Tỉnh ta hiện có 135 làng nghề đang hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề hàng thủ công mỹ nghệ, làm muối, dệt chiếu, nón lá, cơ khí, đúc, dệt may, thêu ren, tái chế phế liệu... Các làng nghề góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân và bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương. Bên cạnh mặt tích cực, việc phát triển làng nghề chưa đi đôi với công tác bảo vệ môi trường (BVMT), đặc biệt là các làng nghề có công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường như: chế biến thực phẩm, cơ khí đúc, tái chế chất thải… Hầu hết các làng nghề đều sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình; trang thiết bị thủ công, đơn giản, công nghệ lạc hậu, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp. Trong khi đó, kiến thức và ý thức về BVMT của đa số chủ hộ sản xuất trong làng nghề còn hạn chế. Các hộ sản xuất hầu như không bảo đảm các thủ tục quy định về môi trường; phần lớn các chất thải rắn từ quá trình sản xuất được thu gom lẫn với chất thải rắn sinh hoạt, không đúng theo quy định của Luật BVMT; chất thải rắn nguy hại không được phân loại, để lẫn rác thải sinh hoạt. Thậm chí ở một số làng nghề còn đổ chất thải rắn nguy hại ra xung quanh môi trường sống. Các cơ sở sản xuất tại nhiều làng nghề không có công trình xử lý nước thải, khí thải và xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường xung quanh; một số nơi nước thải đã gây ô nhiễm tồn lưu trong đất, nước ngầm.
|
Sản xuất cơ khí tại làng nghề Tống Xá (Ý Yên). |
Nhằm khắc phục tình trạng trên, tỉnh đã tăng cường thực hiện công tác điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề và xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm. Sở TN và MT đã giao Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường thực hiện Đề án “Điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề”; đến nay đang tập trung hoàn thành báo cáo. Kết quả thu được qua thực hiện Đề án là cơ sở để đề xuất các giải pháp cụ thể trong công tác quản lý môi trường làng nghề. Thực hiện Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT, Sở TN và MT phân loại và đề nghị đưa 13 làng nghề vào danh mục cần phải xử lý cải thiện, phục hồi môi trường giai đoạn 2013-2020. Đối với các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vượt quá khả năng xử lý của địa phương, Sở TN và MT phối hợp với UBND các huyện tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ TN và MT, các tổ chức quốc tế cùng với trách nhiệm đóng góp của các cơ sở sản xuất trong làng nghề để lập và thực hiện dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề. Dự án “Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định” được Bộ TN và MT cấp kinh phí thực hiện từ năm 2013 với tổng mức trên 85,950 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã triển khai xong giai đoạn 1 và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục giai đoạn 2. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm lồng ghép công tác BVMT làng nghề trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Ngày 4-4-2017, Sở TN và MT đã ban hành Công văn số 688/HD-STNMT hướng dẫn các huyện thực hiện tiêu chí môi trường huyện NTM giai đoạn 2016-2020, trong đó có các yêu cầu về BVMT làng nghề. Cụ thể, phải có phương án BVMT làng nghề được UBND huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện BVMT theo nội dung phương án đã được phê duyệt. Hạ tầng về BVMT làng nghề phải có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước, không để xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng. Hệ thống xử lý nước thải tập trung (nếu có) phải đảm bảo công suất xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng đối với tổng thể lượng nước thải phát sinh từ làng nghề trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Điểm tập kết chất thải rắn hợp vệ sinh, khu xử lý chất thải rắn bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn. Có tổ tự quản về môi trường bảo đảm các điều kiện có quyết định thành lập và quy chế hoạt động do UBND cấp xã ban hành, được trang bị phương tiện và bảo hộ lao động đầy đủ. Hiện nay, Chi cục BVMT (Sở TN và MT) đang tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thẩm tra các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường năm 2017, chú trọng ở các xã, huyện đang tổ chức thẩm định đạt chuẩn NTM. Chi cục BVMT cũng tích cực phối hợp với Phòng TN và MT các huyện đôn đốc các xã, thị trấn có làng nghề lập và hoàn thiện hồ sơ thủ tục về môi trường theo quy định. Hiện nay tỉnh đang tập trung chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ về BVMT làng nghề trên địa bàn. Chỉ đạo các xã lập phương án BVMT làng nghề và tổ chức phê duyệt, kiểm tra theo quy định. Chỉ đạo các đơn vị chức năng, cơ quan chuyên môn đôn đốc các cơ sở sản xuất trong làng nghề chấp hành các quy định pháp luật về BVMT; thu gom, xử lý, quản lý, giảm thiểu chất thải phát sinh; quan trắc giám sát môi trường định kỳ theo quy định. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề di chuyển sản xuất ra các CCN để có điều kiện thuận lợi hơn cho công tác xử lý môi trường, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện quy hoạch và quản lý 20 CCN nông thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, trong đó có 12 CCN tại các xã, thị trấn có làng nghề. Mới đây, tỉnh đã có Quyết định số 630/QĐ-UBND điều chỉnh Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 để bảo đảm vừa phát triển sản xuất ở nông thôn vừa đáp ứng yêu cầu BVMT.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương tăng cường công tác BVMT trong quản lý và phát triển làng nghề để bảo đảm thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 64/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, cơ bản kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, không phát sinh thêm các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng mới. Phấn đấu xử lý 100% các làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo danh mục của Bộ TN và MT xác định. Di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, kim loại, nhựa, nhuộm và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động trong khu dân cư vào CCN làng nghề. 100% CCN làng nghề tuân thủ đầy đủ các quy định về BVMT./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy