Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

07:06, 29/06/2017
Thời gian qua, mặc dù Ngân hàng CSXH tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách song tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn đang có xu hướng tăng. Vì vậy cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả để xử lý nhằm bảo đảm không phát sinh thêm nợ xấu, nợ quá hạn, góp phần bảo đảm an toàn nguồn vốn của Nhà nước.
 
Theo đánh giá của Ban đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh, tính đến hết quý I-2017 tổng nguồn vốn huy động của toàn hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 2.536 tỷ đồng, tăng 120,2 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2016, đạt tỷ lệ tăng trưởng 5%. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 2.306,8 tỷ đồng, tăng 92,6 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất chênh lệch 217,3 tỷ đồng, tăng so với năm 2016 là 26,7 tỷ đồng. Doanh số cho vay của 9 chương trình cho vay tín dụng chính sách đạt 2.533,6 tỷ đồng, tăng 119,3 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 292,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Toàn tỉnh có 108 nghìn 825 khách hàng đang có dư nợ. Theo đánh giá của Ngân hàng CSXH tỉnh thì trong quý I-2017 đã có 1.069 hộ nghèo, 2.250 hộ cận nghèo, 969 hộ mới thoát nghèo được vay vốn với lãi suất ưu đãi, góp phần giúp 834 hộ thoát nghèo, 419 hộ thoát cận nghèo, tạo việc làm cho 155 lao động, 3.468 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để chi trả cho nhu cầu học tập, xây dựng được 7.565 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp đã dành 11 tỷ 847 triệu đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách; trong đó cấp tỉnh 8 tỷ 900 triệu đồng, cấp huyện 1 tỷ 880 triệu đồng và cấp xã 1 tỷ 67 triệu đồng. Việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn được giải ngân nhanh chóng, kịp thời đến đúng đối tượng, chất lượng tín dụng được duy trì ổn định. Công tác huy động vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay, tiếp tục tập trung triển khai hình thức huy động tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) và huy động tiết kiệm tại điểm giao dịch xã được duy trì và tăng cường. Ban đại diện HĐQT, các hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp và Ngân hàng CSXH tỉnh, các chi nhánh cấp huyện đã xây dựng xong chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát năm. Qua đánh giá chất lượng tín dụng xã trong toàn tỉnh có 218 xã xếp loại tốt, 5 xã xếp loại khá, 5 xã xếp loại trung bình và 1 xã xếp loại yếu. 
 
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng tổng số nợ xấu vẫn còn 3 tỷ 948 triệu đồng; trong đó nợ quá hạn là 3 tỷ 208 triệu đồng, tăng so với thời điểm cuối năm 2016 là 17 triệu đồng. Nợ quá hạn tăng tập trung chủ yếu ở 6 huyện gồm: Mỹ Lộc tăng 28,8 triệu đồng, Nghĩa Hưng tăng 16,1 triệu đồng, Vụ Bản tăng 14,4 triệu đồng, Nam Trực tăng 11 triệu đồng, Hải Hậu tăng 9,6 triệu đồng và Giao Thủy tăng 4,8 triệu đồng. Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện 1 đợt xử lý rủi ro, trình cấp trên xóa nợ cho 55 món với tổng số tiền 747,1 triệu đồng, trong đó tiền gốc là 564,9 triệu đồng và tiền lãi 182,2 triệu đồng. Cùng với tình trạng nợ quá hạn tăng thì chất lượng tín dụng ủy thác qua các kênh cũng chưa đồng đều, ở một số nơi nợ quá hạn ở mức cao và có chuyển biến chậm. Cụ thể, kênh Hội Nông dân tập trung ở 2 đơn vị là huyện Ý Yên 370 triệu đồng và huyện Nam Trực 188 triệu đồng với số nợ quá hạn chiếm tới 59% tổng số nợ quá hạn ủy thác của Hội; kênh Hội LHPN tập trung ở: Thành phố Nam Định 300 triệu đồng, Ý Yên 277 triệu đồng, Trực Ninh 263 triệu đồng, Giao Thủy 178 triệu đồng; các kênh Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên nợ xấu đều tập trung ở Thành phố Nam Định với số nợ quá hạn chiếm trên 50% tổng số nợ quá hạn của các kênh này. Bên cạnh đó, việc củng cố các tổ TK và VV có chất lượng tín dụng thấp, tổ hoạt động yếu kém, tổ có ít tổ viên… ở một số nơi còn chậm, chưa kiên quyết xử lý. Hiện trong toàn tỉnh vẫn còn 387 tổ TK và VV có dưới 20 tổ viên, 85 tổ có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%, chiếm tỷ lệ 2,4% tổng số tổ TK và VV và nợ quá hạn, tập trung chủ yếu (chiếm 82% nợ quá hạn) ở những tổ này…
 
Để hạn chế tình trạng trên, tiếp tục đưa hoạt động cho vay đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng CSXH tỉnh đang tích cực tham mưu cho Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt Kế hoạch số 11/KH-UBND của UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với tín dụng chính sách, chú trọng bổ sung nguồn vốn cho vay đối với các đối tượng chính sách trên địa bàn. Tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác xây dựng kế hoạch, biện pháp phù hợp để tạo sự gắn kết giữa các hội viên, đoàn viên với tổ chức hội; đồng thời tăng cường phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cách thức sử dụng nguồn vốn vay một cách thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn, quan tâm củng cố các tổ TK và VV có số nợ quá hạn trên 2%, số tổ yếu, kém, tổ trưởng không có năng lực, thiếu trách nhiệm trong công việc, tổ có số thành viên thấp. Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng CSXH các huyện tham mưu cho Ban đại diện Ngân hàng CSXH các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm thực hiện các biện pháp củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ TK và VV trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo thực hiện sáp nhập các tổ TK và VV có số tổ viên thấp, nhất là đối với các tổ trên cùng địa bàn thôn, xóm và các tổ yếu, phấn đấu đến hết tháng 6-2017 giảm được số tổ có dưới 20 tổ viên và không còn tổ yếu. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với hội, đoàn thể, chính quyền các địa phương tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ tín dụng chính sách, bảo đảm đến hết quý II-2017 cơ bản cán bộ tham gia hoạt động tín dụng chính sách sẽ được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thông tin kịp thời đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách tới các tầng lớp nhân dân; chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương về hoạt động tín dụng của ngân hàng chính sách nhằm tranh thủ sự ủng hộ và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện tín dụng chính sách.
 
Hy vọng rằng, với những giải pháp tích cực, hiệu quả cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như các hội, đoàn thể nhận ủy thác, thời gian tới tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu trong hoạt động tín dụng chính sách sẽ được giải quyết khả quan, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước trong mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội/./
 
Phạm Văn Đại


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com