6 tháng đầu năm 2017, sản xuất CN-TTCN của huyện Trực Ninh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt trên 2.013 tỷ đồng, tăng 12,36% so với cùng kỳ năm 2016, giá trị hàng xuất khẩu đạt trên 272,3 tỷ đồng. Các ngành công nghiệp trọng điểm như: dệt may, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng... có bước phát triển khá.
|
Sản xuất các sản phẩm gỗ mỹ nghệ tại Cty TNHH Minh Tăng, Thị trấn Cổ Lễ. |
Để có được kết quả khả quan trên, ngay từ những tháng đầu năm 2017, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương và các địa phương căn cứ vào các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh để thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm ở từng địa phương. Tiến hành rà soát thực trạng, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới phương tiện vận tải thủy; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất, tăng cường thu hút các nhà đầu tư liên doanh, liên kết hoặc đầu tư trực tiếp vào các điểm, CCN. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Tiếp tục hoàn thành hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất tại các điểm, CCN tập trung, các làng nghề truyền thống; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, nửa đầu năm nay 12/13 ngành công nghiệp chủ yếu của huyện đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, có nhiều ngành công nghiệp chủ yếu đạt tốc độ tăng trưởng cao như: sản xuất da giầy đạt trên 32,6 tỷ đồng, tăng 32,15%; sản xuất các sản phẩm từ gỗ đạt 465,2 tỷ đồng, tăng 24,68%; sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại đạt trên 73,4 tỷ đồng, tăng 19,35%; sản xuất trang phục đạt 21,2 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 17%;... có 11/12 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của huyện tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ như: sản xuất các sản phẩm từ gỗ tăng 26%; đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy tăng 20%; sản xuất trang phục tăng 19,47%; dệt vải KT tăng 15,93%... Tại các CCN tập trung của huyện gồm: CCN Cổ Lễ đã thu hút được 23 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề như: dêt may, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất VLXD... tạo việc làm cho trên 400 lao động; CCN Cát Thành có 9 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: dệt may, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy... tạo việc làm cho 267 lao động; CCN Trực Hùng có 19 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư sản xuất đa dạng ngành nghề, tạo việc làm cho gần 200 lao động. 6 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp ở các CCN tập trung của huyện đạt xấp xỉ 44 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; giá trị kinh doanh các loại hình dịch vụ của các CCN tập trung đạt trên 43 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và các thương hiệu lớn trong nước cũng đang hoạt động hiệu quả, vừa mang đến nguồn thu lớn vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn như: Cty TNHH Shin Myung First Vina (Hàn Quốc) đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xã Trung Đông, tạo việc làm cho 540 lao động; Cty TNHH AMARA Việt Nam đầu tư trên 540 tỷ đồng tại Thị trấn Cổ Lễ, tạo việc làm cho gần 6.000 lao động; Cty TNHH Kiara Garment Việt Nam đầu tư nhà máy may công nghiệp ở Thị trấn Cát Thành, thu hút 518 lao động trực tiếp; Dự án đầu tư của Cty CP May 9 tại xã Trực Phú thu hút trên 1.000 lao động; dự án của Cty CP May 1 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) tại xã Trực Hưng thu hút trên 300 lao động. Trên địa bàn huyện đã phát triển được 15 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 7 làng nghề đã được UBND tỉnh quyết định công nhận. Những tháng đầu năm nay, các làng nghề của huyện đều hoạt động ổn định, góp phần quan trọng trong việc tăng thu nhập cho nhân dân địa phương.
Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất CN-TTCN, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (giá năm 2010) bình quân thời kỳ 2015-2020 đạt 16%/năm, sản xuất CN-TTCN trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng từ 55-59% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện (theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Trực Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt) huyện Trực Ninh chủ trương khuyến khích và tạo thuận lợi đẩy mạnh phát triển các ngành nghề huyện đã có nền tảng và lợi thế theo hướng chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, tổ chức và quản lý sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Chú trọng tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất CN-TTCN: khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất CN-TTCN hiện có; xây dựng thương hiệu cho các làng nghề truyền thống và thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị đầu tư lớn. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; quy hoạch và phát triển hệ thống trung tâm thương mại, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ vận tải đường bộ, đường sông đảm bảo tiện lợi, thông suốt. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh truyền thống như: dệt may; cơ khí... Trước mắt phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN năm 2017 đạt 4.141 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010)./.
Bài và ảnh:
Thành Trung