Những ngày đầu tháng 6, nắng như đổ lửa, chúng tôi về huyện Giao Thủy khi ở đây đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ mùa lạc. Ngay từ sáng sớm, trên khắp các con đường dong ngõ xóm đã thấy những người nông dân í ới gọi nhau ra đồng để thu hoạch lạc. Dưới cái nắng oi ả của mùa hè, những giọt mồ hôi ướt đẫm áo của người nông dân cũng không làm vơi đi niềm vui, phấn khởi trên gương mặt mỗi người vì năm nay mùa lạc tại Giao Thủy được mùa, được giá.
Bà Cao Thị Chỉ ở tổ dân phố Lâm Sơn, Thị trấn Quất Lâm đang thu hoạch lạc. |
Với đồng đất cát của vùng giáp biển huyện Giao Thủy, các loại cây trồng như: khoai tây, lạc, củ cải… là thích hợp nhất. Tùy vào từng thời điểm, người dân nơi đây biết cách phát huy lợi thế tốt nhất của đồng đất để trồng các loại cây thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Cao Thị Chỉ ở tổ dân phố Lâm Sơn, Thị trấn Quất Lâm là một trong những hộ nông dân trồng lạc có “thâm niên” của thị trấn. Tuy nhiên để mùa lạc mang lại năng suất, chất lượng cao, bà Chỉ đã phải chuẩn bị rất nhiều thứ, từ việc chọn giống, gieo mầm, làm đất, lên luống… Công đoạn nào cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng hạt giống, vì giống lạc có tốt thì cây mới phát triển mạnh, cho nhiều củ. Bà Chỉ cho biết: “Cứ vào cuối vụ trước, tôi cẩn thận tự tay mình lựa chọn những củ giống tốt nhất từ những đống lạc thu hoạch của nhà, làm khô bằng cách treo phơi dưới hiên hoặc phơi dưới sân gạch. Trong trường hợp thời tiết xấu, không có nắng phải sử dụng máy sấy làm khô...”. Sau khi phơi khô xong, bà Chỉ cất cẩn thận để chuẩn bị cho một mùa xuống giống sau. Khi những cơn mưa xuân trong tiết trời tháng giêng bắt đầu cũng là lúc bà Chỉ mang lạc giống ra trồng. Với đồng đất cát pha, bà làm luống có bề rộng 55-60cm, cao 25-35cm, trồng thành hàng đôi, hàng cách hàng 30-35cm, gốc cách gốc 20-25cm. Bên cạnh đó, bà còn cẩn thận bón lót phân chuồng và phân lân vào giữa hai hàng lạc khi làm đất cào luống. Sau khi lạc mọc đều khoảng 20 ngày thì bà dùng đạm u-rê hòa loãng tưới kết hợp xới nông và vun nhẹ. Sau khoảng 30-35 ngày là lạc ra hoa, lúc này nên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cây lạc sinh trưởng như bón thêm đạm và phân kali kết hợp tung vôi bột hả lên lá, thân, gốc và vun hoàn chỉnh luống để đạt chất lượng tốt nhất.
Hiện nay tại các xã, thị trấn ven biển trên địa bàn huyện Giao Thủy như Thị trấn Quất Lâm, xã Giao Phong, Giao Yến…, hầu như nhà nào cũng trồng lạc. Theo bà Cao Thị Chỉ, có đến 80-90% hộ gia đình trồng lạc. Nhà ít cũng khoảng 2-3 sào, nhà nào nhiều 6-7 sào, thậm chí hàng mẫu. Do đặc điểm sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, nên cây lạc ở Giao Thủy được trồng dày đặc ở trong vườn nhà, ngoài ruộng. Tranh thủ những ngày thời tiết tạnh ráo, nhân dân trong các xã tấp nập ra đồng thu hoạch lạc. Chỉ cần nhẹ tay nhổ là từng khóm lạc bật lên khỏi lòng đất. Lạc năm nay được mùa cho rất nhiều củ. Nhổ lạc xong thì người già đến con trẻ đều có thể làm được việc tách lạc ra khỏi rễ, phân chia thành từng loại tốt, xấu đổ vào bao. Mấy năm nay, lạc trở thành loại hàng hóa rất được ưa chuộng trong và ngoài tỉnh, chỉ cần nông dân nhổ xong, giũ sạch đất cát là thương lái đến tận ruộng thu mua. Với giá bán như hiện tại 25 nghìn đồng/kg lạc tươi, nếu đổ phơi khô thì có giá bán từ 38-40 nghìn đồng/kg, ước tính 3 sào lạc của gia đình bà Chỉ cho thu nhập gần 16 triệu đồng/vụ. “So với trồng một số loại cây nông nghiệp khác, cây lạc mang về giá trị cao hơn, ổn định hơn, vì chúng tôi không mất chi phí mua giống, chỉ bỏ chi phí ban đầu là tiền phân, thuốc trừ sâu cũng không đáng kể, thị trường tiêu thụ rộng mở, giá cả lại tương đối ổn định so với các loại cây trồng khác nên cây lạc được nhiều hộ gia đình lựa chọn làm cây trồng cho vụ xuân hè”, bà Chỉ cho biết thêm. Do đặc điểm điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên giống lạc đỏ được chọn trồng nhiều nhất. Hạt nhỏ, mẩy, khi ăn có vị đậm đà nên khách hàng rất ưa chuộng. Nhờ chất lượng lạc tốt, công nghệ thông tin ngày càng hiện đại nên việc quảng bá giống lạc tại Giao Thủy được nhiều người biết đến hơn, thị trường tiêu thụ rộng rãi, từ các vùng nông thôn cho đến thành phố, rồi tận Hà Nội cũng về đặt mua. Đã qua rồi cái thời người dân thu hoạch lạc phải đem ra chợ bán, bây giờ lạc thu hoạch đến đâu đều có thương lái đến tận ruộng mua, nhiều khi hàng bán chạy không đủ hàng để bán cho khách. Ngoài ra, mỗi khi vào mùa thu hoạch lạc, người nông dân lại bận rộn chạy đua với thời gian để thu hoạch vì nếu chậm trễ, lạc sẽ nảy mầm gây thất thu.
Mùa lạc của bà con nông dân đang vào những ngày chính vụ. Cây lạc đã góp một phần đáng kể trong việc tăng thu nhập cho người dân. Không khó để nhận ra điều này khi đi dọc theo các trục đường chính hay những con đường bê tông trên địa bàn Thị trấn Quất Lâm ngày càng xuất hiện nhiều những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, giúp cho người nông dân có cuộc sống ấm no, sung túc hơn, giúp giảm nghèo và ngày càng gắn bó với đồng ruộng quê hương./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh