Có thế mạnh về kinh tế biển, thời gian qua, tỉnh ta đã có các chương trình và chủ trương, chính sách thiết thực hỗ trợ ngư dân tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân yên tâm bám biển, đẩy mạnh khai thác, nâng cao thu nhập và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Khai thác thủy sản của tỉnh nhiều năm qua liên tục tăng trưởng. Năm 2016, tổng sản lượng khai thác thủy sản đã đạt kết quả tốt với hơn 83 nghìn tấn, số lượng tàu, thuyền cũng tăng lên đáng kể. Công tác tổ chức sản xuất và trang bị nghề cá trên biển ngày càng được quan tâm và hoạt động có hiệu quả. Ngư dân được tham gia khai thác trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, dân chủ, có sự hợp tác giữa các thuyền viên trong việc chia sẻ thông tin ngư trường, thời tiết và trật tự trên biển. Bên cạnh đó, ngư dân đã ý thức được vai trò và nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, có ý thức giữ gìn an ninh trật tự và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương. Việc hình thành và phát triển các tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển đã phần nào giảm bớt khó khăn, tiếp thêm động lực cho ngư dân khi vươn khơi, bám biển. Tính đến nay, toàn tỉnh có 18 tổ hợp tác khai thác thủy sản với khoảng 400 tàu và 1.600 lao động. Ngư dân Bùi Văn Thắng, xã Hải Triều (Hải Hậu) cho biết: “Từ khi các tổ hợp tác khai thác thủy sản được thành lập và đi vào hoạt động, khi tham gia sản xuất trên biển, ngư dân chúng tôi thường xuyên thông tin cho nhau về ngư trường giúp tiết kiệm được nhiên liệu; kịp thời hỗ trợ nhau khi tàu, tổ khai thác gặp sự cố rủi ro, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên biển”. Cùng với một số cơ chế chính sách đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá hoạt động khai thác trên biển, vấn đề tai nạn tàu thuyền khi khai thác trên biển đã được cải thiện theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp tàu, thuyền gặp nạn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm diễn biến thời tiết trên biển phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tàu thuyền sản xuất theo kinh nghiệm dân gian; trang thiết bị hạn chế, máy móc lắp đặt trên tàu đã quá cũ; phạm vi hoạt động rộng vượt quá điều kiện an toàn cho phép; nhiều ngư dân chưa thực hiện nghiêm túc các quy trình sử dụng máy; công tác bảo quản, bảo dưỡng máy móc trên tàu, thuyền còn kém nên vẫn gặp rủi ro, tai nạn. Đầu năm 2017, 1 tàu cá của ngư dân huyện Hải Hậu bị hỏng máy, trôi tự do về phía Đông Bắc Bộ, may mắn được các cơ quan chức năng hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn, hỗ trợ lai dắt vào bờ an toàn.
|
Vận chuyển cá từ tàu lên bờ sau chuyến ra khơi của tàu anh Bùi Văn Thắng, xã Hải Triều (Hải Hậu). |
Trước thực trạng đó, việc xây dựng và thực hiện các giải pháp giúp ngư dân yên tâm bám biển là vô cùng cần thiết. Sở NN và PTNT vẫn tích cực đẩy mạnh thực hiện chương trình hiện đại hóa tàu cá bằng việc xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư hiện đại hóa tàu cá, chú trọng khai thác vùng biển xa bờ, chuyển đổi dần từ tàu cá vỏ gỗ sang các vật liệu mới; cơ khí hóa các trang thiết bị khai thác trên tàu cá… Hiện nay, số lượng tàu cá vỏ thép đã được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới theo chương trình Nghị định 67 là 35 tàu, trong đó 34 tàu cá đóng mới bổ sung, 1 tàu cá đóng mới thay thế. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng đã tổ chức các lớp đào tạo thuyền viên, hướng dẫn ngư dân các huyện ven biển cách vận hành tàu cá vỏ thép an toàn và hiệu quả. Sở cũng đã chú trọng việc hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển thông qua hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá và phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các tổ chức, ban, ngành liên quan… nhằm chủ động cảnh báo thiên tai, kịp thời ứng phó với các tai nạn, rủi ro trên biển, cứu hộ cứu nạn. Tăng cường bảo vệ, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển, tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời cho ngư dân khi gặp bất trắc. Phần lớn các tàu khai thác xa bờ đã lắp đặt máy trực canh, thiết bị thông tin liên lạc 2 chiều giữa tàu - bờ để các cơ quan chức năng kịp thời thông báo thông tin cho ngư dân khi có bão, lốc hay áp thấp nhiệt đới xảy ra trên biển. Rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đối với những ngư dân; có các chính sách hỗ trợ, bảo trợ, bảo vệ và bảo lãnh đối với các ngư dân khi có sự cố xảy ra trên biển. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ khai thác hải sản vùng biển xa bờ. Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá ven biển. Hiện toàn tỉnh đã có 1 cảng cá, 5 bến cá được phân bố tại 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng song vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của ngư dân về vai trò của việc khai thác hải sản trên biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời triển khai nhiệm vụ bảo hộ và đảm bảo an toàn, tạo niềm tin cho mọi hoạt động khai thác trên biển của ngư dân.
Đến nay việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với ngành kinh tế biển đã được các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai tích cực, từng bước phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ tăng khả năng vươn khơi, giúp người dân an toàn và vững tâm hơn khi sản xuất trên biển./.
Bài và ảnh:
Thanh Hoa