Thời gian qua, nguồn vốn vay hàng chục nghìn tỷ đồng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động ở các địa phương.
Với những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ một doanh nghiệp còn non trẻ trong ngành ống nhựa, đến nay Cty TNHH Mai Thanh, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đã vươn lên vị trí tiên phong trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Và, mục tiêu trong 3 năm tới của Cty là thực hiện tham vọng xuất khẩu ống nhựa ra thị trường các nước trong khối ASEAN là: Lào, Căm-pu-chia, Mi-an-ma, Ma-lai-xi-a và một số nước khác như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Chị Nguyễn Thị Mai Thanh, Giám đốc Cty cho biết: Trong suốt hơn 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh luôn “đồng hành” cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Nhờ đó, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường, Cty đã tập trung gây dựng thương hiệu, tạo sự khác biệt và định hướng người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm. Từ năm 2006 đến nay, Cty không ngừng cải tiến công nghệ sản xuất, chủ động áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và hệ thống các bộ tiêu chuẩn ISO, DIN 8074:1999, ISO 4422:1996, TCVN 6151:2002… Đồng thời không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã, ký hiệu để khách hàng phân biệt được các sản phẩm của Cty với các loại hàng giả và hàng nhái trên thị trường. Khẳng định vị thế trên thị trường bằng chính chất lượng sản phẩm, Cty đã trở thành đối tác của nhiều công trình lớn như Ecopark, cảng Đình Vũ (Hải Phòng), đảo Cát Hải, sân bay Đồng Nai và ống đẩy thức ăn nuôi cá tại biển Na-uy. Với chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên kèm theo đó là các dịch vụ hậu mãi tốt, các sản phẩm ống nhựa uPVC, HDPE, PPR và các thương hiệu ống nhựa Phú Mỹ Tân, Tuấn Huy với nguồn nguyên liệu nhập ngoại của A-rập Xê-út, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cty TNHH Mai Thanh đang ngày càng chiếm được sự tin tưởng của khách hàng ở trong và ngoài nước.
|
Sản xuất các loại vải bò phục vụ xuất khẩu tại Cty CP TCE VINANIM, KCN Hòa Xá (TP Nam Định). |
Không chỉ Cty TNHH Mai Thanh mà nhiều doanh nghiệp khác ở các khu, CCN, làng nghề trong tỉnh đã được “tiếp lửa” tài chính từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn. Có thể thấy, thời điểm những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, tình hình thị trường tài chính trong nước khá ổn định, hoạt động ngân hàng và năng lực tài chính của các ngân hàng lành mạnh, quy mô hoạt động và mạng lưới không ngừng được mở rộng; đồng thời thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh như: Agribank Nam Định, Vietinbank Nam Định, VIDB Nam Định… đã từng bước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế của tỉnh nói chung, các doanh nghiệp nói riêng có thêm nguồn lực để vượt qua những khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó tính đến giữa tháng 4-2017, tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 41.048 tỷ đồng, tăng 1.506 tỷ đồng (bằng 3,8%) so với đầu năm và tăng 8.150 tỷ đồng (bằng 24,7%) so với cùng kỳ năm 2016. Riêng chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp lũy kế đến thời điểm này đã có 248 khách hàng tham gia chương trình; trong đó có 208 hợp đồng cam kết cho vay mới và tăng hạn mức với số tiền cam kết cho vay lũy kế là 4.717 tỷ đồng và số tiền đã giải ngân là 3.454 tỷ đồng, bằng 73% so với số tiền cam kết; cùng 56 hợp đồng tín dụng điều chỉnh về lãi suất cho vay, với số dư nợ là 469 tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh có 1.562 doanh nghiệp có dư nợ tại các ngân hàng với tổng số tiền 15.803 tỷ đồng. Tiên phong trong việc cho vay phát triển doanh nghiệp là: Vietinbank chi nhánh Thành phố Nam Định với 329 doanh nghiệp, Agribank tỉnh Nam Định 253 doanh nghiệp, Chi nhánh Agribank Bắc Nam Định 207 doanh nghiệp, Vietinbank chi nhánh tỉnh Nam Định 188 doanh nghiệp… đang có dư nợ. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và Vietinbank Việt Nam về việc cắt giảm lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, Vietinbank Nam Định đã tích cực triển khai các chương trình vay vốn với lãi suất thấp hơn theo lộ trình giảm lãi suất phù hợp với diễn biến lãi suất thực tế trên thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến thời điểm này, Chi nhánh đang triển khai 15 chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp và 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, Vietinbank Nam Định đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi như: Đồng hành cùng doanh nghiệp, Kết nối khách hàng tiềm năng, Cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, Cho vay doanh nghiệp xuất khẩu, Hợp tác vươn xa cùng doanh nghiệp siêu vi mô, Tiếp sức thành công... đối với các đối tượng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng doanh nghiệp lớn với mức lãi suất cho vay VND từ 6% đến 7%/năm, cho vay USD từ 2,5% đến 4%/năm. Theo số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang được vay vốn từ các ngân hàng với lãi suất bình quân khoảng từ 8,5% đến 9,5%/năm. Cùng với đẩy mạnh hoạt động cho vay phát triển doanh nghiệp, các ngân hàng cũng không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Hiện nay, số nợ xấu chiếm 0,7% (tương đương 306 tỷ đồng) thấp dưới ngưỡng cho phép. Thu đổi ngoại tệ, thanh toán biên mậu, thanh toán quốc tế đều đạt khá và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Những cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang mở ra những vận hội mới cho các ngân hàng năng động, quyết tâm sánh bước cùng doanh nghiệp phát triển. Cùng với các khu, CCN làng nghề đã được quy hoạch xây dựng, vừa qua KCN Dệt may Rạng Đông đã được UBND tỉnh và chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông tiến hành khởi công xây dựng giai đoạn 1 là gần 520ha. Cùng với sự chuẩn bị tích cực, khẩn trương xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông nhằm đưa tỉnh ta trở thành trung tâm dệt may hàng đầu của cả nước, hàng loạt những công trình, dự án khác như: Xây dựng tuyến đường trục phát triển vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định kết nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường biển, Nhà máy nhiệt điện Nam Định tại huyện Hải Hậu… cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, đang góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh. Những cơ hội kinh tế ấy chính là lực hút nguồn tín dụng của ngân hàng để rồi từ đó, dòng vốn ngân hàng tạo lực đẩy cho doanh nghiệp phát triển, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
Thời gian tới các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển hoạt động kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường, gia tăng thị phần trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh như: Huy động vốn, cho vay đầu tư tín dụng, phát triển thanh toán quốc tế, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với các tiện ích và cạnh tranh cao trên địa bàn… Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành, đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ tín dụng giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát, nhận diện và khống chế các rủi ro trong quá trình hoạt động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp thị nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu các ngân hàng trên địa bàn…
Bài và ảnh:
Phạm Văn Đại