Nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi

07:06, 22/06/2017

Tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh diễn ra rất phức tạp, đe dọa an toàn công trình phòng chống lụt bão, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp gây bức xúc trong dư luận. Trước thực trạng đó, ngày 25-6-2014, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện chỉ thị, đánh giá tại hội nghị sơ kết vừa qua nêu rõ công tác xử lý vi phạm ở nhiều nơi vẫn gần như “giậm chân tại chỗ”...

I- Ngổn ngang vi phạm

Do hệ thống công trình đê điều, thủy lợi phân bố trên diện rộng, trải dài trên khắp các địa phương trong tỉnh nên tình trạng vi phạm công trình đê điều, thủy lợi vẫn diễn ra phức tạp và tập trung ở những khu vực dân cư đông đúc, thị trấn, thị tứ. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, toàn tỉnh hiện có 5.020 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Hình thức vi phạm Luật Đê điều diễn ra chủ yếu như: xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông, chiếm dụng mái đê để trồng các loại cây. Bạt, xẻ đê làm lối đi lại; trồng cây, dựng lều quán trên mặt đê, mái đê; đổ rác, phế thải, vật liệu xây dựng bừa bãi ở chân đê, mái đê, bãi sông; đào ao, đầm nuôi trồng thủy sản trong phạm vi hành lang bảo vệ đê. Khai thác đất, cát ở lòng sông, bãi biển gần đê làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền không đúng quy định; sử dụng xe quá tải đi trên đê; neo đậu tàu thuyền vào mái kè làm bong bật mái kè... Một số địa phương cho thuê khoán bãi sông trong phạm vi bảo vệ đê điều, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, có xã cho thuê đất vào cả mái đê; làm nơi chứa vật liệu, khai thác đất làm gạch, đắp bờ làm cản trở dòng chảy… Trên hệ thống công trình thủy lợi có tới 19.826 vụ vi phạm, chủ yếu làm nhà ở, lều quán, tập kết vật liệu, làm bến bãi bốc dỡ hàng hóa trong hành lang bảo vệ công trình; dựng lều, vó, bè ngâm gỗ, tre, luồng, đổ phế thải, rơm rạ, rau, bèo… cản trở việc tiêu thoát nước của công trình, neo đậu tàu thuyền khu vực cửa cống không đúng quy trình. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi là do công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến người dân còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân không cao. Sự phối hợp giữa các cấp chính quyền với cơ quan chuyên môn trong việc xử lý vi phạm còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Tình trạng buông lỏng quản lý đê điều, công trình thủy lợi còn xảy ra ở nhiều nơi.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công trình vi phạm đê điều của Cty CP Thiên Trần Vũ tại huyện Mỹ Lộc.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công trình vi phạm đê điều của Cty CP Thiên Trần Vũ tại huyện Mỹ Lộc.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 25-6-2014, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị số 14 yêu cầu “Các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê, phân loại, lập kế hoạch và tổ chức giải tỏa các vi phạm tồn tại từ năm 2007 đến nay; trước hết các vụ vi phạm trên mặt, mái đê và trong phạm vi 5m từ chân đê trở ra, các vi phạm làm thu hẹp, cản trở dòng chảy của kênh mương… Thời gian xong trước năm 2014 và tiếp tục xây dựng kế hoạch giải tỏa các vi phạm còn lại, xong trước năm 2015. Tuyệt đối không để phát sinh trường hợp vi phạm mới không được xử lý kịp thời và triệt để”. Tuy nhiên thực tế, sau 3 năm thực hiện, toàn tỉnh mới chỉ giải tỏa được 493 vụ vi phạm về đê điều, trong đó 461 vụ vi phạm trong phạm vi 5m, 32 vụ vi phạm ngoài phạm vi 5m. Cụ thể: Thành phố Nam Định 29 vụ, Ý Yên 111 vụ, Nam Trực 57 vụ, Mỹ Lộc 19 vụ, Vụ Bản 25 vụ, Nghĩa Hưng 90 vụ, Trực Ninh 83 vụ, Xuân Trường 46 vụ, Giao Thủy 26 vụ, Hải Hậu 12 vụ. Hiện vi phạm về đê điều của toàn tỉnh tồn tại đến nay còn 4.527 vụ; trong đó nhiều nhất là huyện Nghĩa Hưng còn 1.381 vụ, Nam Trực 1.020 vụ. Thậm chí sau khi có Chỉ thị số 14 vi phạm pháp luật về đê điều vẫn tiếp tục phát sinh. Đến nay, đã có thêm 134 vụ vi phạm mới; nhiều nhất là các huyện: Mỹ Lộc 32 vụ, Ý Yên và Giao Thủy 29 vụ, Trực Ninh 14 vụ… Trong các vụ vi phạm mới phát sinh này, các địa phương mới chỉ giải tỏa được 45 vụ, còn tồn đọng 89 vụ. Đối với vi phạm công trình thủy lợi, đến nay, các địa phương cũng mới chỉ giải tỏa được 801 vụ vi phạm; hiện toàn tỉnh vẫn còn 19.025 vụ vi phạm công trình thủy lợi, gồm nhà cửa, lều quán, đăng đó, vị trí rác xả thải và vi phạm khác. Các địa phương còn nhiều vi phạm là Xuân Trường 10.562 vụ, Giao Thủy 4.938 vụ, Nam Trực 1.217 vụ... Ngoài ra còn các vi phạm như: bèo rác, bè mảng, bãi để vật liệu, bãi bốc dỡ, bãi đổ rác thải; các Cty KTCTTL thống kê theo diện tích khoảng gần 648.510m2, tập trung nhiều ở các đơn vị: Ý Yên 246.840m2, Nam Ninh 145.892m2, Nghĩa Hưng 118.074m2.

Trong 3 năm, UBND tỉnh đã thành lập 6 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND tại các huyện, thành phố. Tại mỗi địa phương, đoàn đều có thông báo kết luận chỉ đạo thực hiện. Hằng năm, Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở NN và PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra việc thực hiện Chỉ thị 14 gắn với công tác phòng, chống lụt bão tại các huyện, có kết luận thanh tra và kiến nghị các địa phương, các ngành chỉ đạo thực hiện việc giải tỏa. Tuy nhiên, hầu hết các kết luận thanh tra vi phạm chưa được chính quyền các cấp kiểm tra đôn đốc thực hiện, xử lý dứt điểm vi phạm. Tại huyện Mỹ Lộc, căn cứ kết luận thanh tra về vi phạm của Cty CP Thiên Trần Vũ, đến nay Cty mới phá dỡ một phần tường bao gạch ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ trong hành lang bảo vệ kè, tháo dỡ biển quảng cáo trên mái đê, mới nộp phạt 7/117 triệu đồng. Thanh tra kiến nghị có 59 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê điều trên địa bàn huyện nhưng vẫn chưa giải quyết được trường hợp nào. Huyện Vụ Bản có kết luận thanh tra về vi phạm với 2 trường hợp là hộ bà Phạm Thị Liên và hộ ông Phạm Văn Công tại xã Thành Lợi tập kết vật liệu xây dựng với khối lượng lớn vi phạm hành lang bảo vệ đê, nhưng đến nay các hộ này vẫn chưa giải tỏa. Tại huyện Nghĩa Hưng, kết luận của thanh tra kiến nghị UBND Thị trấn Liễu Đề xử lý ngay đối với 2 trường hợp vi phạm cũ là hộ các ông Hoàng Văn Khải, Hoàng Cao Bằng và 2 trường hợp vi phạm mới phát sinh năm 2016 là hộ các ông Hoàng Văn Du, Đinh Văn Năng nhưng đến nay vi phạm của 4 hộ trên vẫn tồn tại như cũ… Ngày 9-1-2017, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch 03/KH-UBND về việc kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 14/CT-UBND và quản lý bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng theo quy hoạch phát triển GTVT đường thủy nội địa của tỉnh; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Sở NN và PTNT chủ trì thực hiện Kế hoạch số 03. Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều vụ vi phạm về đê điều trên địa bàn các huyện mới chỉ giải tỏa một phần nhỏ liền sát mặt đê, thực tế vi phạm vẫn còn tồn tại. Hiện toàn tỉnh có 639 cơ sở, bến bãi hoạt động trên các bến sông song mới chỉ có 80 cơ sở được cấp giấy phép theo Luật Đê điều, 99 bến bãi được cấp phép bến thủy nội địa, 67 bến bãi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 28 bến bãi được cấp giấy phép xây dựng. Điều này cho thấy việc quản lý các bến bãi đang hoạt động còn lỏng lẻo. Nhiều bến bãi hoạt động không được cấp phép; xây dựng nhà cửa, làm mố cẩu tự chế và tập kết vật liệu sát mép sông; nhiều bãi còn lấn chiếm dòng chảy…

Các vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi và hành lang thoát lũ nếu không được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng an toàn của các tuyến đê, ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão; làm ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường đối với các tuyến kênh tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống sinh hoạt./.

(còn nữa)
Bài và ảnh
: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com