Nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi (kỳ 3)

08:06, 26/06/2017

[links()]

(Tiếp theo và hết)

Các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi, hành lang thoát lũ không chỉ xảy ra trong ngày một, ngày hai nên chính quyền, đơn vị quản lý công trình ở cơ sở không thể không biết để ngăn chặn xử lý kịp thời ngay từ ban đầu. Do vậy tăng cường quản lý, phân công gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc phát hiện xử lý vi phạm không để diễn biến phức tạp; dứt điểm khắc phục tình trạng “phạt cho tồn tại” là những biện pháp quan trọng để xử lý ngăn chặn vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ, công trình thủy lợi.

Giải tỏa vi phạm công trình đê điều tại tuyến đê tả sông Đáy đoạn qua Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).
Giải tỏa vi phạm công trình đê điều tại tuyến đê tả sông Đáy đoạn qua Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).

III- Cần các giải pháp mạnh

Trong 3 năm qua, mặc dù còn nhiều tồn tại trong việc thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND song cũng đã xuất hiện một số cách làm hay trong việc xử lý vi phạm đê điều, công trình thủy lợi. Tiêu biểu là xã Yên Lộc (Ý Yên), với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền đã giải tỏa được nhiều vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi như: lều lán, tường bao, bờ rào…; đặc biệt đã giải tỏa chợ Vò - chợ truyền thống họp trên mái kênh. Cty TNHH một thành viên KTCTTL Mỹ Thành đã cùng các xã, phường, thị trấn của huyện Mỹ Lộc và Thành phố Nam Định thống kê phân loại và tiến hành giải tỏa vi phạm. Đến nay đã xử lý 12 vụ xây tường bao, công trình phụ; 76 quán nhà tạm; 6 vị trí san lấp làm bãi tập kết vật liệu, hàng hóa; giải tỏa 120 nghìn m2 bèo rau trên mặt kênh cản trở dòng chảy, góp phần đảm bảo thông thoáng dòng chảy. Định kỳ hằng tháng Cty thành lập đoàn kiểm tra đến từng công trình, từng vị trí thực hiện nhiệm vụ, quản lý, duy tu, khai thác và bảo vệ công trình trên toàn hệ thống. Đồng chí Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết: Những vi phạm lấn chiếm xây dựng nhà cửa, lấn lòng kênh, mái kênh, đê điều, hành lang thoát lũ… không thể diễn biến chỉ trong ngày một, ngày hai. Điều này cho thấy việc thực hiện trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm của các địa phương còn yếu; ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo các xã còn kém. Để ngăn chặn, không phát sinh các vi phạm mới cần phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm và xử lý vụ việc ngay từ khi vi phạm bắt đầu phát sinh. Giao cho các tổ chức, cá nhân tự quản các tuyến kênh, tuyến đê. Còn theo đồng chí Hoàng Xuân Thành, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên, cần phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các xã, thị trấn; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc rà soát, xử lý các vi phạm ngay từ ban đầu…

Để hoàn thành việc giải tỏa vi phạm công trình đê điều, thủy lợi, quản lý bến bãi kinh doanh vật liệu ven sông, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo giải tỏa vi phạm công trình đê điều, thủy lợi; ban hành quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm các thành viên Ban chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện của các xã, phường, thị trấn, các ngành trong huyện. Khẩn trương tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 14 của UBND tỉnh về giải tỏa vi phạm công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn để phân tích thực trạng và rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Hướng dẫn và chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa xử lý vi phạm công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 5-9-2014 của UBND tỉnh. Tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê phân loại, xây dựng kế hoạch giải tỏa các vi phạm tồn tại từ năm 2007 đến nay, kế hoạch hoàn thành giải tỏa vi phạm chậm nhất là năm 2020. Phân công nhiệm vụ cho các tập thể, cá nhân thực hiện kế hoạch giải tỏa vi phạm theo từng lĩnh vực vi phạm, thời gian hoàn thành từng năm. Tiến hành rà soát, kiểm tra, thanh tra việc giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, hành lang thoát lũ các tuyến sông để báo cáo UBND tỉnh trong tháng 12-2017. Lập kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc giải tỏa vi phạm công trình đê điều, thủy lợi, hành lang thoát lũ ít nhất 3 tháng/lần; xử lý theo thẩm quyền, đề xuất UBND tỉnh (nếu vượt thẩm quyền) xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức có liên quan vi phạm hoặc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cưỡng chế các trường hợp không tự giải tỏa vi phạm theo quy định. Báo cáo kết quả giải tỏa vi phạm công trình đê điều, thủy lợi hằng tháng, hằng quý, 6 tháng, cả năm về UBND tỉnh. Tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện vào tháng 12 hằng năm, hội nghị tổng kết vào tháng 12-2020. Sở NN và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa vi phạm công trình đê điều, thủy lợi, thoát lũ trên các tuyến sông có đê. Dự thảo quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cho các thành viên. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan, chủ trì hướng dẫn việc kiểm tra, rà soát, thống kê, phân loại vi phạm để các huyện, thành phố thực hiện. Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phân công cán bộ quản lý đê chuyên trách của các Hạt quản lý đê tham mưu cho Ban chỉ đạo kiểm tra, rà soát, thống kê, phân loại, xây dựng và thực hiện kế hoạch giải tỏa vi phạm công trình đê điều, hành lang thoát lũ của các huyện, thành phố. Các Cty TNHH một thành viên KTCTTL tham mưu cho Ban chỉ đạo các địa phương trong việc kiểm tra, rà soát, thống kê, phân loại, xây dựng và thực hiện kế hoạch giải tỏa vi phạm công trình kênh mương, cống, đập, trạm bơm của các huyện, thành phố. Phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi. Sau khi điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết trên các tuyến sông có đê được HĐND tỉnh phê duyệt, quy hoạch đê điều được Bộ NN và PTNT phê duyệt; đề xuất với UBND tỉnh, Bộ NN và PTNT xây dựng hành lang chân đê sau khi giải tỏa để chống tái vi phạm, góp phần xây dựng NTM. Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi rà soát, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ chuyên trách quản lý đê điều thuộc các Hạt quản lý đê để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ còn yếu về chuyên môn; luân chuyển điều động đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ; khen thưởng kịp thời đối với cán bộ có thành tích trong việc thực hiện giải tỏa ở địa bàn được phân công. Sở KH và ĐT chủ trì cùng các sở, ngành có liên quan hướng dẫn hồ sơ thủ tục cấp phép xây dựng công trình, dự án, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông. Các tổ chức, đoàn thể phối hợp với Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình đê điều, công trình thủy lợi; vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc chấp hành pháp luật về đê điều, bảo vệ công trình thủy lợi.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc xử lý các vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi và bãi sông. Yêu cầu các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phải chủ động báo cáo với thường trực cấp ủy về tình hình vi phạm đê điều, công trình thủy lợi; các vi phạm về đất đai trên địa bàn để chỉ đạo. Tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình đê điều, công trình thủy lợi, Luật Đất đai… Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đê điều, công trình thủy lợi, bến bãi; rà soát, bổ sung các quy hoạch bến bãi; quản lý tốt về quy hoạch, cấp phép. Sở NN và PTNT làm đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành quy chế phối hợp trong việc xử lý các vi phạm, bảo đảm rõ đầu mối xử lý và xác định trách nhiệm khi xảy ra vi phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nếu để xảy ra các vi phạm mới sẽ phải chịu trách nhiệm. Với những trường hợp vi phạm đang tồn tại, các huyện, thành phố cần kiểm tra, phân loại các vi phạm để có kế hoạch, lộ trình xử lý hiệu quả. Các sở, ngành liên quan tham mưu cho chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện việc giải tỏa, xử lý vi phạm đê điều, công trình thủy lợi, quản lý bến bãi kinh doanh vật liệu ven sông./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com