Với bản tính cần cù, chịu khó và năng động, có được nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) kịp thời để phát triển kinh tế, chị Nguyễn Thị Mận ở thôn Cổ Chất 1, xã Phương Định (Trực Ninh) đã đưa gia đình thoát khỏi diện hộ nghèo, rồi cận nghèo, nuôi được 2 con học cao đẳng và đại học. Kể về thời gian khó khăn nhất của gia đình, chị Mận cho biết: Với suy nghĩ dù nghèo nhưng không để các con mình thất học. Trước đây dù mọi nguồn thu của gia đình chị chỉ trông vào cây lúa nhưng vợ chồng chị vẫn cố gắng cho các con ăn học đầy đủ. Và, các con đã không phụ công cha mẹ lần lượt thi đỗ vào các trường cao đẳng và đại học. Vì thế nên cuộc sống gia đình chị luôn trong cảnh thiếu thốn và thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2012, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ xã, chị đã làm đơn vay vốn chương trình hộ nghèo, rồi chương trình học sinh, sinh viên (HSSV) của Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh để trang trải chi phí học tập cho 2 con tại Hà Nội và Thành phố Nam Định. Tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) của thôn, chị Mận thường xuyên có mặt tại các buổi sinh hoạt và được nhiều thành viên trong tổ chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, được cán bộ chi Hội Phụ nữ thôn và tổ TK và VV trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Đến cuối năm 2015, chị tiếp tục mạnh dạn làm đơn xin vay Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh 35 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo để đầu tư phát triển nghề dệt. Có vốn, chị đầu tư mua mô tơ, máy đánh suốt, khung dệt để cải tạo, nâng cấp các khung dệt thủ công thành khung dệt máy để giảm bớt lao động chân tay nặng nhọc, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, gia đình chị đang có 6 khung dệt máy chuyên dệt các loại gạc y tế. Nhờ tập trung phát triển ngành nghề, trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị có thu nhập 50-60 triệu đồng; các con chị đã ra trường và bắt đầu đi làm, chị đã trả món vay hộ nghèo đúng hạn và đang trả dần các món vay HSSV. Bên cạnh việc chấp hành tốt nghĩa vụ trả nợ, chị còn là thành viên tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tại tổ TK và VV, mỗi tháng chị đều gửi tiết kiệm từ 20-50 nghìn đồng. Chị Mận cho biết: Hình thức huy động tiết kiệm qua tổ TK và VV của Ngân hàng CSXH huyện rất phù hợp với thu nhập của chúng tôi, tạo thói quen tiết kiệm cho người nghèo và giúp chúng tôi có khoản tích lũy để trả nợ ngân hàng. Cuộc sống của gia đình chị Mận đang từng ngày khá giả hơn trước. Anh chị vừa xây được ngôi nhà mái bằng kiên cố rộng hơn 60m
2.
|
Được Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh tiếp vốn đầu tư phát triển nghề dệt, giờ đây cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Mận ở xã Phương Định đã khá hơn nhiều. |
Không chỉ riêng gia đình chị Mận ở xã Phương Định được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách mà nhiều gia đình hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở 21 xã, thị trấn trong huyện cũng đã được Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh “tiếp sức” bằng nguồn vốn ưu đãi để vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng chí Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh cho biết: Tính đến giữa tháng 3-2017, Ngân hàng CSXH huyện đang triển khai thực hiện 10 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ gần 260 tỷ đồng. Một số chương trình có dư nợ lớn như: chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường gần 84 tỷ đồng; hộ nghèo gần 46 tỷ đồng; HSSV gần 40 tỷ đồng… Đặc biệt, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đang được Ngân hàng CSXH huyện tích cực triển khai với tổng dư nợ là 20 tỷ 930 triệu đồng, bằng 98% kế hoạch của cả năm nay. Thực hiện chuẩn nghèo theo tiêu chí mới, Ngân hàng CSXH huyện đã chỉ đạo 415 tổ TK và VV họp bình xét cho vay dân chủ, công khai trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo điều tra và được UBND các cấp phê duyệt nên nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, người được vay vốn sử dụng đúng mục đích đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Ngân hàng CSXH huyện đã chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể chính trị nhận ủy thác, gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên xuống tận các hộ được vay vốn kiểm tra mục đích sử dụng vốn. Chỉ đạo các tổ TK và VV phân công cán bộ trực tiếp xuống các hộ gia đình đôn đốc, động viên và hướng dẫn các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Thực hiện kiện toàn, ký lại hợp đồng uỷ nhiệm với ban quản lý tổ mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn cho vay và nâng cao năng lực hoạt động của tổ TK và VV. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc chấp hành các quy định cho vay của các hộ vay vốn. Phối kết hợp kiểm tra việc sinh hoạt định kỳ của các tổ TK và VV, phân công cán bộ tham gia sinh hoạt với tổ TK và VV để tuyên truyền cho hộ vay và nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về các chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai. Thường xuyên phối hợp với tổ trưởng các tổ TK và VV đối chiếu dư nợ của tất cả số hộ vay vốn theo quy định. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ hội, đoàn thể nhận uỷ thác, tổ trưởng tổ TK và VV về công tác kiểm tra, kiểm soát; công tác quản lý tổ TK và VV… Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giao ban giữa Ngân hàng CSXH huyện với các hội nhận uỷ thác, tổ trưởng tổ TK và VV theo định kỳ để phát hiện những tồn tại, kịp thời khắc phục những yếu kém, hạn chế rủi ro ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn nguồn vốn vay.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh sẽ tiếp tục chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ tín dụng… phấn đấu bảo đảm tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trong danh sách và các đối tượng chính sách khác thuộc đối tượng thụ hưởng theo quy định có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đều được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, kế hoạch tài chính hằng năm, góp phần giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện./.
Bài và ảnh:
Phạm Văn Đại