thành cho biết: Vụ xuân hằng năm, nông dân thị trấn thường gieo cấy các giống lúa có năng suất cao như BT7, D.ưu 527, Nhị ưu 838… để bảo đảm an ninh lương thực cho cả năm rồi mở rộng diện tích trồng nếp cái hoa vàng trong vụ mùa. Từ xa xưa, cây lúa nếp cái hoa vàng đã được cấy ở đồng đất Cát Thành nhưng chỉ chiếm khoảng 10-20% diện tích để dùng vào những ngày lễ, tết, còn thừa mới bán. Từ năm 2010 trở lại đây, diện tích cấy lúa nếp cái hoa vàng ở Cát Thành tăng dần qua mỗi năm. Ðến vụ mùa năm 2017, diện tích cấy lúa nếp cái hoa vàng đã đạt 440ha, chiếm gần 90% tổng diện tích gieo cấy toàn thị trấn. Toàn bộ diện tích cấy nếp cái hoa vàng của Thị trấn Cát Thành đều được cả 2 HTX Trực Cát và Trực Thành tổ chức sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn áp dụng các biện pháp thâm canh cải tiến. Có được kết quả trên là nhờ trải qua bao vụ sản xuất, với sự hỗ trợ của các kỹ sư, nông dân nơi đây đã đúc rút kinh nghiệm quy trình thâm canh cây lúa nếp cái hoa vàng vụ mùa với năng suất bình quân đạt 150-160 kg/sào, thậm chí có thể đạt 180 kg/sào, cao gấp 1,5 lần so với trước đây. Không chỉ vậy, hiệu quả sản xuất của lúa nếp cái hoa vàng cũng cao hơn so với các loại lúa khác. Bà Nguyễn Thị Hương, tổ dân phố Bắc Hồng cho biết: Với giá bán 16-17 nghìn đồng/kg, thóc nếp cái hoa vàng Cát Thành cao gấp hơn 2 lần so với thóc tẻ thường. Ðến thời điểm giáp Tết Nguyên đán giá còn có thể lên cao hơn nữa…
Nông dân Thị trấn Cát Thành cấy lúa nếp cái hoa vàng vụ mùa 2017. |
Mặc dù là giống lúa có thời gian sinh trưởng khá dài (gần 6 tháng) nhưng nếp cái hoa vàng là giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Ngoài nhiễm bệnh đạo ôn và sâu đục thân cuối vụ thì các loại sâu bệnh khác nhiễm nhẹ hơn nhiều so với các giống lúa tẻ, kể cả giống lúa lai. Ðể chủ động phòng sâu đục thân bảo vệ cho dàn lúa, khi lúa trỗ các hộ nông dân tập trung phun trừ lần 1 và lúc lúa trỗ thoát hết phun trừ tiếp lần 2. Ðể chống úng, chống đổ cuối vụ, ngoài công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy được tiến hành thường xuyên, người nông dân cần bón cân đối lượng phân NPK trong các lần bón lót, bón thúc. HTX và nông dân thường xuyên tổ chức đi thăm đồng, phát hiện sâu bệnh sớm. Việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đều được tiến hành đồng loạt. Ðồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Trực Thành cho biết: Khi phát hiện sâu bệnh, HTX thông báo trên hệ thống truyền thanh lịch phòng trừ là người dân tuân thủ hướng dẫn, đổ ra đồng phun trừ chỉ trong 1-2 ngày là xong tất cả diện tích đúng theo quy trình. Do được quy gọn vùng và chỉ cấy 1 loại giống nên giống nếp cái hoa vàng ở Cát Thành không bị lai tạp bởi các giống lúa khác và không bị thoái hóa giống. Cấy lúa nếp cái hoa vàng cũng giảm được một phần công cấy và lượng giống vì cấy thưa, giống cũng do nông dân tự sản xuất, chủ động mùa vụ… nên chi phí thấp hơn hẳn so với sản xuất các giống lúa khác. Những năm qua, nếp cái hoa vàng được nông dân Cát Thành cấy tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa trong vụ mùa một phần vì hiệu quả kinh tế đem lại, một phần vì hệ thống tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi. Chất lượng gạo nếp cái hoa vàng ở Cát Thành ngon đứng đầu các loại lúa nếp, hạt gạo nếp đầy tròn, không vỡ, gạo có mùi thơm, khi nấu chín hạt trong, bóng và ráo, mềm nhưng không nát, ăn vừa thơm lại đậm đà, đặc biệt khi đồ chín xôi có mùi thơm nhẹ, hấp dẫn. Gạo nếp cái hoa vàng bởi thế được kén để chế biến nhiều món đặc sản ẩm thực tinh tế như: làm các loại bánh, nấu rượu… Bánh chưng được làm từ gạo nếp cái hoa vàng thường để được lâu mà không bị cứng “lại gạo” hay thiu, mốc như một số loại giống lúa nếp khác. Cùng với bánh chưng, vào dịp Tết, nhà nào ở Cát Thành cũng nấu vài lít rượu bằng gạo nếp cái hoa vàng để thưởng thức, đãi khách và biếu người thân. Rượu nếp cái hoa vàng uống rất êm, ngọt hậu và có mùi thơm… Tiếng lành đồn xa, đặc sản gạo nếp cái hoa vàng Cát Thành được người tiêu dùng biết tiếng từ lâu đến nay việc tiêu thụ rất thuận lợi, khách hàng tự tìm về mua mà không phải quảng bá. Sản xuất lúa đặc sản phát triển kéo theo các dịch vụ đại lý thu mua, xay xát gạo trên địa bàn cũng ăn nên làm ra, người dân có nhiều nguồn thu nhập khá.
Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, điều kiện thời tiết trở lên khắc nghiệt hơn, nhiều giống lúa mới thấp cây, ngắn ngày, năng suất cao đã được đưa vào sản xuất. Cùng với quá trình công nghiệp hóa phát triển, diện tích cấy lúa đặc sản tại các địa phương đã dần bị co hẹp qua mỗi vụ sản xuất và đứng trước nguy cơ bị mai một... Nếp cái hoa vàng Cát Thành là một điểm sáng trong việc bảo tồn và phát triển các loại lúa giống đặc sản cổ truyền, không những đem lại hiệu quả sản xuất cho nông dân địa phương mà giữ được nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của quê hương Nam Ðịnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh