Nói đến xã nghề Xuân Tiến (Xuân Trường), nhiều người thường nghĩ ngay đến nghề cơ khí với những sản phẩm máy nông nghiệp, máy xây dựng, đúc chuông, đúc tượng... hoặc chế biến lương thực thực phẩm (sản xuất miến, bánh đa). Không nhiều người biết rằng, ở Xuân Tiến còn có nghề làm quạt giấy truyền thống. Hàng trăm năm qua, nghề làm quạt giấy giản dị đã gắn bó với người dân xóm 3 từ đời này sang đời khác...
Làm quạt giấy tại cơ sở của ông Ngô Huy Hiệu, xóm 3, xã Xuân Tiến. |
Theo lời ông Ngô Huy Hiền, một trong những người gắn bó với nghề làm quạt giấy từ tuổi còn thơ đến giờ cho biết: Không ai biết nghề đan lát ở xóm 3 có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, khi mới 5-6 tuổi ông đã bắt đầu phụ giúp cha mẹ chuẩn bị nguyên liệu hoặc gia công hoàn thiện sản phẩm. Và đến đời ông là đời thứ 3 liên tiếp theo nghề. 10-11 tuổi ông Hiền cũng như bao cô, cậu bé khác của xóm 3 đã thành thạo các kỹ thuật của nghề, có thể phụ giúp cha mẹ tách nan, phơi, xếp quạt giấy.
Nghe thì tưởng nghề làm quạt giấy đơn giản, nhưng không phải vậy! Những thợ làm quạt lâu năm cho biết, làm quạt cũng đòi hỏi công phu, tỉ mỉ và có rất nhiều công đoạn, khâu nào cũng cần khéo léo, tài hoa, từ chọn nứa, chẻ nan, đóng “nhài”, vót đầu, “phất” (dán) giấy, phơi, gấp..., nếu kể chi li thì để có một chiếc quạt giấy thành phẩm phải trải qua hơn 30 công đoạn. Nứa từ các tỉnh miền núi phía Bắc, từ Thanh Hóa, Nghệ An được đóng thành bè xuôi dòng Ninh Cơ về các cống Trà Thượng, Lạc Quần. Người làm quạt mua về cắt thành từng đoạn dài khoảng 30cm; đem ngâm nước trong khoảng nửa tháng rồi vớt lên phơi khô, cất gọn để dùng dần. Tầm tháng 4 hằng năm vào mùa làm quạt. Lúc ấy cả nhà từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng có việc: người lớn thì cạo tinh, chẻ nan, đóng “nhài”; phụ nữ, người già thì “phất” giấy; trẻ nhỏ thì phơi. Ở Xuân Tiến có 2 loại quạt, loại quạt thường chỉ dùng 15 nan, còn loại quạt đặt (hàng kỹ) thì có tới 20 nan, được in hoa văn. Quạt ở Xuân Tiến chỉ làm một loại nan dài 27cm. Nan quạt chẻ xong được khoan lỗ và đóng nhài (cố định các nan bằng một loại đinh tán đặc chế gọi là “nhài”). Khi nan đã được nhài xong, người già dùng dao thật sắc gọt tỉa phần đầu cán quạt cho thật đều, mịn rồi mới tách từng nan, chuốt lại một lần cho nhẵn. Sau đó là công đoạn tạo hình, tách xếp nan thành hình chiếc quạt, khó nhất là phải ước lượng khoảng cách giữa các nan đều nhau, cho nên người “phất” giấy thường là phụ nữ. Trước đây, hồ dán được thợ làm quạt sử dụng nhựa quả cậy, giã nát, bỏ vào chum, vại đậy kín hoặc hạ thổ ủ trong vòng một tháng cho lên men, chuyển sang màu nâu nâu mới mang ra lọc nước, bỏ bã để dán quạt. Thời trước, giấy dán quạt là loại giấy dó, giấy bồi, lại dán bằng nhựa cậy nên rất bền, thời gian sử dụng được lâu, nhưng nhìn không đẹp mắt lắm. Quạt phất giấy xong còn phải phơi cho khô rồi mới xếp lại mang ra chợ bán. Đặc biệt là quạt phải phơi trong bóng râm để khô bằng gió, không được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời tránh làm nan co ngót, bong giấy. Vì có quá nhiều công đoạn, lại hoàn toàn sản xuất thủ công nên năng suất lao động của nghề làm quạt cũng thấp. Một nhà 4-5 người mỗi ngày chỉ hoàn thành được trên dưới 100 chiếc quạt là cùng. Kiểu dáng nhỏ gọn, dễ cất giữ, khá tiện dụng nên kể cả khi quạt điện, điều hoà phổ biển thì quạt giấy vẫn có thị phần nhất định. Nghề vì thế vẫn lặng lẽ sống gắn bó với người dân xóm 3 từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những năm trước, giao thông đường bộ còn khó khăn, sản phẩm được bày bán ngay tại chợ Cầu Cụ và các chợ xung quanh vùng; một phần đáp ứng nhu cầu tại chỗ, một phần xuống thuyền, từ sông Mã qua cống Trà Thượng, Lạc Quần tỏa đi các nơi.
Từ khi xã Xuân Tiến được phủ lưới điện quốc gia, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập giao thương giữa các vùng miền, các địa phương được mở rộng đã mở ra một hướng phát triển mới của nghề làm quạt giấy. Giấy dán quạt đã được thay từ loại giấy bồi, giấy dó dầy, thô bằng giấy pơ-luya mỏng, nhẹ, trắng; keo dán quạt được thay bằng tinh bột sắn vừa bền, đẹp lại không có mùi hôi màu thâm xỉn như dùng nhựa cậy. Khoảng chục năm trở lại đây một số hộ làm nghề như Mai Văn Viện, Ngô Huy Hiền... đứng ra thành lập cơ sở sản xuất quy mô lớn chuyên nhận các đơn đặt hàng số lượng lớn. Ngoài một phần được sản xuất tại cơ sở, nhiều công đoạn như: chẻ nan, đóng nhài, phất giấy, in hoa văn, cắt giấy... đã được khoán cho các hộ gia công tại nhà. Công chẻ nan thô 60 nghìn đồng/tạ; công phất giấy 150 nghìn đồng/1.000 chiếc... Chị Lương Thị Bình, người chuyên nhận chẻ nan khoán cho biết: mỗi ngày chị chẻ được khoảng 1,5 tạ nan thô, tiền công khoảng 90-100 nghìn đồng mà vẫn đảm bảo làm được các việc chăm sóc con cái, gia đình. Từ nan thô đã được gia công tại các hộ, sau thời gian ngâm ủ để tránh mối mọt sẽ được đưa vào máy chẻ nan (sản xuất tại địa phương) để chẻ thành nan quạt. Nhờ có máy móc, năng suất lao động được nâng lên nhiều. Ông Mai Văn Viện cho biết: Cơ sở của ông mỗi tháng tiêu thụ khoảng 6-7 tấn nứa nguyên liệu, khoảng 2 tạ giấy (30 ram) để sản xuất được khoảng 2.000 chiếc quạt/ngày. Ngoài 4-5 lao động làm tại chỗ, cơ sở của anh còn có khoảng 25 hộ chuyên nhận khoán các công đoạn tại nhà. Sản phẩm làm ra chủ yếu được bán tại các tỉnh phía Nam.
Mỗi chiếc quạt giấy sản xuất tại Xuân Tiến chỉ có giá bán từ 1.600-2.000 đồng/chiếc; loại cao cấp nhất, đặt riêng theo yêu cầu cũng chỉ có giá từ 4.000-5.000 đồng/chiếc. Nếu so sánh giá trị riêng lẻ với những sản phẩm tiêu dùng khác thì rất thấp; ngày công của người lao động làm nghề cũng chỉ đạt từ 50-70 nghìn đồng/ngày; nhưng với số lượng bình quân (ước tính) từ 15-20 nghìn sản phẩm/ngày; nghề làm quạt giấy ở Xuân Tiến vẫn đang là nghề góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân nơi đây./.
Bài và ảnh: Thành Trung