Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2017, Sở Xây dựng bám sát các chủ trương định hướng đầu tư phát triển của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch trọng tâm của ngành góp phần định hướng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Thời gian qua, Sở Xây dựng đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan, các huyện, Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh chủ động hoàn thành các quy hoạch xây dựng vùng huyện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ưu tiên hoàn thành trước quy hoạch của 4 huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường. Đồng chí Nguyễn Văn Công, Trưởng Phòng Kiến trúc và Quản lý quy hoạch (Sở Xây dựng) cho biết: “Quán triệt tinh thần khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo từ UBND tỉnh, Sở đã tập trung tổ chức hướng dẫn, trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến sâu sát cùng với các địa phương để xây dựng quy hoạch vùng huyện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, chất lượng”. Mọi quy hoạch xây dựng vùng huyện đều đảm bảo xác định được các vùng động lực phát triển, mô hình phát triển không gian vùng. Đồng thời, phải định hướng rõ ràng tổ chức không gian hệ thống đô thị, phát triển dân cư, phân loại, phân cấp đô thị qua từng giai đoạn, xác định rõ tính chất đô thị, vùng cần bảo tồn. Bên cạnh đó, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, CN-TTCN, thương mại, dịch vụ xã hội, xây dựng NTM dựa trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Khung hạ tầng kỹ thuật chung của huyện (giao thông, cấp thoát nước, điện, thủy lợi…) phải khớp nối hoàn chỉnh với các quy hoạch chuyên ngành của Trung ương, tỉnh để tạo lập được các cơ sở phát triển hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp và các khu chức năng khác trong vùng. Phát huy mối liên kết giữa các vùng kinh tế chuyên biệt của từng huyện gắn với định hướng phát triển thành vùng trung tâm công nghiệp, dịch vụ của tỉnh. Tại huyện Nghĩa Hưng, các cực phát triển không gian vùng được xác định rõ gồm 3 tiểu vùng theo địa thế chiều dọc của huyện được kết nối bởi trục hành lang phát triển là tỉnh lộ 490C và đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tính chất từng vùng cũng được định hướng rõ ràng. Vùng phía bắc huyện (tính từ xã Nghĩa Lạc trở về khu phía bắc) là khu vực kinh tế nông nghiệp kết hợp CN-TTCN và dịch vụ; phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến, khai thác lợi thế du lịch, ngành nghề truyền thống. Vùng phía nam huyện (từ xã Nghĩa Hồng đến đê Cồn Xanh) là khu vực kinh tế phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, thủy sản và vận tải biển. Khu vực bảo tồn và hạn chế xây dựng của huyện gồm 31 di tích văn hóa như đình chùa Hưng Lộc, đền chùa Hạ Kỳ, đền thờ Phạm Văn Nghị… và hệ sinh thái đất ngập nước thuộc khu bãi bồi ven biển. Khác với Nghĩa Hưng, trong quy hoạch huyện Xuân Trường chủ yếu chọn lựa các đô thị trung tâm và vùng phát triển kinh tế làm hạt nhân phát triển không gian vùng. Trong đó, có 4 tiểu vùng kết nối với nhau bằng trục hành lang phát triển dọc theo các tuyến tỉnh lộ 489, 489C: phía bắc là xã Xuân Hồng, vùng trung tâm huyện là Thị trấn Xuân Trường; phía nam là xã Xuân Ninh, phía đông là xã Xuân Đài. Thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa theo hướng CNH-HĐH gắn với sinh thái ứng dụng công nghệ cao được huyện quy hoạch rõ ràng. Trong đó, vùng sản xuất lúa đặc sản có tổng diện tích 410ha ở các xã: Xuân Bắc, Xuân Đài, Xuân Thượng, Xuân Ngọc, Xuân Trung. Vùng sản xuất lúa giống hơn 80ha ở các xã Xuân Ninh, Xuân Thượng. Vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được quy hoạch tại các xã Xuân Hồng, Xuân Châu, Xuân Kiên, Xuân Tân với tổng diện tích 329ha. Vùng cây dược liệu được quy hoạch tại xã Xuân Vinh, Xuân Kiên. Chăn nuôi, thủy sản tập trung theo mô hình trang trại lớn được tổ chức tại các xã Xuân Thượng, Xuân Ngọc, Xuân Vinh, Xuân Tân… Cùng với đó, huyện chủ động quy hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Cty TNHH Tiến Đạt tại xã Thọ Nghiệp, xây dựng lò giết mổ tập trung tại xã Xuân Tiến, Xuân Đài, Xuân Hồng… Hệ thống giao thông, hạ tầng cấp nước sạch, cấp điện, thủy lợi cũng được quy hoạch định hướng rõ các giai đoạn phát triển đến năm 2030. Hiện tại, quy hoạch xây dựng vùng của 4 huyện đều đã được đơn vị tư vấn hoàn thành, chờ trình HĐND tỉnh thông qua tạo cơ sở để UBND tỉnh phê duyệt bàn giao cho các địa phương quản lý và triển khai thực hiện vào cuối tháng 7-2017.
|
Cải tạo, nâng cấp cống cấp 1 trên sông Châu Thành địa phận xã Hồng Quang (Nam Trực). |
Ngoài ra Sở cũng đang tập trung phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai lập các quy hoạch liên quan đến phát triển đô thị như Quy hoạch chung đô thị mới thuộc địa phận 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên) đến năm 2035; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Rạng Đông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) bảo tồn và phát huy giá trị khu vực di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản); tham mưu trình UBND tỉnh lập quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường dẫn cầu Tân Phong. Đến nay đề án nâng cấp đô thị Quất Lâm đã được UBND tỉnh phê duyệt, huyện Giao Thủy và đơn vị tư vấn đang trình Bộ Xây dựng phê duyệt ra quyết định công nhận là đô thị loại IV. Quy hoạch chung đô thị mới thuộc địa phận 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến của huyện Ý Yên đã triển khai trình kế hoạch đấu thầu và lựa chọn nhà thầu. Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 bảo tồn và phát huy giá trị khu vực di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản) đã tổ chức đấu thầu gói khảo sát và gói lập quy hoạch. Quy hoạch chung đô thị Rạng Đông, quy hoạch phân khu hai bên đường dẫn cầu Tân Phong đã trình UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch để triển khai các bước tiếp theo. Chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch; mời các đơn vị tư vấn có chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực cụ thể tham gia xây dựng quy hoạch, trực tiếp làm chủ nhiệm đồ án nhằm đảm bảo quy hoạch bám sát thực tế, đáp ứng yêu cầu mục tiêu của quy hoạch đề ra, ổn định bền vững trong tương lai.
Cùng với đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch trọng tâm, Sở Xây dựng cũng hướng dẫn các huyện lập, thẩm định quy hoạch các khu dân cư đô thị tại các thị trấn trung tâm huyện theo chỉ đạo của tỉnh, quy hoạch xây dựng chung các thị trấn trong tỉnh. Điều chỉnh quy hoạch xây dựng KCN Bảo Minh, quy hoạch một số CCN, điểm công nghiệp ở một số huyện, phối hợp cùng với Thành phố Nam Định triển khai hoàn thành thủ tục xây dựng quy hoạch chi tiết của 2 phường trên địa bàn thành phố; tham mưu trình UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Nam Định và của tỉnh. Đôn đốc các địa phương tiến hành lập quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc để cụ thể hóa các quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chung thị trấn đã được phê duyệt, làm cơ sở cho công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn