An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm ATTP nhưng việc thực hiện công tác này hiện đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với cấp cơ sở.
|
Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP kiểm tra tại cơ sở kinh doanh giết mổ gia cầm trên địa bàn huyện Trực Ninh. |
Theo phân cấp quản lý, tuyến xã (xã, phường, thị trấn) có Ban chỉ đạo ATVSTP thực hiện chức năng tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tham mưu xử phạt… các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, chợ dân sinh, hoạt động buôn bán trong phạm vi thuộc quyền quản lý. Ngày 19-7-2016, UBND tỉnh cũng đã có Chỉ thị số 10 về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm về đảm bảo ATTP trên địa bàn; bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm ATTP. Đồng chí Chủ tịch UBND trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo ATTP của địa phương; chủ động tổ chức lực lượng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn. Chỉ đạo tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện các quy định bảo đảm ATTP. Xác định việc bảo đảm ATTP là một tiêu chí xây dựng NTM, khu dân cư văn hóa. Chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông, lâm sản, thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu, không bảo đảm ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra ATTP đối với hoạt động chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn, nhất là trong khâu sản xuất, chế biến. Theo các quy định mới, quyền hạn, trách nhiệm trong quản lý ATTP ở cấp cơ sở được giao nhiều hơn. Thực hiện các quy định này hoạt động kiểm tra, kiểm soát VSATTP đã được đẩy mạnh nhưng chưa đạt yêu cầu so với thực tế đặt ra; công tác quản lý VSATTP từ khâu sản xuất, chế biến đến người tiêu dùng còn bất cập, chưa quy định rõ ràng. Tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Hoạt động quản lý ATTP tuyến xã mới chỉ thực hiện được khâu tuyên truyền, còn các phần việc khác đều gặp nhiều khó khăn từ khâu bố trí nhân lực, triển khai kiểm tra, kiểm soát, xác định lỗi vi phạm, xử lý vi phạm… Nguyên nhân chủ yếu vẫn là cấp xã thiếu cán bộ chuyên môn, không có thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác kiểm tra. Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Minh Thuận (Vụ Bản) cho biết: Ban chỉ đạo ATVSTP của địa phương gồm 10 thành viên, trong đó Phó Chủ tịch UBND và Trạm trưởng Trạm Y tế phường giữ các vai trò trưởng và phó ban, các thành viên còn lại cũng đều là cán bộ kiêm nhiệm. Là địa bàn có chợ dân sinh, nhiều cơ sở chế biến thực phẩm và phát triển kinh tế trang trại nên yêu cầu đặt ra trong quản lý ATVSTP là rất cao. Khi Ban chỉ đạo ATVSTP của địa phương ra quân kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP các cơ sở kinh doanh buôn bán gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó bất cập nhất là việc cán bộ xã thiếu kỹ năng nghiệp vụ kiểm soát về ATTP, không có thiết bị kiểm tra nên hầu hết chỉ có thể đánh giá bằng cảm quan, do vậy việc xác định và xử lý vi phạm không khả thi mà chỉ nhắc nhở bà con thực hiện cho đúng quy định. Ở nông thôn đã vậy, khu vực thành thị còn phức tạp hơn bởi số lượng các cơ sở kinh doanh, chế biến, phân phối thực phẩm trên mỗi địa bàn phường, xã không cố định, di chuyển thường xuyên nên khó kiểm tra. Thành viên Ban chỉ đạo ATVSTP của phường, xã đều kiêm nhiệm nên việc tổ chức kiểm tra không khi nào đông đủ vì các thành viên còn vướng công việc chuyên môn; thiếu am hiểu các quy định pháp luật về ATVSTP nên dễ vấp phải phản ứng của người dân khi lập biên bản xử phạt vi phạm; nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, dù đã được vận động hướng dẫn. Tại xã Mỹ Xá (TP Nam Định), nơi tập trung đông công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, trên địa bàn có trên 200 cơ sở kinh doanh hàng hóa, thực phẩm thuộc quản lý của địa phương và nhiều chợ cóc, chợ tạm phục vụ nhu cầu của người dân, người lao động tạm trú. Ngoài ra còn các điểm bán quà vặt tại cổng các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS cũng tiềm tàng ẩn họa mất ATVSTP. Hạn chế chung của các cơ sở này là hạ tầng, điều kiện kinh doanh hầu hết tạm bợ, thiếu nước sạch, không có công trình vệ sinh; người bán hàng, người phục vụ không được tập huấn về ATVSTP, không khám sức khỏe định kỳ. Địa phương thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra (mỗi đợt 3-4 ngày) vào dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và Tháng hành động ATVSTP. Tuy nhiên, việc thành lập đoàn kiểm tra hết sức khó khăn do không tập hợp được đầy đủ thành phần và khó kiểm tra hết các cơ sở kinh doanh. Hơn nữa đoàn kiểm tra cũng chỉ làm việc trong giờ hành chính, còn ngoài giờ là chúng tôi lại không thể thực hiện kiểm tra được.
Trước những khó khăn của chính quyền địa phương cấp cơ sở trong công tác quản lý ATVSTP, các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, cử cán bộ có chuyên môn tham gia quản lý ATTP. Tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ cơ sở làm công tác ATTP ở địa phương. Đồng thời bổ sung trang thiết bị kiểm nghiệm nhanh đáp ứng yêu cầu kiểm tra chất lượng thực phẩm. Bên cạnh đó, tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo ATVSTP, bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi, giám sát hoạt động này. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về ATTP; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần tích cực làm giảm nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin về cơ sở vi phạm ATVSTP; tăng cường tuyên truyền, phổ biến những hành vi, mánh khóe vi phạm ATVSTP để người dân biết, phòng tránh cũng như phối hợp với chính quyền địa phương đấu tranh loại bỏ vi phạm ATVSTP ra khỏi cộng đồng. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác quản lý ATVSTP ở cơ sở là điều kiện quan trọng để công tác bảo đảm ATTP sớm được thực hiện nền nếp, hạn chế tối đa tác hại do mất VSATTP gây ra cho đời sống, sức khỏe cộng đồng./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương