Triển khai thực hiện bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động xây dựng

07:04, 21/04/2017
Với đặc thù của ngành Xây dựng, hoạt động thi công xây dựng luôn tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro liên quan tới tính mạng con người, gây thiệt hại về tài sản của chủ đầu tư và tài sản của bên thứ ba… Do đó, quy định bắt buộc mua bảo hiểm trong hoạt động xây dựng là cần thiết, góp phần đảm bảo khả năng khắc phục sự cố trong thi công, giảm thiệt hại cho người sử dụng công trình cũng như chủ đầu tư.
 
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, ngay từ khi Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13-11-2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động xây dựng được ban hành, các chủ đầu tư, doanh nghiệp thi công xây dựng, người lao động đã từng bước nâng cao được nhận thức và chủ động tiếp cận với các doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của mình trong hoạt động xây dựng. Hầu hết các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước qua công tác thẩm tra, thẩm định của Sở Xây dựng đều được yêu cầu bổ sung chi phí bảo hiểm xây dựng. Đồng chí Trương Văn Thường, Trưởng Phòng Quản lý hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết: “Việc mua bảo hiểm cho các công trình xây dựng, cho công việc khảo sát, thiết kế xây dựng và cho người lao động là vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản cũng như người lao động trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Do đó, thời gian qua, các chủ đầu tư đã quan tâm tiếp cận với loại hình bảo hiểm này”. Tiêu biểu là dự án xây dựng hạ tầng trạm thông tin di động phủ sóng biển, đảo khu vực Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) thuộc nhóm C có quy mô cấp 2; trong đó có nhiều hạng mục công trình như xây dựng mới cột ăng-ten tự đứng cao 99m, nhà trạm, cầu cáp ngoài nhà, hệ thống tiếp đất và chống sét cho cột ăng-ten, nhà trạm; tuyến truyền dẫn cáp quang và trang thiết bị phụ trợ khác: máy phát điện, ổn áp, điều hòa, cắt lọc sét… Tổng mức đầu tư dự án qua thẩm định của Sở Xây dựng là 12 tỷ 597 triệu đồng. Đơn vị tư vấn thiết kế là Cty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng An Thành. Chi phí bảo hiểm công trình là hơn 24 triệu đồng. Dự án xây dựng trụ sở BHXH huyện Ý Yên tại Thị trấn Lâm với tổng mức đầu 18 tỷ 435 triệu đồng do Cty CP Tư vấn Thiết kế dân dụng và công nghiệp Việt Nam. Chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị tư vấn đưa chi phí bảo hiểm công trình vào danh mục các chi phí khác với tổng số tiền phí bảo hiểm hơn 25 triệu đồng. Ngoài ra, một số công trình dân dụng như trường học, trạm y tế, khu thể thao đa năng cũng được các chủ đầu tư quan tâm yêu cầu đơn vị tư vấn bổ sung vào chi phí bảo hiểm trong dự toán công trình, kể cả các công trình cấp 3, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại khi sự cố về công trình xảy ra. Như dự án xây dựng nhà đa năng, nhà công vụ và các hạng mục phụ trợ Trường THPT Nguyễn Trãi ở xã Trực Hưng (Trực Ninh) thuộc loại công trình dân dụng cấp 3 với tổng mức dự toán là 13 tỷ 773 triệu đồng, trong đó chi phí bảo hiểm công trình là 23 triệu đồng. Dự án xây dựng nhà đa năng, nhà công vụ và các hạng mục phụ trợ Trường THPT Hoàng Văn Thụ ở xã Trung Thành (Vụ Bản) cũng được nhà thầu tư vấn thiết kế là Cty CP Quản lý thương mại Thăng Long bổ sung chi phí bảo hiểm hơn 22 triệu đồng vào giá trị dự toán công trình mặc dù đây là hạng mục công trình dân dụng cấp 3. 
Thực hiện mua bảo hiểm công trình sẽ giúp các chủ đầu tư giảm thiểu các rủi ro khi thiên tai, sự cố công trình xảy ra.  (Trong ảnh: Dự án Nam Định Tower trên đường Điện Biên, TP Nam Định).
Thực hiện mua bảo hiểm công trình sẽ giúp các chủ đầu tư giảm thiểu các rủi ro khi thiên tai, sự cố công trình xảy ra. (Trong ảnh: Dự án Nam Định Tower trên đường Điện Biên, TP Nam Định).
Chính vì thế, Thông tư số 329/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ 1-3-2017 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP của Chính phủ với các hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn, góp phần nâng cao ý thức thực hiện quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng của chủ đầu tư xây dựng, nhà thầu thi công; nhà thầu tư vấn; người lao động thi công trên công trường trong hoạt động xây dựng. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần huy động các nguồn lực tài chính để bảo vệ về tài chính cho các chủ đầu tư trong trường hợp các công trình gặp rủi ro lớn. Nổi bật là tính pháp lý bắt buộc chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp. Nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên. Nhà thầu thi công xây dựng mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường. Thông tư cũng đã quy định cụ thể các biểu phí bảo hiểm, phụ phí bảo hiểm, mức khấu trừ bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng của từng loại công trình gắn với vị trí địa điểm xây dựng và các yếu tố để đánh giá mức độ rủi ro của công trình để tính thêm phụ phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) của giá trị hợp đồng tư vấn. Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với công trình trong thời gian xây dựng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, kể cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có). Đối với người lao động thi công trên công trường, mức tiền bảo hiểm phụ thuộc vào tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Trong đó, trường hợp chết hoặc suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên được bồi thường 100 triệu đồng. Trường hợp mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5-80% được bồi thường theo hình thức 100 triệu đồng nhân với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Những trường hợp suy giảm khả năng lao động không được liệt kê trong Bảng trả tiền bồi thường bảo hiểm này sẽ được bồi thường theo tỷ lệ trên cơ sở so sánh tính nghiêm trọng của nó với những trường hợp khác có trong Bảng trả tiền bồi thường bảo hiểm. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không xác định được tỷ lệ suy giảm khả năng lao động, việc bồi thường sẽ được căn cứ vào kết luận của Hội đồng Giám định y khoa. Trường hợp có sự khác biệt giữa tỷ lệ suy giảm khả năng lao động quy định và kết luận của Hội đồng Giám định y khoa thì lấy theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động lớn hơn. Thời hạn bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật. 
 
Tới đây, Sở Xây dựng sẽ chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định về việc mua bảo hiểm công trình xây dựng, kiểm tra đôn đốc đối với các loại bảo hiểm bắt buộc. Nghiên cứu điều chỉnh quy định thủ tục cấp phép xây dựng, đưa nội dung mua bảo hiểm công trình bắt buộc vào hồ sơ; nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về tầm quan trọng của mua bảo hiểm công trình xây dựng phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành các quy định chế tài xử phạt đối với chủ đầu tư không mua bảo hiểm bắt buộc. Các Cty bảo hiểm cần đẩy mạnh tuyên truyền về các dịch vụ bảo hiểm công trình xây dựng, đổi mới thủ tục, phương pháp giải quyết chế độ bảo hiểm khi có sự cố, tạo thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp thi công xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền lợi về bảo hiểm cho người lao động./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com