Quyết liệt chống vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

07:06, 29/06/2017
An toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Trong đó, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo ATTP vẫn diễn biến phức tạp; đặc biệt là vận chuyển thực phẩm không đảm bảo ATTP như: nội tạng động vật, sản phẩm động vật đã bốc mùi hôi thối. Đồng thời, tại một số cơ sở chế biến, giết mổ, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng kinh doanh những sản phẩm động vật đã có dấu hiệu ôi thiu, biến đổi màu sắc; không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu; thực phẩm không đảm bảo chất lượng… Xác định rõ tầm quan trọng của việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát ATTP trong khâu lưu thông là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã nỗ lực các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn thực phẩm “bẩn” từ nguồn phát tán hàng hóa. 
Lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý xe hàng chở gia cầm vi phạm điều kiện VSATTP lưu thông trên địa bàn huyện Xuân Trường.
Lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý xe hàng chở gia cầm vi phạm điều kiện VSATTP lưu thông trên địa bàn huyện Xuân Trường.
Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh và sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Công thương, thời gian qua, Chi cục QLTT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường về ATTP theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt và kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng thực phẩm, mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP như vào các dịp: Tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm, Tết Trung thu, Tháng hành động vì ATTP; tập trung kiểm tra chuyên đề về ATTP đối với 6 nhóm mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương: bánh mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, sữa chế biến, bột và tinh bột, dầu thực vật. Chi cục QLTT đã chỉ đạo các Đội QLTT chủ động phân công bố trí lực lượng bám sát địa bàn, điều tra trinh sát nắm tình hình thị trường, kiểm tra quyết liệt đồng bộ trên diện rộng nhằm ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP. Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh như siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối, chợ và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, sữa chế biến và các sản phẩm từ sữa, tinh bột và các sản phẩm tinh bột, dầu ăn... Nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung về thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nhãn mác hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, việc duy trì các điều kiện về vệ sinh ATTP… Chủ động công tác phối hợp với các ngành chức năng tổ chức, tham gia đoàn liên ngành kiểm tra các nhà hàng, bếp ăn tập thể và các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, các quầy buôn bán, chợ, đại lý lớn để xử lý các hành vi vi phạm; nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh ATTP và thương mại; đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua sản phẩm của các cơ sở có uy tín, có nhãn mác và nguồn gốc rõ ràng. Từ năm 2016 đến nay, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 763 lượt, xử lý 321 vụ, phạt hành chính 465,9 triệu đồng, hàng hóa tịch thu trị giá gần 200 triệu đồng. Trong đó phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh có các hành vi vi phạm như: Không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP, không có hồ sơ khám sức khỏe, vi phạm về điều kiện ATTP… Hàng hóa vi phạm chủ yếu gồm: 1.584kg mỳ chính, hạt nêm giả nhãn hiệu, gần 1.000 lít rượu, 3.000 hộp bánh, kẹo dẻo; 1.134kg ngô hạt; ngoài ra còn nhiều hàng hóa khác như mỡ nước, phụ phẩm động vật, phụ gia thực phẩm… Trong đó, nhiều vụ việc nghiêm trọng đã được ngăn chặn kịp thời. Tiêu biểu như các vụ việc vận chuyển, kinh doanh mì chính giả tại huyện Xuân Trường; vận chuyển động vật, phụ phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không đảm bảo điều kiện bảo quản tại các huyện Xuân Trường, Ý Yên, Trực Ninh; vận chuyển, kinh doanh rượu tại Thành phố Nam Định… Điển hình, ngày 4-1-2017, Đội QLTT số 7 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Trực Ninh) kiểm tra xe tải biển kiểm soát số 18C-01561 đang dừng tại Quốc lộ 21 Thị trấn Cổ Lễ. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe tải vận chuyển 21 bao tải mỡ lợn đã qua sơ chế có tổng trọng lượng 1.120kg. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng hóa là ông Đoàn Văn Giao, thường trú tại thôn 3, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng trên. Sau khi xác minh vụ việc, lực lượng chức năng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đoàn Văn Giao về hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo các điều kiện kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật. Lực lượng chức năng đã phạt chủ hàng số tiền 20,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy số mỡ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ trên. Mặc dù đã nỗ lực kiểm tra, kiểm soát đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường và đã đạt nhiều kết quả khả quan đáng khích lệ, tuy nhiên trong cuộc đấu tranh chống vi phạm về vệ sinh ATTP, lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn do các đối tượng rất tinh vi. Điển hình như để đưa sản phẩm mì chính giả ra thị trường, các đối tượng thường chia nhỏ số lượng hàng, đi chào hàng trước, sau đó mới giao hàng nên khi lực lượng chức năng tới kiểm tra thì chỉ có vài gói, số lượng không đáng kể, mức xử phạt nhẹ không đủ sức răn đe. Phía người bán hàng không hợp tác, coi như không biết đó là hàng giả. Để có chứng cứ cho những vụ như vậy, lực lượng QLTT đã phải điều tra trinh sát, theo dõi thời gian đi lại của đối tượng kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, đồng thời mời đại diện chính hãng của sản phẩm về giám định. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về vệ sinh ATTP có quy mô nhỏ hoạt động mang tính thời vụ nên ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết: Hằng năm, các đội QLTT đều tổ chức ký cam kết với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh ATTP, đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra, chỉ ra những tồn tại, yếu kém đề nghị các đơn vị sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm không an toàn còn phụ thuộc nhiều vào đạo đức, văn hóa kinh doanh của mỗi người. 
 
Để đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát vệ sinh ATTP nói chung và đối với những nhóm mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công thương nói riêng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về ATTP, Chi cục QLTT tiếp tục nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc chuyên môn; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, các doanh nghiệp và với các đơn vị bạn để nâng cao hiệu quả quản lý, nắm bắt thông tin chặt chẽ phục vụ việc kiểm soát thị trường. Bên cạnh đó, cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP nhằm nâng cao nhận thức đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, qua đó giúp người tiêu dùng thận trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, đồng thời cung cấp thông tin, phát hiện, tố giác kịp thời những vi phạm về ATTP tới các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho chính mình./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com