Theo kế hoạch thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, Sở NN và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, các huyện triển khai có hiệu quả chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Nâng cao năng lực đội tàu khai thác thủy sản, giảm tàu công suất nhỏ; đóng mới, bổ sung, thay thế tàu có công suất lớn, chuyển trọng tâm từ khai thác gần bờ sang xa bờ. Tỉnh ta được Bộ NN và PTNT phân bổ đóng mới bổ sung 34 tàu cá vỏ thép, trong đó có 30 tàu khai thác thủy sản, 4 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Có được con tàu khai thác thủy sản xa bờ công suất lớn với đầy đủ trang thiết bị hiện đại là mơ ước của rất nhiều ngư dân. Trong quá trình đưa vào sử dụng, đội tàu mới hiện đại đã giúp ngư dân đánh bắt được nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, trong quá trình sử dụng, đội tàu đánh bắt xa bờ vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần được khắc phục.
|
Tàu vỏ thép của ngư dân xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) chuẩn bị ra khơi. |
Hiện các phương tiện khai thác đang phát triển nhanh về số lượng cũng như công suất máy, tuy nhiên số lượng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão còn hạn chế. Tại các cảng cá, mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền trong và ngoài tỉnh vào cảng đổ hàng và tiếp nhiên liệu. Không những thế, nhiều cảng cá còn là nơi trú bão cho tàu cá của ngư dân. Chính số lượng đông tàu, thuyền neo đậu nên có những tàu công suất lớn khi ra vào cảng rất khó khăn trong việc tìm vị trí để neo đậu. Ông Vũ Văn Kiên, ngư dân huyện Giao Thủy là một trong những người đầu tiên thực hiện đóng tàu theo chương trình Nghị định 67. Ông Kiên làm nghề lưới rê đã hơn 20 năm. Chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện khai thác thủy sản xa bờ bằng tàu hiện đại, ông Kiên cho biết: “Từ ngày được các cơ quan chức năng bàn giao tàu mới hiện đại, chúng tôi ra khơi nhiều hơn, sản lượng đánh bắt cũng tăng hơn trước. Tuy nhiên, do số lượng tàu cá ngày càng nhiều, những tàu đóng mới như của tôi không có chỗ để neo đậu”. Chưa kể đến tình trạng các cảng cá nằm ở vị trí cửa sông, khí hậu thay đổi thất thường, tình trạng bồi lấp diễn ra thường xuyên khiến hạ tầng, âu neo đậu ở các cảng cá ngày càng xuống cấp. Bởi vậy nên nhiều khi tàu không thể vào được tận nơi, phải đậu cách cảng 3-4km chờ thủy triều lên mới cho tàu vào cảng được. Những khi thủy triều thấp tàu phải đợi lâu, không đảm bảo được độ tươi ngon của các sản phẩm khai thác. Một vấn đề khác là ngư dân đã quá quen với việc đánh bắt xa bờ bằng tàu vỏ gỗ, đánh bắt chỉ dựa theo kinh nghiệm dân gian, chưa tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại, trình độ sử dụng công nghệ còn rất yếu kém. Bởi vậy nên khi được Nhà nước bàn giao cho tàu vỏ thép với những trang thiết bị hiện đại thì ngư dân rất lúng túng trong khâu vận hành cũng như phương pháp bảo quản hải sản. Việc đóng mới tàu cá đồng nghĩa với việc ngư dân có thể tham gia khai thác tại nhiều ngư trường khác nhau, xa hơn, khó khăn hơn. Số lượng tàu ngày một tăng, sản lượng hải sản khai thác cũng sẽ tăng lên ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thủy sản khi công tác tổ chức thị trường dịch vụ tiêu thụ không được chủ động. Tư thương thu mua hải sản ép giá, ngư dân là người vất vả nhất nhưng lại là người hưởng lợi ít nhất trong khi giá vật tư, nhiên liệu phục vụ cho quá trình khai thác xa bờ ngày càng có xu hướng tăng. Theo nhiều ngư dân dù có thể thực hiện đóng tàu to, hiện đại cho ngư dân nhưng ra khơi như thế nào lại là cả một câu chuyện dài với nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết một cách đồng bộ.
Để nâng cao năng lực bám biển, phát triển ngành khai thác thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần có chiến lược dài hơi, thu hút những nguồn lực đủ mạnh để đầu tư đồng bộ các công trình cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho các tàu cá, phát triển toàn diện cả về chất lượng và số lượng. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển các đội tàu dịch vụ trên biển, khuyến khích các thành phần tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển sản phẩm thủy sản khai thác vào bờ và cung cấp nhiên liệu, lương thực, nước đá, các nhu yếu phẩm khác để ngư dân tăng thời gian khai thác trên biển, giảm thời gian đi về cho các tàu khai thác xa bờ. Sở NN và PTNT tiếp tục triển khai các lớp đào tạo thuyền viên về kỹ thuật vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn cho ngư dân các biện pháp kỹ thuật sử dụng thiết bị trong quá trình khai thác cũng như phương pháp bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới. Các ngành chức năng tích cực tham gia vào khâu đầu tư cũng như thương mại, không chỉ giúp ngư dân có tàu lớn, hiện đại mà còn hướng dẫn ngư dân đóng tàu cũng như khai thác những đối tượng hải sản phù hợp. Đặc biệt quan tâm tìm các thị trường tiêu thụ lớn, giúp ngư dân giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm khai thác để tăng thu nhập bền vững./.
Bài và ảnh:
Thanh Hoa