Ngày 26-8-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1672/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 (viết tắt là Tổng điều tra) trên phạm vi cả nước. Đây là lần thứ năm nước ta thực hiện Tổng điều tra kinh tế (các lần Tổng điều tra trước tiến hành vào các năm 1995, 2002, 2007 và 2012) và là một trong ba cuộc Tổng điều tra do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
Mục tiêu quan trọng nhất của Tổng điều tra kinh tế năm 2017 nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng cơ sở và lao động của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, bao gồm đến cấp đơn vị cơ sở; kết quả sản xuất, kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bổ của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và nhu cầu thông tin của xã hội. Kết quả từ cuộc Tổng điều tra cũng sẽ được sử dụng để tính toán chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như những chỉ tiêu thống kê chủ yếu năm 2016, năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; đồng thời cũng bổ sung số liệu và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong thời kỳ tiếp theo của ngành Thống kê, các bộ, ngành và địa phương.
Đối tượng điều tra là các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc mọi loại hình kinh tế, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, thỏa mãn cả ba điều kiện sau đây: Có địa điểm cố định trên lãnh thổ Việt Nam để trực tiếp thực hiện hoặc quản lý, điều hành các hoạt động thuộc các ngành kinh tế; Có chủ thể sở hữu và người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động, có lao động chuyên nghiệp; Có thời gian hoạt động liên tục hoặc định kỳ theo mùa vụ hoặc theo tập quán kinh doanh.
Cty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Hải Hậu là cơ sở thuộc đối tượng thực hiện cuộc Tổng điều tra. Ảnh: Văn Đại |
Nội dung điều tra bao gồm sáu nhóm thông tin: (1) Nhóm thông tin chung về cơ sở: thông tin định danh của cơ sở, ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh, loại hình sở hữu, loại hình tổ chức, cơ sở...; (2) Nhóm thông tin về lao động và thu nhập của người lao động: thông tin về người đứng đầu cơ sở; lao động của cơ sở; thu nhập của người lao động; (3) Nhóm thông tin về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh: tài sản, nguồn vốn, kết quả, chi phí của hoạt động sản xuất, kinh doanh; thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư thực hiện; tiêu dùng năng lượng; tình hình sử dụng công nghệ trong các doanh nghiệp; các chỉ tiêu thống kê chuyên ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 và Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam 2010; (4) Nhóm thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin: sử dụng máy tính, mạng internet cho sản xuất, kinh doanh; sử dụng hình thức thương mại điện tử qua hoạt động mua, bán hàng hóa, kinh doanh qua mạng internet; (5) Nhóm thông tin về tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp: mục tiêu, kết quả tiếp cận và lý do bị từ chối tiếp cận các nguồn vốn; (6) Nhóm thông tin chuyên đề về doanh nghiệp: đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp chế biến, chế tạo, gia công hàng hóa xuất, nhập khẩu với nước ngoài.
Thời điểm điều tra: Tổng điều tra kinh tế được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn một, thu thập thông tin của khối doanh nghiệp và hành chính, sự nghiệp từ tháng 3 đến tháng 5-2017. Giai đoạn hai, thu thập thông tin của khối tôn giáo, tín ngưỡng và hộ sản xuất, kinh doanh cá thể trong tháng 7-2017.
Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11-10-2016 UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 2248/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) Tổng điều tra kinh tế của tỉnh gồm 13 thành viên do đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đầu tháng 12-2016 cấp huyện và cấp xã hoàn thành công tác thành lập BCĐ và Tổ thường trực giúp việc. Toàn tỉnh có 10 huyện, thành phố và 229 xã, phường, thị trấn thành lập BCĐ với tổng số 822 thành viên.
Trong thời gian qua, BCĐ các cấp tổ chức thực hiện tốt các công việc và hoàn thành theo đúng kế hoạch Tổng điều tra. Công tác thu thập số liệu các đơn vị điều tra thuộc khối doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp hoàn thành trong tháng 5-2017. Toàn tỉnh thu thập thông tin tại 4.500 doanh nghiệp, 2.436 cơ sở hành chính, đơn vị sự nghiệp. Công tác lập bảng kê các đơn vị điều tra thuộc khối cá thể, tôn giáo, tín ngưỡng được BCĐ các cấp triển khai thực hiện theo đúng quy trình. Kết quả lập bảng kê, toàn tỉnh điều tra gần 91 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, trên 2.400 cơ sở tôn giáo tín ngưỡng. BCĐ các cấp tuyển chọn gần 1.000 điều tra viên chuẩn bị cho khâu tập huấn và thu thập thông tin ở cơ sở. Đến cuối tháng 6-2017, các huyện, thành phố hoàn thành công tác tập huấn nghiệp vụ điều tra cho điều tra viên, tổ trưởng điều tra và giám sát viên trong toàn tỉnh. Công tác phân phối tài liệu, vật tư, văn phòng phẩm và tài liệu tuyên truyền như đĩa CD hỏi đáp, lô gô, khẩu hiệu phục vụ Tổng điều tra được BCĐ các cấp thực hiện theo đúng tiến độ chuẩn bị cho giai đoạn hai thu thập thông tin bắt đầu từ ngày 1-7-2017.
Để thực hiện thắng lợi cuộc Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh, thời gian tới các địa phương trong tỉnh và các ngành có liên quan cần tập trung thực hiện các công việc chủ yếu sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cuộc Tổng điều tra, tập trung cao điểm từ ngày 25-6-2017 đến ngày 5-7-2017 với các hình thức đa dạng, phong phú để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của Tổng điều tra và cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho điều tra viên. Tổ chức phát trên Đài PT-TH tỉnh, Đài phát thanh huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đĩa CD hỏi đáp, các bài viết về Tổng điều tra; hoàn thành các băng rôn, dán các biểu tượng lô gô, áp phích, khẩu hiệu tại trụ sở, các nơi công cộng.
2. BCĐ Tổng điều tra các cấp bám sát kế hoạch của BCĐ Trung ương, của tỉnh để triển khai thực hiện các khâu công việc theo đúng quy trình và kế hoạch đề ra.
3. Tổ chức kiểm tra các khâu công việc chuẩn bị trước thời điểm Tổng điều tra 1-7-2017: Bố trí lực lượng điều tra viên, tổ trưởng điều tra tại các địa bàn; phân công lực lượng giám sát kiểm tra; chuyển phiếu điều tra và các loại văn phòng phẩm phục vụ cho công tác điều tra tới cán bộ tham gia điều tra.
4. Triển khai thực hiện tốt công tác điều tra thực tế trên địa bàn toàn tỉnh bắt đầu từ sáng ngày 1-7-2017, phấn đấu hoàn thành công tác thu thập thông tin trước ngày 30-7-2017.
5. Công tác kiểm tra, giám sát các khâu công việc, nhất là thu thập số liệu ở cơ sở phải được BCĐ các cấp tiến hành thường xuyên chặt chẽ ở tất cả các địa bàn, các điều tra viên nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc nảy sinh và khắc phục tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng điều tra.
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 là cuộc Tổng điều tra quan trọng, có nội dung rộng và phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng và đơn vị khác nhau, BCĐ Tổng điều tra tỉnh rất mong được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm phối hợp chỉ đạo thực hiện, toàn thể nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực để cuộc Tổng điều tra tiến hành thuận lợi, đáp ứng cao nhất mục đích, yêu cầu đề ra./.
Nguyễn Văn Ty
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh
Phó Trưởng Ban Thường trực
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh