Thị trấn Lâm nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới

08:05, 22/05/2017
Tháng 4-2014, Thị trấn Lâm (Ý Yên) đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM và đời sống vật chất, tinh thần của người dân một cách bền vững, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy lợi thế tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế, tạo nguồn lực tại chỗ đầu tư cho chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo. 
Nhà văn hóa trung tâm khu A Thị trấn Lâm được đầu tư bằng nguồn đóng góp của các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.
Nhà văn hóa trung tâm khu A Thị trấn Lâm được đầu tư bằng nguồn đóng góp của các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.
Để tạo diện mạo đô thị mới xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Ý Yên theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong những năm tới Thị trấn Lâm đã xác định phải hoàn thiện một loạt các công trình hạ tầng cơ sở như: Xây dựng hệ thống đường trục giao thông ở các tổ dân phố số 3, 4, 5, 8 và 10 với tổng chiều dài ước tính khoảng hơn 5km; xây dựng khu nhà công năng phục vụ hoạt động của Đảng ủy, UBND thị trấn; hoàn thiện hệ thống trạm biến áp đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt và sản xuất ngày càng tăng của người dân; nâng cấp một số công trình của trường tiểu học và trường THCS thị trấn… Như vậy, Thị trấn Lâm đang cần một nguồn lực rất lớn để hoàn thiện những mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của địa phương. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Đức Thắng, Chủ tịch UBND Thị trấn Lâm cho biết: Nhận thức được vị trí, vai trò của địa phương đối với sự phát triển chung của huyện Ý Yên, Đảng bộ, chính quyền thị trấn đã có nghị quyết, chương trình hành động cụ thể, chỉ đạo các tổ dân phố tổ chức tuyên truyền, vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn và những người con quê hương đang làm ăn thành đạt khắp cả nước hướng về quê hương đóng góp xây dựng NTM. Thị trấn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để bà con nhân dân kinh doanh, buôn bán các loại nông sản, sản phẩm đúc đồng truyền thống của làng nghề để kích cầu, đồng thời phát triển một số loại hình dịch vụ phụ trợ tại khu vực chợ Lâm nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân và đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, thị trấn cũng chú trọng khuyến khích các hộ phát triển kinh tế gia trại nhằm gia tăng những dịch vụ phục vụ sản xuất của bà con nông dân, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông nhàn ở một số tổ dân phố. Xác định nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất chính là nguồn lực quan trọng đối với ngân sách thị trấn phục vụ chương trình xây dựng NTM, vì vậy UBND thị trấn đã chủ động phối hợp với các phòng chức năng của huyện lập kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí đã được quy hoạch. Việc đấu giá quyền sử dụng đất hằng năm sẽ được thị trấn thực hiện công khai, đúng quy định nhằm tạo ra nguồn lực cao nhất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo bước đột phá và chuyển biến rõ nét bộ mặt NTM của thị trấn. Song song với việc khai thác nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, Thị trấn Lâm cũng tập trung ưu tiên phát triển sản xuất CN-TTCN chính là giải pháp hiệu quả để tạo lập và nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài, bền vững cho địa phương. Từ khi có nghị quyết chuyên đề về phát triển CN-TTCN của huyện, UBND thị trấn đã xây dựng kế hoạch, cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các Cty, doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hiện đại. UBND thị trấn đã chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ làm tốt công tác nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn và Ngân hàng CSXH huyện, với tổng dư nợ hàng trăm tỷ đồng cho hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích và định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tập trung đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển sản xuất theo hướng đa dạng hóa các loại sản phẩm, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Hiện hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư các loại máy móc thiết bị mới giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Anh Dương Bá Phong, Giám đốc Cty CP Đúc đồng Mai Hương cho biết: Được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi, Cty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, các loại trang thiết bị máy móc tập trung sản xuất các sản phẩm đúc đồng truyền thống của địa phương như: lư đồng, tượng đồng… Sản xuất phát triển nên Cty đang tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp tư nhân Thuấn Dung cũng là một trong những doanh nghiệp phát triển mạnh các sản phẩm đúc đồng. Đến nay doanh nghiệp đã tự sản xuất được các loại khuôn mẫu đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo và có tính thẩm mỹ cao. Nhờ đó các sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo việc làm thường xuyên cho 45 lao động với thu nhập từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Đến nay Thị trấn Lâm đã có 27 doanh nghiệp tư nhân, Cty TNHH và hàng trăm cơ sở sản xuất, hộ cá thể tham gia phát triển nghề đúc đồng truyền thống. Ước tính các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động của thị trấn và các xã lân cận, chưa kể hàng trăm lao động thời vụ. Để tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết vấn đề môi trường, tiếng ồn, nước thải... UBND Thị trấn Lâm đã xây dựng và kêu gọi các doanh nghiệp vào sản xuất tại CCN thương mại, dịch vụ phía nam thị trấn với quy mô rộng hơn 9ha. Tiếp tục tạo điều kiện để xây dựng một số doanh nghiệp mạnh làm hạt nhân động lực thúc đẩy phát triển làng nghề, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương… Đến nay sản xuất CN-TTCN, thương mại, dịch vụ đã chiếm 65% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của địa phương. Đồng chí Chủ tịch UBND thị trấn khẳng định: Việc phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định nên các doanh nghiệp rất tích cực, chủ động đóng góp kinh phí cho chương trình xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Trong thời gian tới, thị trấn tiếp tục phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt 80-85%. Cùng với phát triển nguồn thu, UBND Thị trấn Lâm cũng sẽ từng bước phối hợp với Chi cục Thuế huyện Ý Yên xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện lập sổ bộ kê khai, nộp thuế, phí môn bài theo quy định, từ đó tạo nguồn thu và đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương.
 
Bằng những giải pháp chủ động, tích cực trong việc tạo nguồn thu tại chỗ, ước tính mỗi năm Thị trấn Lâm tạo được nguồn lực tại chỗ khoảng 7 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, góp phần tạo diện mạo mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương./.
 
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com