Thời gian qua, công tác tuyên truyền về Luật Thủy sản và việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được Sở NN và PTNT cũng như các cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng. Năm 2016, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 2 lớp tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và các văn bản pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phát 350 sổ nhật ký khai thác thủy sản, 500 tờ bản đồ ranh giới biển… cho ngư dân. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện quy định ghi chép nhật ký khai thác thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn.
|
Ngư dân huyện Hải Hậu chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi. |
Việc ghi nhật ký khai thác thủy sản là quy định bắt buộc đã được các cơ quan chức năng phổ biến tới ngư dân hoạt động khai thác trên biển thực hiện. Tuy nhiên, do chưa có sự kiểm tra, giám sát và chưa có biện pháp xử lý khi ngư dân không thực hiện nên phần lớn các chủ tàu cá đều chưa thực hiện nghiêm túc dù Sở NN và PTNT, các cơ quan chức năng cũng đã có văn bản hướng dẫn, tập huấn cho ngư dân và các doanh nghiệp. Các tàu, thuyền khai thác thủy sản trước khi ra khơi, cơ quan chức năng địa phương chỉ có trách nhiệm quản lý, cấp giấy đăng ký, sổ danh bạ thuyền viên, đăng kiểm, nghề khai thác… trong khi chủ tàu thuyền đi ngư trường nào, đánh bắt loại thủy sản gì, bán ở đâu, cho ai thì không thể kiểm soát hết được. Bên cạnh đó, các cơ sở thu mua hải sản cũng thu mua từ nhiều tàu, thuyền khác nhau nên không thể biết hết nguồn gốc hàng hóa, nếu phải đi từng tàu để xác nhận nguồn gốc hải sản đánh bắt là rất khó khăn khi việc ghi nhật ký khai thác chưa thực sự được ngư dân quan tâm. Ngoài ra, việc ghi chép chính xác tọa độ khai thác là một vấn đề phức tạp và phần lớn ngư dân còn giữ tâm lý giấu ngư trường, không muốn ghi vì lộ vị trí đánh bắt của mình. Thời gian gần đây, giá nhiên liệu, các loại vật tư phục vụ khai thác biến động với xu hướng ngày càng tăng, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, khai thác thủy sản. Nhiều ngư dân vì muốn tiết kiệm nhiên liệu chạy tàu nên đã bán cá trực tiếp trên biển cho các tàu thu mua dịch vụ, sau đó tiếp tục chuyến đánh bắt dài ngày. Anh Nguyễn Văn Xướng, chủ tàu cá xã Hải Hòa (Hải Hậu) cho biết: “Thời tiết ngày càng biến đổi thất thường gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động khai thác của ngư dân chúng tôi, khiến thời gian bám biển bị hạn chế. Trên biển, các tàu cá phải tận dụng thời gian để buông từng mẻ lưới. Chính bởi lẽ đó nên chúng tôi khó có thể ghi chép được bao nhiêu mẻ lưới khi đánh bắt, thời gian buông lưới và thu lưới lại càng không thể. Đó là còn chưa kể đến việc xác định khối lượng của từng loại cá khi khai thác được. Công việc hằng ngày ngoài khơi xa khá vất vả, mà biểu mẫu ghi chép lại phức tạp, đòi hỏi tính chính xác cao và cụ thể mẻ lưới thứ mấy, thời gian thả lưới, vị trí tàu cá thả ngư cụ, thời gian thu, vị trí tàu thu ngư cụ, tổng sản lượng…”. Trong khi đó, trình độ học vấn của nhiều ngư dân và thuyền trưởng còn hạn chế nên việc tiếp thu kiến thức được tập huấn của ngư dân còn chậm. Mặt khác, ngư dân thường ra khơi sản xuất theo tàu riêng lẻ, với phương thức hoạt động theo mùa vụ, vùng đánh bắt rộng, không ổn định nên việc tập trung ngư dân để hướng dẫn ghi nhật ký khai thác cũng không hề dễ dàng. Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 585 tàu có công suất máy trên 90CV, chiếm 28,7% tổng số tàu, thuyền đánh cá trên toàn tỉnh. Phần lớn các chủ tàu, thuyền không ghi nhật ký hằng ngày để báo cáo vùng khai thác. Đó là do trình độ nhận thức của một bộ phận ngư dân còn hạn chế, khai thác theo hình thức tự phát, quy mô nhỏ, nhiều tàu đánh bắt bằng phương pháp thủ công, trang thiết bị, công nghệ quản lý còn hạn chế. Việc ghi nhật ký khai thác thủy sản của ngư dân là một vấn đề khó khăn”.
Để khắc phục những khó khăn hạn chế trong thực hiện việc ghi chép nhật ký khai thác thủy sản đối với ngư dân cần tích cực chuyển phương thức khai thác nhỏ lẻ, manh mún sang phương thức sản xuất tập thể theo hướng thành lập các tổ đội khai thác thủy sản; cần thích ứng nhanh với việc ghi nhật ký khai thác thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác khi kiểm soát được nguồn gốc thủy sản. Ngư dân Trần Xuân Chính, xã Hải Triều (Hải Hậu) cho biết: “Đối với ngư dân chúng tôi, việc ghi nhật ký khai thác thủy sản khá quan trọng và góp phần đảm bảo cho việc khai thác đạt hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn khá lúng túng do chưa quen, công việc trên tàu thì khá vất vả. Chính vì vậy, việc thực hiện ghi nhật ký khai thác không thể trôi chảy trong “một sớm, một chiều” được”. Đối với các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Cần tăng cường triển khai quy chế chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, trong đó đặc biệt chú ý đến hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký khai thác thủy sản tạo “áp lực” cần thiết đối với ngư dân để việc thực hiện đi vào nền nếp.
Báo cáo khai thác và ghi nhật ký khai thác thủy sản là nội dung cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên việc thực hiện ghi chép nhật ký khai thác thủy sản không dễ triển khai trên thực tế khi không được ngư dân hợp tác và cơ quan chuyên môn chưa có giải pháp hữu hiệu. Các cơ quan chức năng cũng như ngư dân cần khắc phục khó khăn này để hoạt động khai thác thủy sản phát triển bền vững./.
Bài và ảnh:
Thanh Hoa