Xây dựng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, tạo đột phá phát triển kinh tế

07:04, 17/04/2017
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, cuối năm 2013, tỉnh đã khảo sát để xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông nhằm phát triển ngành nghề theo hướng khép kín quá trình sản xuất, tạo chuỗi giá trị gia tăng cao cho ngành dệt may, đưa Nam Định trở thành trung tâm lớn về dệt may của cả nước. Qua khảo sát, đánh giá cùng với nhà đầu tư, tỉnh đã lựa chọn được khu vực bãi đất bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng có diện tích khoảng 1.500ha để xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông. Đây là khu vực thuận lợi về vị trí địa lý, cách Thành phố Nam Định 50km theo tỉnh lộ 490C, nằm trên tuyến đường trục phát triển vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định kết nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng. KCN Dệt may Rạng Đông tiếp giáp với Biển Đông, thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, khoảng cách đường biển từ Cảng biển Hải Thịnh (sát KCN) tới cảng Hải Phòng khoảng 100km. Ngoài lợi thế về vị trí địa lý, Nghĩa Hưng là một huyện đông dân và có truyền thống hiếu học, năm 2016 dân số đạt khoảng 190 nghìn người, chiếm khoảng 10% dân số toàn tỉnh, tỷ lệ lao động chiếm 61,8% tổng dân số, trong đó lao động nông - lâm - ngư nghiệp là 72,21%, lao động công nghiệp - xây dựng: 14,33%, lĩnh vực dịch vụ chiếm: 13,46%, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 39,8%. Huyện Nghĩa Hưng nói riêng và toàn tỉnh nói chung có lợi thế nguồn nhân lực phong phú, là tiềm năng phát triển nhân lực có chất lượng cao. 
 
Xác định đây là một trong những dự án trọng điểm có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội nên tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, cụ thể, tập trung đôn đốc các ngành, các cấp nỗ lực cao nhất giải quyết các công việc liên quan đến dự án. Ngay sau khi Thường trực Tỉnh ủy nhất trí chủ trương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ bổ sung KCN Dệt may Rạng Đông vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Ngày 24-11-2014, tại văn bản số 2343/TTg-KTN, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung KCN Dệt may Rạng Đông vào Quy hoạch phát triển các KCN với tổng diện tích hơn 2.000ha, dự kiến phát triển qua 3 giai đoạn, giai đoạn 1 (từ 2015-2017) 520ha, giai đoạn 2 (từ 2021-2025) 850ha, giai đoạn 3 (từ 2026-2030) 675ha. Ngay sau đó công tác triển khai dự án đã được tỉnh tập trung chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, khẩn trương. Quy hoạch chung xây dựng KCN tỷ lệ 1/10.000; Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông tỷ lệ 1/2.000 lần lượt được phê duyệt. Ngày 30-6-2015 UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận cho Cty CP Đầu tư Vinatex làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông, kêu gọi đầu tư với định hướng xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông thành khu liên hợp dệt may công nghệ cao, khép kín từ khâu sản xuất sợi, dệt, nhuộm, nguyên phụ liệu ngành may đến hoàn tất sản phẩm. Ngày 13-11-2015 Bộ TN và MT đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN. Tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng KCN là trên 4.628 tỷ 842 triệu đồng. Chủ đầu tư xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh, chính quyền địa phương triển khai thực hiện dự án. Đến nay đã cơ bản hoàn thiện công tác GPMB, chủ đầu tư đã chuyển tiền đền bù GPMB cho Hội đồng GPMB huyện là 232 tỷ đồng, đạt gần 100% tổng kinh phí dự kiến (hiện còn khoảng 7ha do Cty CP Xây dựng đô thị Nam Định đang quản lý là chưa GPMB được); đồng thời tiến hành rà phá bom mìn, khảo sát địa chất, thiết kế trên thực địa các diện tích mặt bằng đã có... Ngày 18-4-2017 chủ đầu tư sẽ tổ chức lễ khởi công xây dựng các hạng mục của dự án đầu tư “Xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông”.
Mô hình quy hoạch chi tiết KCN Dệt may Rạng Đông.
Mô hình quy hoạch chi tiết KCN Dệt may Rạng Đông.
Để sớm đưa hạ tầng KCN vào khai thác, chủ đầu tư sẽ tiến hành đồng thời việc thi công hạ tầng kết hợp với kêu gọi đầu tư. Trong đó, từ nay đến hết năm 2018 sẽ hoàn thành hạ tầng được khoảng 300ha, với các hạng mục san lấp mặt bằng, tường bao, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước... Từ năm 2018 đến 2021 hoàn thành nốt phần mặt bằng gần 300ha còn lại. 
 
Đến nay, do bối cảnh thế giới có những biến đổi so với định hướng khi thành lập KCN, như: nước Anh rời khỏi EU, nước Mỹ rút khỏi TPP, làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dệt may trong nước có dấu hiệu chững lại, ngành kéo sợi gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, đơn hàng may mặc giảm cả về số lượng lẫn đơn giá nên trong công tác thu hút nhà đầu tư thứ cấp, một mặt vẫn đảm bảo định hướng xây dựng một khu liên hợp dệt may công nghệ cao khép kín từ sản xuất sợi, dệt, nhuộm, nguyên phụ liệu ngành may đến hoàn tất sản phẩm ngành dệt may, da giầy và phụ liệu, chủ đầu tư cũng tập trung rà soát, tính toán lại tỷ trọng cơ cấu ngành nghề trong quy hoạch xây dựng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư tại KCN, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Sau khi khởi công, chủ đầu tư sẽ tập trung nguồn lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, dịch vụ đồng bộ, tiện ích bảo đảm chất lượng vận hành và môi trường đầu tư đạt quy chuẩn nhằm đạt được mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng một KCN hiện đại tầm quốc gia và quốc tế với kết cấu hạ tầng đồng bộ, môi trường không gian và kiến trúc cảnh quan phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch không gian khu vực, góp phần thực hiện có hiệu quả và bền vững quy hoạch phát triển các KCN trên cả nước nói chung và quy hoạch các KCN tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035. KCN Dệt may Rạng Đông sẽ tồn tại từ 50-100 năm nên vấn đề tác động môi trường do hoạt động của KCN cũng được chủ đầu tư đặc biệt chú ý. Đối với vấn đề nước thải, KCN Dệt may Rạng Đông áp dụng mô hình xử lý tập trung, trong đó các nhà máy sẽ xử lý nước thải của đơn vị sơ bộ bằng hệ thống của mình, sau đó đổ vào hệ thống xử lý của nhà máy xử lý nước thải lớn, công suất 110 nghìn m3/ngày đêm của KCN. Hệ thống ống dẫn từ các nhà máy đến khu vực xử lý tập trung được làm bằng ống gang đúc đặt nổi trên mặt đất chứ không đặt ngầm, bảo đảm minh bạch hoạt động xả thải và kịp thời phát hiện các vị trí thẩm lậu, rò rỉ ra môi trường. Các tiêu chuẩn xả thải của KCN đáp ứng yêu cầu của Bộ TN và MT cũng như tiệm cận với thông lệ ở các nước Nhật Bản, Xinh-ga-po, bảo đảm nguồn nước xả thải ra môi trường luôn đạt ở mức A. Về xử lý chất thải rắn, nhà đầu tư dự kiến xây dựng nhà máy đốt rác công suất từ 20-30 tấn/ngày đêm, xử lý triệt để nguồn rác thải công nghiệp và rác sinh hoạt của KCN... 
 
Khi dự án đi vào hoạt động được kỳ vọng giải quyết việc làm cho khoảng 6 vạn lao động, giá trị sản xuất, kinh doanh hằng năm trên 2,5 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 100 triệu USD/năm. Dự án được xem là một giải pháp đột phá thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân; hệ thống hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội được hoàn thiện; tạo cơ hội để tỉnh trở thành một trong những trung tâm dệt may thời trang của cả nước; đồng thời góp phần tạo thế cạnh tranh thương mại trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của tỉnh./.
 
Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com