Nghề làm tượng gỗ

05:05, 19/05/2017

Một trong những làng nghề lâu đời nổi tiếng của mảnh “đất trăm nghề” Nam Định là làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên ở xã Yên Ninh, huyện Ý Yên đã tồn tại hơn 10 thế kỷ, nơi được mệnh danh là có nghệ thuật chạm khắc đạt đến độ hoàn hảo. Làng nghề sản xuất, chế tác đồ thờ bằng gỗ nên một trong các sản phẩm tiêu biểu ở đây là các loại tượng. Ngày nay nghề tạc tượng gỗ phát triển không chỉ ở La Xuyên mà có hàng trăm cơ sở nằm rải rác ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu, Xuân Trường...

Sản xuất các loại tượng thờ tại cơ sở của anh Vũ Văn Hoàn, thôn Cẩm, xã Yên Dương (Ý Yên).
Sản xuất các loại tượng thờ tại cơ sở của anh Vũ Văn Hoàn, thôn Cẩm, xã Yên Dương (Ý Yên).

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Chử Ngọc Hưng, thôn Ngọc Sài, xã Cộng Hòa (Vụ Bản) cho biết: sau gần 4 năm học nghề tại làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên), thêm vài năm đi làm thuê tại các nơi để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, tìm hiểu thị trường, năm 2007, anh quyết định đầu tư mở xưởng tại quê hương chuyên sản xuất các loại đồ thờ (hoành phi, câu đối, cuốn thư…), tượng thờ. Gần 20 năm gắn bó với nghề tạc tượng gỗ, anh Hưng cho biết: Tượng gỗ gồm hai loại, tượng chơi và tượng thờ. Tượng chơi thường là các loại con giống (theo 12 con giáp) hoặc là tượng Thần Tài, danh nhân. Tượng thờ là các loại tượng Phật, thánh hoặc các loại linh vật (rùa, hạc, ngựa...) phục vụ hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Tượng chơi thường có dáng đứng, có bệ hoặc đế, còn tượng thờ thì có đủ dáng (đứng, ngồi, nằm) đặt trên bệ, tòa chạm khắc các loại hoa văn trang trí (thường là đài sen). Trước đây, gỗ để làm tượng thường là gỗ mít nhưng hiện nay đã được mở rộng thêm nhiều chủng loại như: gỗ hương (hương xám hoặc hương đỏ), xà cừ, dổi... và cả gỗ lũa (phần lõi ở gốc của các cây cổ thụ khô sau khi bị chết, được xem như phần xương của gỗ có đặc trưng rất cứng, không bao giờ bị mối mọt xâm hại). Tượng gỗ có hai loại là tượng đặc và tượng rỗng, nhưng cơ sở của anh Hưng chỉ làm các loại tượng đặc, loại nhỏ nhất có kích thước từ 10-12cm, đường kính khoảng 5-6cm cho đến loại tượng đại có chiều cao đến 3m, đường kính từ 60-100cm. Mỗi tháng, cơ sở của anh tiêu thụ từ 5-7m3 gỗ mít, dổi để sản xuất được từ 30-40 sản phẩm tượng thờ các loại (chiều cao từ 80cm đến 1,8m). Hiện tại, cơ sở của anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Cũng tương tự như anh Hưng, anh Vũ Văn Hoàn ở thôn Cẩm, xã Yên Dương (Ý Yên), 37 tuổi đời nhưng đã có đến 25 năm gắn bó với nghề tạc tượng gỗ cho biết: học xong lớp 6, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh nghỉ học và theo học nghề mộc ở làng nghề La Xuyên, sau đó đi khắp trong Nam ngoài Bắc làm nghề. Đến năm 2003, khi tay nghề đã tương đối “cứng”, anh quyết định về quê mở xưởng, chuyên làm các loại tượng thờ từ gỗ. Anh cho biết, khác với các loại tượng chơi, nghề làm tượng thờ cần phải có duyên và tâm hồn bởi vì tất cả các khâu đều yêu cầu tỉ mỉ, cẩn thận, tinh tế và óc thẩm mĩ cao. Chỉ một sơ suất nhỏ trong bất kỳ khâu nào đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng, thần thái của cả tác phẩm. Theo quy ước trong nghề, tượng thờ đầu tiên phải đáp ứng tiêu chí “đàng hoàng, nghiêm cẩn”. Từ khối gỗ thô thợ phải phác thảo được hình khối của pho tượng theo tỷ lệ, kích thước các bộ phận (đầu, mình, chân, tay) và bệ, tòa như thật. Nếu tượng có kích thước to, cao thì lại càng vất vả vì phải dùng đinh, keo ghép nhiều khối gỗ lại với nhau. Sau đó là đến công đoạn “phá dáng” (dùng cưa, máy cầm tay phác thảo hình dáng thô của pho tượng). Khi khối gỗ đã sơ bộ hình thành dáng bức tượng mới chuyển sang phác thảo các chi tiết; làm nhẵn, chạm khắc hoa văn, đường nét, tỉa khuôn mặt. Từ những khúc gỗ tự nhiên, muốn biến thành bức tượng có hồn là điều không hề dễ. Con mắt quan sát và óc tư duy hình khối quyết định đến sự thành công, giá trị nghệ thuật cho bức tượng. Trong đó, thần thái biểu cảm của khuôn mặt tượng luôn là điểm nhấn quan trọng, đặc biệt biểu cảm nhất, quyết định chất lượng của pho tượng là đôi mắt. Thường công đoạn “điểm nhãn” này được giao cho những thợ cả nhiều kinh nghiệm, lành nghề và tài hoa nhất đảm nhiệm. Ngoài ra, còn phải kể đến những yếu tố riêng của từng nhân vật mà bức tượng muốn thành công phải làm toát lên: Lạt Ma phải khắc khổ, tượng Di Lặc phải tươi, Bồ Tát phải nhân từ… Sau khi hoàn thiện tất cả các chi tiết, pho tượng trước khi xuất xưởng được hoàn thiện bằng đánh bóng để nguyên vân gỗ hay phun sơn PU hoặc sơn son, thếp vàng, bạc (tùy theo yêu cầu của khách hàng). Cơ sở của anh Hoàn hiện có 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng; doanh thu đạt từ 3,5-4 tỷ đồng/năm. Ở xã Yên Dương còn một vài cơ sở nhận làm tượng chơi. Trong đó có cơ sở Đức - Toan, thôn Mụa (Vũ Xuyên) thường nhận tạc tượng chơi từ gỗ khối hoặc gỗ lũa. Tượng tạc từ gỗ lũa không phun màu, chỉ phun dầu bóng để giữ nguyên màu sắc tự nhiên của lũa. Không chỉ ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, nghề làm tượng gỗ còn phát triển ở nhiều huyện trong tỉnh như Xuân Trường, Hải Hậu. Anh Trần Văn Chẩn, chủ cơ sở Quốc Chẩn, xóm 1, xã Xuân Phương (Xuân Trường) cho biết: Điêu khắc gỗ là nghề gia truyền, đến anh đã là đời thứ 5. Cơ sở của anh hiện có 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng và gần 10 hộ nhận sản phẩm thô về gia công tại nhà với thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/hộ/tháng. Sản phẩm điêu khắc gỗ của cơ sở Quốc Chẩn hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh… Cơ sở sản xuất của anh Chẩn hiện đang giữ “kỷ lục” của nghề làm tượng gỗ ở xã Xuân Phương với sản phẩm bức tượng Thánh đặc cao 3m.

Nghề làm tượng gỗ có sự phân công rõ rệt đến từng khâu, thợ chính quyết định ý tưởng chế tác bức tượng, tạo dáng tổng thể và chế tác những chi tiết quan trọng trên bức tượng, thợ phụ đảm nhiệm những chi tiết đơn giản, đánh nhám, phụt sơn, dầu… Ngoài việc tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, nghề làm tượng gỗ còn góp phần lưu giữ nét văn hoá truyền thống ở các làng quê trong tỉnh./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com