[links()]
(Tiếp theo kỳ trước)
Nhiệm vụ bảo vệ hành lang an toàn đê điều, công trình thủy lợi được nhắc đến hằng năm theo quy định, nhất là trong triển khai thực hiện công tác PCLB. 3 năm qua đã có thêm Chỉ thị 14 của UBND tỉnh để tập trung xử lý vi phạm hành lang an toàn đê điều và công trình thủy lợi nhưng kết quả xử lý vẫn không cao?
II- Vì sao kết quả xử lý thấp?
Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND, hầu hết các huyện, thành phố đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm; vận động nhân dân tự giải tỏa vi phạm đê điều, công trình thủy lợi. Các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều; xây dựng kế hoạch giải tỏa các vi phạm. Tuy nhiên, các địa phương đều không hoàn thành việc thực hiện Chỉ thị số 14 như kế hoạch. Trong 3 năm qua, chưa có năm nào các địa phương xử lý số vụ vi phạm đê điều vượt quá 20% kế hoạch; tổng số mới chỉ giải tỏa được 493/5.020 vụ, đạt 9,8% và vẫn để phát sinh vi phạm mới. Đối với vi phạm công trình thủy lợi, các địa phương mới giải tỏa được 801/19.826 vụ vi phạm. Trên các bãi sông, có đến 88% cơ sở không có giấy phép theo Luật Đê điều; 88% bến bãi không có giấy phép bến thủy nội địa; 96% cơ sở không được cấp phép xây dựng… Những con số trên cho thấy việc các cấp, các ngành chưa làm hết thẩm quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực, địa bàn được giao.
Các phương tiện cơ giới được huy động giải tỏa các vi phạm công trình thuỷ lợi tại kênh Thống Nhất, xã Bạch Long (Giao Thủy). |
Đồng chí Bùi Sỹ Sơn, quyền Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, khai thác bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc chấp hành pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi của các đoàn thể và chính quyền các địa phương thực sự chưa thường xuyên, liên tục, còn mang tính hình thức. Chưa kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức với cương quyết xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật nên người dân và cả một số cán bộ cấp xã, phường và chính quyền cấp xã, phường không chấp hành dẫn đến luật và các quy định có liên quan không được thực thi nghiêm túc, tình trạng vi phạm ngày càng tăng. Ngay việc thành lập BCĐ, ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị tại các huyện, thành phố cũng không đồng đều về thời gian; có huyện sau 2 năm Chỉ thị ra đời mới thành lập BCĐ; việc ban hành quy chế và phân công trách nhiệm cho các thành viên ở một số huyện chưa phù hợp với yêu cầu của Chỉ thị, chưa phù hợp với chức trách cán bộ được phân công nên hiệu quả hoạt động của BCĐ không cao. Một số huyện làm chưa tốt việc kiểm tra, thống kê, phân loại vi phạm trên mặt đê, mái đê, trong phạm vi 5m từ chân đê trở ra, ngoài phạm vi 5m nhưng trong phạm vi bảo vệ đê, bảo vệ kênh hay trong hành lang thoát lũ… dẫn đến việc xây dựng kế hoạch giải tỏa lộ trình, thời gian hoàn thành kế hoạch không đạt yêu cầu như Chỉ thị đề ra. Các vi phạm mới vẫn phát sinh, không được xử lý kịp thời và triệt để. Việc xử lý hoạt động phát quang mái đê, rào chắn, đào bới mái đê để trồng cây, rau màu chưa được chính quyền cấp xã, phường của các huyện, thành phố quan tâm xử lý. Thanh tra, kiểm tra các trường hợp giao đất, cho thuê đất trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, thu hồi giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến công trình đê điều, thủy lợi, thoát lũ của các huyện, thành phố ít được thực hiện, các vụ việc đã thanh tra nhưng xử lý sau thanh tra theo quy định của pháp luật còn ít. Hầu như các huyện, thành phố không cắm biển hạn chế tải trọng trên các tuyến đê, không xây dựng các ba-ri-e ngăn chặn xe quá khổ, quá tải đi trên đê. Ở những tuyến Sở NN và PTNT đã cắm biển, xây dựng ba-ri-e và bàn giao cho các địa phương vận hành quản lý nhưng rất nhiều địa phương để xảy ra tình trạng phá hoại ba-ri-e, bị vô hiệu hóa. Vì vậy xe quá khổ, quá tải vẫn thường xuyên hoạt động trên mặt các tuyến đê, kể cả các tuyến đê đã được đổ bê tông, thảm nhựa áp phan mặt đê làm cho mặt đê nhiều tuyến bị phá hủy, xuống cấp trầm trọng. Các huyện, thành phố hằng năm vẫn lập kế hoạch để thanh tra các vụ việc liên quan đến pháp luật đê điều, thủy lợi… nhưng từ khi có Chỉ thị số 14 đến nay chưa xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ công chức có liên quan vi phạm hoặc đùn đẩy, né tránh trong việc xử lý các vi phạm.
Thực trạng vi phạm cũng cho thấy công tác quản lý đất đai ở các địa phương còn nhiều tồn tại, thiếu sót như cho thuê cả đất nằm trong hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào cả mái đê, hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, công trình thủy lợi, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi… nên khi xử lý vi phạm rất khó khăn. Việc chuẩn bị quỹ đất tái định cư cho các trường hợp xây nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi chưa được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện. Các hộ vi phạm phần lớn không muốn chuyển đến nơi định cư mới. Chưa có hướng dẫn đồng bộ hồ sơ, thủ tục cấp phép xây dựng công trình, dự án, bến bãi kinh doanh vật liệu ở bãi sông. Việc cấp phép của một số ngành, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn không đúng quy định, vượt thẩm quyền gây khó khăn khi xử lý vi phạm. Một số Hạt quản lý đê, lực lượng quản lý đê chuyên trách; lực lượng quản lý công trình thủy lợi của các Cty TNHH một thành viên KTCTTL chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chưa thường xuyên kiểm tra, phát hiện vi phạm ngay từ khi mới phát sinh để ngăn chặn, xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền làm cho việc xử lý vi phạm rất khó khăn, phức tạp. Lực lượng quản lý đê nhân dân chưa phối hợp tốt với quản lý đê chuyên trách trong việc phát hiện, ngăn chặn, tham mưu cho chính quyền cơ sở ngăn chặn xử lý vi phạm. Vì vậy, các vụ vi phạm tiếp tục phát sinh hoặc ít được xử lý. Nhiều xã, phường, thị trấn thiếu kiểm tra vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ, công trình thủy lợi. Có nhiều trường hợp lực lượng quản lý đê chuyên trách phát hiện vi phạm, lập biên bản, báo cáo nhưng UBND xã, phường, thị trấn cũng không ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền và không báo với cấp cao hơn để xử lý. Nhiều vi phạm được UBND huyện, thành phố, kể cả UBND tỉnh chỉ đạo nhưng vẫn không được xử lý hoặc xử lý hình thức, không triệt để, không kịp thời.
Nói về khó khăn trong phát hiện kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, đồng chí Nguyễn Văn Việt, Hạt trưởng Hạt quản lý đê huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Có rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến các vi phạm tồn tại lâu dài. Một số trường hợp người vi phạm mượn cớ là thương binh, một số trường hợp chây ì, viện nhiều lý do gây khó khăn không hợp tác, không chấp hành giải tỏa, thậm chí còn đe dọa lực lượng kiểm soát viên đê điều, từ đó kéo theo các hộ vi phạm khác cũng trông chờ, không chấp hành giải tỏa. Một số xã, thị trấn không nghiêm túc thực hiện văn bản chỉ đạo của huyện, ngại va chạm, né tránh, chưa thực sự vào cuộc, cương quyết xử lý dứt điểm các vi phạm…”. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố không thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ, công trình thủy lợi; kiểm tra việc cấp phép các công trình, dự án dẫn đến việc chỉ đạo xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Hằng năm các huyện, thành phố chưa tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả giải tỏa vi phạm để rút kinh nghiệm; UBND tỉnh cũng chưa kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị 14. Kinh phí cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi rất lớn, trong đó nguồn ngân sách của các địa phương và của tỉnh còn khó khăn, việc cắm mốc và bảo vệ mốc cắm rất phức tạp nên việc thực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu…
Ngoài ra, việc xử lý các vi phạm do lịch sử để lại, nhất là từ trước năm 2007 gặp rất nhiều khó khăn. Vùng đất bãi và hành lang đê là những nơi thuận lợi đi lại và khai thác phát triển kinh tế trong khi công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý bến bãi, khai thác tài nguyên khoáng sản… chưa đồng bộ, tạo cơ hội cho vi phạm nảy sinh./.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Ngọc Ánh