Mùa mướp ở Mỹ Trung

08:05, 20/05/2017

Năm nay mùa mướp ở Mỹ Trung (Mỹ Lộc) dường như đến muộn hơn mọi năm. Đầu tháng 3, những giàn mướp mới lác đác hoa vàng bói những quả xanh xanh, be bé. Vậy mà, mới bước sang tháng 4, tháng 5, hoa mướp vàng đã kịp phủ kín những mặt ao xanh mướt mát. Thỉnh thoảng, vài chú cá nghịch ngợm nhảy vọt lên mặt nước, “đớp” trái mướp dài sà sát mặt ao. Mùa mướp ở Mỹ Trung đang ở vào giai đoạn chính vụ. Ông Nguyễn Văn Kiểm, xóm 11 cho biết: So với trồng các cây rau màu khác, trồng mướp cho thu nhập tốt hơn nhiều. Đủ biết, cây mướp đang mang về no ấm cho bà con nơi đây.

Cây “truyền thống”

 Vài chục năm trước, khi hãy còn là một đứa trẻ ham chơi, ông Nguyễn Văn Kiểm đã thấy bố mẹ, ông bà trồng mướp. Giống mướp hương thơm dìu dịu nhẹ nhàng từ cây đến lá và thơm đến nức mũi mỗi lần mẹ ông lễ mễ bê nồi canh từ dưới bếp đi lên “cứu đói” cả nhà lúc cơ hàn. Trong ký ức của ông Kiểm, giàn mướp nhà còn gắn liền với cây mít to tướng bà nội trồng giữa vườn chằng chịt những “tay mướp” leo. Và khi mùa hè đến, giữa loang lổ những viên gạch đầy rêu lẫn đất vườn, giàn mướp xanh mướt phủ bóng xuống sân là chỗ mà những đứa trẻ như ông cùng nhau nô đùa, lớn lên. Vài chục năm sau, ông Kiểm vẫn tiếp tục trồng mướp cũng như nhiều hộ gia đình khác trong xóm. Bởi, với đồng đất này, theo ông Kiểm, ít cây nào thích hợp hơn cây mướp. Và cũng không có nhiều loại cây “dễ tính”, ít sâu bệnh, thích nghi tốt như cây mướp. Cũng còn bởi, trên đồng đất này, những nông dân cần kiệm như ông Kiểm luôn biết cách phát huy lợi thế tốt nhất của những cây, con giống. Hiện, gia đình ông có 4 sào mướp, phủ kín một phần diện tích của 2 mẫu ao nhà. Trồng mướp có “thâm niên”, ông Kiểm hiện có thể tự nhân giống, tự trồng, đổ mối bán sản phẩm theo một quy trình khép kín. Để đón mùa mướp mới, ông Kiểm phải chuẩn bị rất nhiều thứ, từ việc bắt giàn cho đến xới đất, chọn giống… Kỳ công nhất, theo ông Kiểm là việc làm giàn cho mướp. Để có được 1 giàn mướp chắc chắn, “gánh đỡ” những gốc mướp qua nhiều mùa vụ, ông Kiểm cẩn thận xuống phố tự tay chọn mua từng gốc luồng, tre già để bắc giàn. Giống tre, luồng mà ông hay chọn thường là luồng Thanh Hóa, chót vót trên những sườn đồi cao. “Khi ấy, cây đủ độ chắc, dẻo và có thể chống chọi tốt với mối mọt, nước. Cẩn thận như vậy nên giàn mướp của tôi thường có tuổi thọ từ 4 đến 5 năm, nếu không gặp gió bão”, ông Kiểm vui vẻ cho biết.  Tháng 11, khi giàn mướp chỉ còn trơ lại những cuộng trắng, trơ trọi trong gió đông, ông Kiểm tìm kiếm những quả gần gốc đã “nhắm” từ trước đổ quả lấy hạt làm giống. Cất cẩn thận những hạt giống quý giá từ mùa trước vào lọ thủy tinh có nắp đậy, ông Kiểm chuẩn bị cho một mùa xuống giống sau. Để chuẩn bị cho mùa gieo trồng mới, ông Kiểm cùng vợ làm đất, xới tung đất vườn cho đất “hả hơi”, rải một lớp phân chuồng bổ sung dinh dưỡng cho đất. Đợi những cơn gió đông thổi ào ào, se sắt của tháng 12 bắt đầu cũng là lúc ông Kiểm đào lỗ mang hạt mướp giống ra trồng. Cứ cách ba mươi phân ông đào một hốc nhỏ đặt hạt giống. Khi cây mầm được 1 tháng, ông Kiểm cẩn thận kiểm tra từng cây giống chuẩn bị công đoạn “bắt tay mướp” cho cây leo giàn. Phải mất tiếp 2 tháng nữa giàn mướp của ông Kiểm mới cho thu hoạch. Cũng theo ông Kiểm, nếu chăm sóc tốt, vườn mướp của ông có thể tận thu đến tháng 10, tháng 11. Tuy có thể cho tận thu đến thời điểm trên, nhưng càng về sau những lứa quả càng thưa thớt dần đi, chất lượng quả cũng kém hơn. Ông Kiểm cũng cho biết thêm những quả mướp hương trên vườn nhà ông, mùa đông và mùa hè cũng có những đặc điểm riêng biệt. Đến mùa đông, giàn mướp không chỉ cho số lượng quả ít hơn mà ruột mướp cũng đặc hơn so với mùa hè. Sau mỗi đợt thu hoạch mướp, ông Kiểm lại tỉa lá già, cắt bớt các dây khô. Cứ như vậy, giàn mướp của ông tự “tái sinh” ra hoa rồi kết quả chờ lứa mới. Giữa các đợt mướp, cứ cách 1 tháng ông Kiểm lại tưới phân tổng hợp, phun thuốc phòng trừ bọ xít, bọ rùa cho cây một lần.

Ông Nguyễn Văn Kiểm, xóm 11, xã Mỹ Trung chăm sóc giàn mướp của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Kiểm, xóm 11, xã Mỹ Trung chăm sóc giàn mướp của gia đình.

Cây… làm giàu

Xóm 10, xóm 11, xã Mỹ Trung bây giờ hầu như nhà nào cũng trồng mướp. Theo ông Kiểm, xóm 10 có đến 60-70% hộ gia đình trồng mướp. Riêng xóm 11, ông Kiểm nhẩm tính, 100% số hộ gia đình trồng loại cây này. Nhà ít cũng khoảng 2, 3 sào, nhà nhiều 6, 7 sào, thậm chí hàng mẫu. Mướp ở Mỹ Trung được trồng dày đặc ở ven ao trong vườn nhà, ngoài ruộng, bờ tường… Tuy nhiên, đa phần các hộ gia đình thường trồng mướp ở trên ao, lợi dụng sự mát mẻ của nước để cây dễ sinh trưởng, phát triển. Do đó, những thợ vườn chăm chỉ thường bắc giàn quanh mép ao, chiều rộng quãng 3m, chừa khoảng giữa ao lấy khí cho cá thở. Họ kết hợp mô hình VAC, cá dưới nước, mướp, cây ăn quả, vật nuôi trên bờ, mang lại giá trị kinh tế khá cao. Một số hộ gia đình trong thôn trồng nhiều có thể kể đến như: gia đình anh chị Bảo Định, hộ gia đình ông Mạnh Hoa, hộ gia đình anh Việt Quý… Theo tính toán của ông Kiểm, sau lứa đầu tiên thì cứ cách 2 tháng, vườn mướp của ông lại cho thu hoạch một lần. Với giá bán buôn như hiện tại 3.000 đồng/quả (thời điểm đầu mùa dao động trong khoảng 4.000-5.000 đồng/quả), ông Kiểm ước tính, 1 sào mướp của ông sẽ cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng/vụ. “So với trồng một số loại cây ăn quả, cây mướp mang về giá trị kinh tế cao hơn, ổn định hơn. Vì chúng tôi không mất chi phí mua giống, chỉ phải bỏ chi phí ban đầu lúc làm giàn. Tiền phân, thuốc trừ sâu cũng không đáng kể lắm. Hơn hết, thị trường tiêu thụ rộng mở, giá cả tương đối ổn định so với loại cây khác. Đặc biệt, nếu so với trồng các cây rau màu thì trồng mướp hiệu quả kinh tế hơn nhiều lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc”, ông Kiểm nói. Để tránh bị thương lái ép giá, cũng như nhiều hộ gia đình khác trong xóm, vợ chồng ông Kiểm thường tự đem mướp đi đổ ở chợ đêm đầu mối Phạm Ngũ Lão (TP Nam Định). 3h chiều, khi ánh nắng bớt gay gắt, vợ chồng ông Kiểm cùng nhau chèo thuyền xuống ao thu hoạch quả, xếp cẩn thận những xe mướp cao quá đầu người để 2h sáng ngày hôm sau vào chợ bán buôn. Từ chợ đầu mối này, những thương lái Thanh Hóa, Hải Phòng đưa giống mướp hương thơm ngon của làng ông Kiểm đi khắp nơi buôn bán. Hiện nay, ở Mỹ Trung cũng đã hình thành được một số điểm thu mua mướp. Ngoài ra, một lượng lớn thương lái từ Thái Bình cũng sẵn sàng đến tận vườn thu mướp cho bà con nông dân. Bên cạnh quả mướp, các hộ gia đình trồng loại cây này còn có thể tận thu nhiều phụ phẩm khác từ cây. Họ thường hái các lá già làm thức ăn cho cá trắm. Bà con nông dân còn có thể bán hạt giống ra thị trường... Tuy nhiên, mùa mướp năm nay, theo ông Kiểm chất lượng mướp kém hơn mọi năm, giá cả lên xuống tương đối bấp bênh.

Mùa mướp của bà con nông dân xã Mỹ Trung đang vào những ngày chính vụ. Vì thế, trên khắp các con ngõ ra đồng, dẫn vào vườn nhà đâu đâu cũng chỉ thấy một màu vàng rực rỡ của hoa, màu xanh mạnh khỏe của lá, của những quả mướp to, căng bóng thả mềm mại trên giàn, trên mặt nước. Hương thơm dịu ngọt của giống mướp hương có tiếng cũng cứ thế mà vấn vít những không gian, đưa đẩy theo gió. Làng quê yên bình, soi bóng những giàn mướp dài bên cầu ao nhà. Bao nhiêu năm, người làng quê vẫn cứ “thủy chung” với cây mướp, mặc dù đất đã “chuyển đổi” qua nhiều loại cây. Đủ để biết, giàn mướp hương rộng dài kia có ý nghĩa giá trị kinh tế lâu bền như thế nào./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com