Được sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự chung sức của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, bước đầu tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần khai thác phát huy các lợi thế về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hoá, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Trong đó, ở cấp tỉnh đã ưu tiên hàng đầu cho việc đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông huyết mạch. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng tỉnh đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn Trung ương, ODA… để hoàn thiện và đầu tư mới nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như: các Quốc lộ 21, 21B kéo dài, 37B, 38B; các tỉnh lộ 485, 488, 488B, 488C, 489, 490C, 487, 489C; Đại lộ Thiên Trường, cầu Tân Phong, đường nối cầu Tân Phong với Quốc lộ 10 và Quốc lộ 21… Thực hiện chương trình xây dựng NTM, hệ thống giao thông nông thôn nhờ được người dân đồng thuận, ủng hộ hiến đất, giải tỏa hành lang để xây dựng, nâng cấp mới trên 6.000km. Các công trình giao thông được đầu tư tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh bạn; tăng sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư vào các KCN, CCN có lợi thế gắn với đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường cao tốc và phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ. Để tiếp tục bứt phá về phát triển hạ tầng giao thông theo hướng kết nối vùng, tăng khả năng kết nối giữa đường bộ với đường thủy, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH, đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GTVT đầu tư Cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang với giá trị xây lắp 110 triệu USD theo dự án WB6 xây dựng hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc. Cụm công trình đưa vào sử dụng đã mở cửa ngõ kết nối vận tải thủy khu vực đồng bằng Bắc Bộ với các vùng, miền trong cả nước thông qua vận tải ven biển, giúp cho các tàu pha sông biển trọng tải 1.000 tấn có thể lên đến Hà Nội, tàu 2.000-3.000 tấn có thể hoạt động trên sông Ninh Cơ và vào cảng Ninh Phúc (sau khi kênh nối Đáy - Ninh Cơ được đầu tư); từ đó, giảm chi phí vận tải, giảm gánh nặng cho đường bộ đang bị quá tải, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án Quốc lộ 38B, đoạn tuyến tránh Thành phố Nam Định; tỉnh lộ 489C, đoạn từ cầu Lạc Quần đến cầu Sa Cao. Đồng thời đang tập trung xúc tiến, hoàn tất các điều kiện để sớm triển khai, đầu tư xây dựng các dự án: đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến cao tốc ven biển Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình thuộc quy hoạch cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, xây dựng cầu Thịnh Long kết nối với Khu kinh tế Ninh Cơ... Bên cạnh đó, để tạo điều kiện về hạ tầng thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tỉnh đặc biệt chú trọng cho đầu tư phát triển hạ tầng các KCN. Đến nay, có 4 KCN được đầu tư hạ tầng đã và đang hoạt động, gồm: KCN Hoà Xá, diện tích 286ha hoạt động từ năm 2002; KCN Mỹ Trung diện tích 151ha; KCN Bảo Minh diện tích 154ha; KCN Dệt may Rạng Đông giai đoạn 1 diện tích hơn 500ha vừa khởi công xây dựng hạ tầng. Cùng với đó, việc huy động vốn đầu tư hạ tầng nông, lâm nghiệp cũng đạt kết quả cao. Nhiều công trình, dự án đã và đang được triển khai thực hiện và việc xây dựng hạ tầng nông, lâm nghiệp góp phần nâng cao năng lực phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; hệ thống đê sông, ngòi lớn được nâng cấp vững chắc, nhiều công trình phát huy được hiệu quả đa mục tiêu. Hạ tầng mạng lưới điện cũng được tỉnh chú trọng nâng cấp phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển nhanh, chất lượng dịch vụ được nâng lên. Một số dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục cũng được đầu tư xây dựng với các trang thiết bị hiện đại, đạt trình độ cao, ứng dụng tin học, điện tử trong khám, chữa bệnh và giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và nâng cao trình độ học vấn của nhân dân.
Một góc Thành Nam. |
Với những cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách của chính quyền các địa phương, những năm qua, diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từ thành thị đến nông thôn của tỉnh đã có bước phát triển đáng kể. Các địa phương đều ưu tiên tập trung đầu tư mạnh vào các hạng mục hạ tầng có khả năng thúc đẩy phát triển các mảng kinh tế chủ lực, có tiềm năng. Tại Thành phố Nam Định, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025 và xây dựng Thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thành phố đã từng bước khẳng định được vai trò, chức năng là trung tâm vùng ở một số lĩnh vực, một số ngành công nghiệp; trung tâm đào tạo và trung tâm thể thao. Với thế mạnh có 3 ngành công nghiệp trọng điểm là dệt may, cơ khí chế tạo - đóng tàu, sản xuất thuốc và hóa dược; Thành phố Nam Định đã cơ bản hoàn thành chức năng trung tâm vùng của một số ngành công nghiệp. Về chức năng trung tâm đào tạo, Thành phố Nam Định đã trở thành trung tâm nằm trong tốp 10 cả nước với 4 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, thu hút hơn 50 nghìn học sinh, sinh viên từ các tỉnh. Nhằm khai thác lợi thế có 32km bờ biển, 12 nghìn ha diện tích đất mặt nước ven biển, huyện Giao Thủy đã chủ động đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển đồng bộ kinh tế biển, từng bước xây dựng huyện Giao Thủy trở thành huyện trọng điểm về nuôi trồng thủy hải sản, là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Những năm qua, huyện đã sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí, tập trung xây dựng, từng bước phát triển và hoàn thiện hệ thống thủy lợi, điện, đường phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Trong đó, đã hoàn thành các vùng nuôi tôm tập trung ở xã Giao Phong, Bạch Long, Giao Thịnh, Giao Hải, vùng nuôi thuỷ sản tổng hợp Giao Long; dự án cải tạo hệ thống thủy lợi Cồn Ngạn. Hiện một số dự án đang được tích cực triển khai: dự án nuôi thuỷ sản tập trung tại xã Giao Phong, dự án sản xuất giống thuỷ sản tại xã Bạch Long. Đến nay, toàn huyện đã có trên 1.000 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản và trên 90 trại, cơ sở sản xuất con giống thủy sản. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch từng bước được hoàn thiện, trên địa bàn huyện hiện có 196 cơ sở lưu trú du lịch, với 1.209 phòng nghỉ, trong đó có 15 khách sạn được xếp hạng: 4 khách sạn 2 sao, 11 khách sạn 1 sao... Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Nam Trực quan tâm xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật như thủy lợi, điện, các cụm, điểm công nghiệp. Trong đó huyện đã nâng cấp nhiều công trình thủy lợi trọng điểm như: cống, trạm bơm An Lá, kênh tiêu Kinh Lũng, kênh tưới đường Vàng, trạm bơm Nam Hà; nâng cấp 257 trạm biến áp, 137km đường dây trung thế, 1.264km đường dây hạ thế phục vụ sản xuất và sinh hoạt; đã chủ động đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN: Đồng Côi, Vân Chàng và Nam Hồng để tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng sản xuất, kinh doanh. Một số điểm công nghiệp ở các xã: Tân Thịnh, Đồng Sơn, Nam Tiến với tổng diện tích 20,4ha; tổng kinh phí đầu tư gần 600 tỷ đồng được triển khai thực hiện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Huyện Mỹ Lộc đang thực hiện dự án xây dựng khu đô thị trung tâm Thị trấn Mỹ Lộc với diện tích 9,9ha; triển khai điều chỉnh quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng chợ đầu mối tại xã Mỹ Tân, CCN xã Mỹ Thắng; tạo điều kiện để các nhà đầu tư vào KCN Mỹ Thuận, Mỹ Trung và phân khu dịch vụ - thương mại hai bên đại lộ Thiên Trường. Cùng với sự đóng góp của nhân dân, nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, huyện Mỹ Lộc cơ bản chuẩn hóa, nâng cấp 246km đường GTNT và giao thông nội đồng; tập trung cải tạo, nâng cấp đường 38, đường 63B, làm đường vào các di tích lịch sử - văn hóa lớn như: Đình Sùng Văn, Đình, miếu Cao Đài theo tiêu chuẩn cấp V đồng bằng.
Phát huy những kết quả đạt được trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng then chốt, cùng với quyết tâm từng bước hoàn thiện các kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước vươn lên trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh càng thêm niềm tin vững chắc hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy