Sinh vật ngoại lai xâm hại (NLXH) là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống, hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sinh vật NLXH có mặt ở tất cả các nhóm phân loại chủ yếu như: các loài vi-rút, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú. Đáng chú ý, có khoảng 10% của 3.000 loài thực vật có mạch, có tiềm năng xâm hại các hệ sinh thái khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các sinh vật bản địa.
Trước kia, tại tỉnh ta cũng như toàn quốc, các loài NLXH ít được chú ý quản lý. Chỉ đến khi ốc bươu vàng được nhập vào Việt Nam từ trước năm 1975 với mục đích làm cảnh nhưng do có vòng đời ngắn, dưới các điều kiện phù hợp, ốc bươu vàng có thể phát tán nhanh chóng dọc theo các thủy vực và ăn hầu hết các loài thực vật gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sản xuất nông nghiệp ở nước ta thì việc quản lý các loài sinh vật NLXH mới từng bước được nhìn nhận là hoạt động quan trọng. Từ đó, nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quy định việc quản lý sinh vật NLXH như: Luật Đa dạng sinh học, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường… Đến năm 2013, Bộ TN và MT, Bộ NN và PTNT ban hành Thông tư liên tịch Quy định tiêu chí xác định loài NLXH và danh mục NLXH, với 81 loài NLXH có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam và chưa xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Hằng năm, UBND tỉnh, các ngành liên quan và các địa phương cũng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác kiểm soát, quản lý, thu gom, tiêu hủy các loài NLXH. Tuy nhiên, trên thực tế trách nhiệm, sự tham gia của cơ quan quản lý cũng như nhận thức người dân về sinh vật NLXH vẫn còn hạn chế; vẫn còn bị buông lỏng trong khâu phòng ngừa các sinh vật NLXH từ chính các cơ quan quản lý, kiểm soát. Sự chồng chéo, thiếu rõ ràng trong chức năng, nhiệm vụ của các ban, ngành liên quan. Cụ thể như ngành NN và PTNT có trách nhiệm nhập và quản lý các loại giống cây, con vào Việt Nam, nhưng trách nhiệm quản lý về sinh vật NLXH lại do ngành TN và MT đảm nhận. Bên cạnh đó, đến nay khâu nhận diện sinh vật NLXH cho người dân hầu như ít được chú trọng. Ở các vụ việc nuôi sinh vật NLXH trên địa bàn tỉnh, khi được hỏi, người dân đều tỏ ra khá bất ngờ về tác hại của loài sinh vật NLXH này do họ chỉ nhận thức đơn thuần nó có giá trị kinh tế cao nên bắt tay vào nhân nuôi chứ không hề có khái niệm đâu là sinh vật NLXH bị cấm, đâu là loài được cấp phép. Bên cạnh bất cập kể trên, tỉnh ta là một trong những địa phương may mắn có 2 trong số 5 khu vực đa dạng sinh học được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng, một trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, được đánh giá có những giá trị nổi bật toàn cầu về đa dạng sinh học và có ảnh hưởng lớn đến sự sống của nhân loại. Vì vậy càng phải quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý các loài sinh vật NLXH có nguy cơ làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của các loài động, thực vật, hệ sinh thái tự nhiên.
|
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN) chăm sóc, nhân cấy giống từ mô tế bào, góp phần tránh giảm nguồn giống ngoại lai xâm hại. |
Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý các sinh vật NLXH, hiện ngành chức năng đã xác định các đầu mối khiến các loài sinh vật NLXH nguy hại có thể xâm nhập vào nước ta cũng như tồn tại trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến 3 đường chính, gồm: tự nhiên như trôi theo dòng nước, gió, bão…; du nhập qua hoạt động vận chuyển qua lại, buôn bán thương mại hàng hóa giữa các nước, các khu vực trên thế giới; có thể xâm nhập có chủ đích qua hoạt động buôn bán, gây nuôi. Do tính chất phức tạp và mức độ gây hại nghiêm trọng của các sinh vật NLXH, cho nên tỉnh xác định phải đặc biệt quan tâm ngăn chặn và kiểm soát việc sinh vật NLXH xâm nhập có chủ đích. Để phòng ngừa, ngăn chặn việc phát tán, nuôi trồng các loài NLXH, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn tỉnh, ngày 13-3-2017, UBND tỉnh đã có Công văn số 157/UBND-VP3 chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường quản lý, nghiêm cấm các hoạt động phát tán, nuôi trồng các loài NLXH. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay Sở TN và MT đã phối hợp với Sở NN và PTNT chuẩn bị các điều kiện, tiến hành điều tra, xác định, bổ sung vào danh mục đã công bố các loài NLXH, có nguy cơ xâm hại. Tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu và sơ đồ phân bố của các loài NLXH, có nguy cơ xâm hại. Xây dựng, xuất bản và phổ biến các tài liệu hướng dẫn về nhận dạng và phân loại, biện pháp kiểm soát, phòng ngăn và diệt trừ loài NLXH, có nguy cơ xâm hại tại tỉnh ta. Xây dựng Trang thông tin điện tử nhằm phổ biến thông tin về tình hình quản lý loài NLXH, có nguy cơ xâm hại tại địa bàn tỉnh, trên toàn quốc và trên thế giới. Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức cố tình nuôi, trồng trái phép, phát tán, phóng sinh loài NLXH, có nguy cơ xâm hại. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về quản lý các loài NLXH, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn. Sở TT và TT, các cơ quan truyền thông tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của loài NLXH với môi trường và đa dạng sinh học; không thực hiện hành vi nuôi, trồng, phát tán, phóng sinh loài NLXH, có nguy cơ xâm hại trái với quy định của pháp luật; giúp người dân hiểu rõ: quản lý sinh vật NLXH là hoạt động quan trọng, không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, mà còn bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước. Vận động nhân dân, chủ sở hữu các sinh vật NLXH giao nộp cho cơ quan quản lý thu gom, tiêu hủy./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy