Bất cập trong quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống

08:05, 09/05/2017

Thực phẩm tươi sống (rau, thịt, thủy sản, hải sản…) là nguồn thực phẩm giữ vai trò chủ yếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất, lưu thông và chế biến như hiện nay, thực phẩm tươi sống cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nitrat trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt; nhiễm vi sinh trên rau, thịt… Tình trạng này không chỉ dẫn đến NĐTP tức thời mà còn gây ra các bệnh đường ruột, bệnh mãn tính, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe người tiêu dùng và an sinh xã hội. Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng về ATTP trong bữa ăn hằng ngày của gia đình nhưng vì lợi nhuận, nhiều người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống vẫn bàng quan, thờ ơ thậm chí quay lưng lại với sức khỏe của cộng đồng. Mặt khác không ít người tiêu dùng vẫn chủ quan, coi thường sức khỏe của mình trước nguồn thực phẩm thiết yếu này.

Sản xuất rau an toàn tại một trang trại trồng rau ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).
Sản xuất rau an toàn tại một trang trại trồng rau ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).

Trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, qua công tác lấy mẫu thực phẩm tươi sống giám sát mối nguy ATTP của các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều mẫu thực phẩm tươi sống không đảm bảo ATTP. Cụ thể, Sở KH và CN  khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường để tiến hành thử nghiệm, qua đó phát hiện 4/4 mẫu thủy, hải sản đều có chứa phân urê (là chất cấm sử dụng để bảo quản hải sản), 2/4 mẫu rau không đạt yêu cầu về chất lượng. Ngành NN và PTNT lấy 378 mẫu gồm 365 mẫu (mẫu nước tiểu trong cơ sở chăn nuôi, mẫu thịt trong cơ sở giết mổ, mẫu thức ăn chăn nuôi), 13 mẫu thuốc thú y và 8 mẫu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), qua đó phát hiện 6 mẫu dương tính với chất cấm (2 mẫu nước tiểu lợn, 4 mẫu thức ăn chăn nuôi). Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã lấy 408 mẫu giám sát các chỉ tiêu ATTP, qua đó phát hiện 1 mẫu tôm thẻ chân trắng có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng… Riêng ngành Y tế, qua giám sát mối nguy hàng trăm mẫu thực phẩm thuộc nhóm thực phẩm nguy cơ hằng năm cho thấy tỷ lệ mẫu không đạt chiếm khoảng 14-17%. Để đảm bảo ATTP đối với thực phẩm tươi sống, điều quan trọng là phải thực hiện đúng dây chuyền sản xuất, từ nông dân, nhà sản xuất đến nhà cung cấp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đảm bảo ATTP cho thực phẩm tươi sống còn nhiều khó khăn từ khâu quản lý đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Trước tiên, do nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý và người sản xuất, kinh doanh còn hạn chế nên dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định về ATTP. Theo quy định của Thông tư liên tịch số 13/2014 của Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương, ngành Y tế quản lý 10 nhóm thực phẩm, ngành NN và PTNT 19 nhóm, ngành Công thương 8 nhóm, nhưng hiện nay ở địa phương, sự phân cấp, phân công cụ thể cho các ngành chưa rõ ràng nên dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi có sự cố NĐTP xảy ra. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh do chạy theo lợi nhuận nên không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ trên địa bàn tỉnh phần lớn là nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP. Một số tổ chức, cá nhân buôn bán, chăn nuôi, vận chuyển gia súc, gia cầm vì lợi nhuận đã bỏ qua các yêu cầu trong công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và vệ sinh ATTP. Tập quán ăn uống, trình độ dân trí, đặc biệt là do thu nhập thấp nên vẫn còn tình trạng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo an toàn. Kinh phí cho các hoạt động triển khai công tác bảo đảm ATTP quá hạn hẹp nên việc triển khai các hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thực hiện đồng bộ, liên tục các chương trình giám sát, cảnh báo nguy cơ về ATTP đối với rau, thịt, thủy sản. Đặc biệt, một trong những khó khăn lớn hiện nay là ở vấn đề lưu thông thực phẩm tươi sống. Do phần lớn các hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống nhỏ lẻ tại chợ truyền thống, không thực hiện đầy đủ các quy định về ghi chép nguồn gốc sản phẩm nên không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tồn dư chất cấm, hóa chất BVTV trong sản xuất, chăn nuôi. Cụ thể, tại một số chợ lớn trên địa bàn Thành phố Nam Định, dễ dàng nhận thấy tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về độ an toàn đối với thực phẩm tươi sống. Tại chợ Phụ Long, trong tổng số 220 quầy thì chiếm tới 3/4 là các quầy kinh doanh rau tươi, thịt, cá... Điều đáng quan tâm là, tại chợ, công tác ATTP vẫn còn nhiều yếu tố gây mất an toàn khi cùng với rác thải bừa bãi ở khu vực xung quanh chợ và trong chợ, khu vực bán hải sản tươi sống, các hàng rau, thịt, đồ tươi sống... được bày bán lộn xộn, có quầy còn bày ngay sát mặt đất, nước chảy lênh láng. Chợ Mỹ Tho có tổng số trên 300 hộ kinh doanh, trong đó khoảng 30 hộ kinh doanh rau tươi, thịt, cá tươi sống, cá khô. Việc quy hoạch các khu vực bán hàng trong chợ, đặc biệt là việc sắp xếp, quy hoạch các quầy kinh doanh mặt hàng rau quả, đồ tươi sống được thực hiện khá quy củ, tuy nhiên tại khu vực bán hàng rau, thịt, đồ tươi sống, thực phẩm được bày bán lộn xộn, ngay sát nền đất, đồ sống cạnh khu vực thức ăn chín. Tại một số chợ khu vực nông thôn, khu vực hàng cá, nước chảy lênh láng, quanh đó là quầy bán thịt lợn, đồ tươi sống, quầy bán gia cầm ngay cạnh những vũng nước đọng, không chỉ mất ATTP mà còn làm ảnh hưởng tới đời sống của các hộ dân xung quanh… Theo số liệu của Chi cục ATVSTP tỉnh, trong năm 2016, qua các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện khoảng 20-27% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm vi phạm quy định về ATTP. Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2017, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành được tăng cường từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn với 3.597 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, số cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh là 2.659 (tỷ lệ 73,9%), số cơ sở vi phạm chiếm 26,1%. Trong đó, số cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền là 147 cơ sở với số tiền phạt gần 250 triệu đồng. Trong đó tuyến tỉnh xử phạt 91 cơ sở với số tiền 154 triệu đồng, tuyến huyện xử phạt 56 cơ sở với số tiền gần 86 triệu đồng. Các đoàn thanh tra còn đình chỉ sản xuất 1 cơ sở, thu hồi tiêu hủy 28 loại sản phẩm của 17 cơ sở.

Để khắc phục những tồn tại trong quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống, thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường các giải pháp đẩy mạnh thông tin, truyền thông về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; cụ thể là tuyên truyền, vận động, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt, trọng tâm là sử dụng đúng cách thuốc BVTV trong sản xuất rau, quả; thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong chăn nuôi, nuôi trồng, giết mổ, vận chuyển, bày bán thịt gia súc, gia cầm đảm bảo ATTP. Tập trung nguồn lực, xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình giám sát ATTP đối với các sản phẩm rau, thịt, thủy sản chủ lực trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh, chính quyền các địa phương, đẩy mạnh hoạt động quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng rau, thịt, thủy sản; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về ATTP theo quy định, kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm. Tháng hành động vì ATTP năm 2017 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, Tháng hành động sẽ là “điểm nhấn” nhằm thay đổi nhận thức của người dân nói chung, các ngành chức năng nói riêng về nguồn thực phẩm tươi sống, tiến tới đảm bảo các yêu cầu về ATTP trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com