Là vùng đất trũng, điều kiện canh tác ngày càng khó khăn nhưng với ý chí vươn lên làm giàu bền vững nên ở xã Yên Khang (Ý Yên) ngày càng xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi trên các lĩnh vực. Trong đó, điển hình là vợ chồng anh Hoàng Xuân Hùng, Nguyễn Thị Phượng, thôn Trung Hưng là hội viên nông dân điển hình trong vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi thỏ. Mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, vượt qua khó khăn, anh chị đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Mô hình nuôi thỏ cho thu nhập cao của gia đình anh Hoàng Xuân Hùng, thôn Trung Hưng, xã Yên Khang (Ý Yên). |
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi thỏ của anh chị Hùng, Phượng khi gia đình đang tu sửa lại mảnh vườn và khoảng sân trước nhà. Qua câu chuyện, chị Phượng chia sẻ, trước đây, anh đi tàu vận tải pha sông biển, chị ở nhà chăm con, một mình canh tác hơn một mẫu ruộng và chăn nuôi thêm vài đôi thỏ, lúc vài con lợn, con gà, nhưng gia đình đông người nên làm được có bao nhiêu cũng chỉ đủ ăn. Năm 2012, do điều kiện sức khỏe, anh trở về quê và cùng chị bàn cách phát triển kinh tế. Ban đầu tìm hướng đi để phát triển kinh tế, anh chị cũng gặp nhiều khó khăn, bởi vốn để đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn thì điều kiện gia đình không đáp ứng được, giá cả lại bấp bênh, chưa liên kết được nguồn ra. Quan sát nhiều hộ nông dân trong vùng, chị Phượng thấy nuôi thỏ không lãi lớn nhưng cũng không thua đậm, vốn đầu tư lại không cần nhiều. Bên cạnh đó, chị cũng đã có “mối hàng quen” nhờ nuôi thỏ trước đây. Anh chị đã tìm tới rất nhiều mô hình khác ở trong và ngoài huyện để học hỏi kinh nghiệm, tìm ra hướng đi phù hợp với điều kiện của gia đình. Cùng với đó anh chị tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do HND và các tổ chức đoàn thể tổ chức. Chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi thỏ chị Phượng cho biết, chủ yếu do chị tự học hỏi và tìm hiểu trên mạng internet. Bên cạnh đó, chị cũng rút kinh nghiệm từ những mô hình trang trại đi trước để có hướng đầu tư hiệu quả. Chị Phượng cho biết, thỏ dễ nuôi và ít bị bệnh nhưng một khi đã bệnh thì chết rất nhanh. Thức ăn cho thỏ cũng rất đơn giản, có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả…, ngoài các loại rau xanh, còn có tinh bột, thức ăn hỗn hợp sản xuất cho thỏ. Thỏ con sau sinh 30 ngày sẽ được tách mẹ, đó là thời điểm thỏ con dễ mắc bệnh đường ruột nên người chăn nuôi phải chú ý đảm bảo thức ăn thật sạch sẽ và liều lượng phải vừa đủ. Chuồng nuôi khá đơn giản, chỉ bằng tre hoặc lưới sắt song yêu cầu khâu chăm sóc phải tỉ mỉ, đặc biệt là chú ý quan sát quá trình sinh trưởng của thỏ để tiêm vắc-xin phòng các bệnh đường ruột, nấm, ghẻ… Ngoài ra, chuồng trại cần phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, mùa hè thoáng mát, mùa đông kín ấm. Từ đó, gia đình chị đã đầu tư 50 đôi thỏ sinh sản, dần dần tăng lên 100 đôi. Mỗi năm thỏ có thể đẻ 6 đến 7 lứa, mỗi lứa từ 6 đến 8 con. Nuôi 3 tháng trọng lượng đạt 2,5-3kg là có thể xuất bán. Thịt thỏ có giá trị dinh dưỡng cao và được đánh giá là nguồn thực phẩm sạch, lông và da để làm áo, mũ, đồ thủ công mỹ nghệ có hiệu quả kinh tế cao. Để có đầu ra, chị tìm đến các nhà hàng, khách sạn, liên hệ các đầu mối thu mua. Nhờ chăn nuôi có uy tín, chất lượng nên trang trại của gia đình chị dần được người tiêu dùng lựa chọn. Hiện, nhiều nhà hàng, khách sạn ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đang là khách hàng thân thiết của gia đình anh Hùng, chị Phượng. Sau 3 năm mày mò tìm kiếm, lấy ngắn nuôi dài, đến nay, gia đình anh Hoàng Xuân Hùng đã tham gia vào mô hình chăn nuôi thỏ liên kết với Cty Dược phẩm Nippon Zonki (Nhật Bản) có Nhà máy Công nghệ sinh học Konshi Việt Nam tại Bắc Ninh với công suất thiết kế 2 triệu con thỏ thương phẩm một năm. Đây cũng là điều kiện để gia đình anh chị phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Trao đổi thêm với chúng tôi, anh Hùng cho biết, đây là một dự án của Nhật Bản nhằm tạo vùng nguyên liệu, nên họ đã đầu tư cho các hộ tham gia dự án, được hỗ trợ về kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ đầu ra. Họ hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, chăm sóc để có được những con thỏ vừa đảm bảo về hình dáng, trọng lượng và đặc biệt là sạch bệnh, không tồn dư hoóc-môn tăng trưởng. Mặc dù đối với địa bàn ở xã Yên Khang, mô hình nuôi thỏ còn mới nhưng xác định đây là mô hình phù hợp với gia đình và đặc biệt là nhu cầu thực tế của thị trường hiện nay nên gia đình anh đã tập trung đầu tư chăn nuôi thỏ nái sinh sản để cung cấp giống cho gia đình và bà con trong xã. Ngoài đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố với quy mô rộng trên 200m2, chia làm 2 khu vực, khu nuôi thỏ cái sinh sản và khu nuôi thỏ con sau khi tách mẹ. Hiện gia đình anh có hơn 200 con thỏ cái sinh sản, trung bình mỗi tháng xuất bán 6-7 tạ thỏ thịt và 5-7 lứa thỏ giống, doanh thu mỗi năm gần 300 đến 400 triệu đồng.
Mô hình nuôi thỏ của gia đình anh Hùng đang trở thành hướng đi mới để bà con trong và ngoài xã học tập và làm theo. Anh mong muốn cơ quan chính quyền các cấp có thể tạo điều kiện cho anh và các hộ nuôi trong vùng có thêm quỹ đất mở rộng diện tích chăn nuôi để phát triển tối đa thế mạnh loài vật nuôi này./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn