Đầu tháng 4, khi phố phường thỉnh thoảng vẫn còn chịu những cơn “rét ngọt” của mùa xuân, những bông hoa loa kèn đã nở bung sắc trắng tinh khôi. Mùa hoa loa kèn đã vào chính vụ, người trồng hoa phấn khởi thu hoạch sau những tháng ngày miệt mài chăm sóc, nâng niu từng khóm hoa trên cánh đồng.
Bà Trần Thị Chiêm, xóm Cộng Hòa, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Bà Chiêm kể: đến nay gia đình tôi cũng có ngót vài chục năm trồng hoa. Từ cúc, ly đến rơn, đồng tiền… đều từng thử qua hết. 7 năm trở lại đây, chúng tôi chuyển sang trồng hoa loa kèn, phần nhiều là các giống kèn “tây” Hà Lan, kèn Tàu. Để trồng giống hoa này, gia đình tôi đã phải đi học hỏi kinh nghiệm ở các vùng trồng hoa như ven biển của Hải Hậu rồi đến Nam Phong, Nam Vân (TP Nam Định), Điền Xá (Nam Trực). Gia đình tôi cũng là một trong những hộ trồng hoa kèn “tây” sớm nhất ở Mỹ Tân. Hiện, gia đình bà Chiêm có khoảng 2 sào hoa loa kèn. Tháng 4 loa kèn nở cũng là lúc các nhà vườn như gia đình bà Chiêm bắt đầu thu hoạch. Thu hoạch xong, tất cả các giống kèn đều được gia đình bà giữ lại đến tháng 7 mới đào lên, chuẩn bị cho mùa vụ năm sau. Để có một mùa hoa bội thu, theo bà Chiêm công đoạn chọn giống rất quan trọng, thậm chí có tính chất quyết định. Nếu giống tốt và được trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc đúng cách, một củ giống sẽ cho tới 15-17 hoa. Do củ hoa loa kèn không chịu được nước, rất dễ thối, vì thế bà Chiêm không để quá lâu trong đất. Khi bảo quản củ giống tại đất vườn, cách khoảng 15-20 ngày bà Chiêm lại đảo một lần để loại bỏ những củ nhỏ, củ thối.
Bà Trần Thị Chiêm, xóm Cộng Hòa, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) chăm sóc ruộng hoa loa kèn. |
Khi trồng hoa, gia đình bà Chiêm rất cẩn trọng trong khâu làm đất, thường chọn những mảnh ruộng có chất đất tơi xốp, nhiều bùn, độ ẩm cao để trồng. Trước khi trồng, đất phải được cày bừa đập vỡ khoảng 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 5-7 ngày. Sau đó, chủ nhà vườn lên luống cao, mặt luống được làm thật phẳng, sẻ rãnh để dễ thoát nước. Do đặc điểm của cây hoa là không chịu được nước nên người trồng phải rất chú ý đến việc thoát nước cho cây. Sau đó gia đình bà Chiêm tiến hành bón phân cho đất trước khi bắt đầu mùa vụ mới và bắt tay vào trồng hoa. Các giống kèn thường được trồng vào khoảng tháng 10 và tháng 11 khi tiết trời đã vào cuối thu, khí trời mát dịu. Bà Chiêm đặt củ loa kèn giống vào rãnh theo tỷ lệ, hàng cách hàng 45cm, củ cách củ 30cm rồi lấp đất sâu vừa phải 4-5cm. Khi trồng, bà Chiêm chú ý không lấp đất quá dầy, tránh cây khó mọc. Từ khi ươm củ cho đến khi cây mọc phải mất thời gian từ 45-48 ngày. Để tránh cỏ mọc xung quanh cây loa kèn, chủ nhà còn cẩn thận phủ 1 lớp rạ mỏng, vừa hạn chế cỏ vừa che phủ giữ độ ẩm cho đất. Mặc dù sâu hại hoa loa kèn thường ít xảy ra thành dịch, xong khi trồng gia đình bà Chiêm cũng rất quan tâm đến cách phòng bệnh cho hoa. Phát hiện trường hợp lá bị sọc vàng gân lá, bà xới lại gốc, phun thuốc… Chăm sóc vườn hoa một cách khoa học, ruộng loa kèn của gia đình bà Chiêm cho năng suất bông khá cao. Với gần 2 sào hoa, tính đến thời điểm hiện tại, bà Chiêm đã bán được hơn 2 vạn bông. “Đến cuối vụ, tôi ước chừng cũng thu hoạch được trên 3 vạn hoa. Vào đầu vụ, thương lái đến tận vườn trả 1.500 đồng/bông, trung bình 1 cành hoa có 4 bông. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá hoa giảm xuống chỉ còn 1.300 đồng/bông do thương lái nhập kèn ồ ạt từ Hà Nội về gây khó khăn chút ít cho người trồng hoa chúng tôi”, bà Chiêm vui vẻ cho biết. Cũng theo bà Chiêm, dù giá hoa kèn có dao động chút ít nhưng bởi vì đây là loại hoa thời vụ được nhiều người yêu thích nên người mua rất nhiều. Hầu hết lượng hoa bán ra chỉ để phục vụ nhu cầu trong tỉnh là chủ yếu. Vào đợt kèn nở rộ, “ưu ái” lắm các nhà vườn mới chuyển hàng đi ít nhiều vào các tỉnh như Thanh Hóa, Thái Bình hoặc Ninh Bình. Hoa nở đến đâu, thương lái trong tỉnh đã xuống lấy đến đó. Hoặc, chỉ cần các bà, các chị, các mẹ chiều chiều chất kèn lên xe thong dong vào phố, đứng ở góc đường, góc chợ, những bông kèn vẫn thu hút được khách. Do đó, theo ước tính của bà Chiêm, tuy thời gian trồng hoa loa kèn kéo dài nhưng so với trồng cúc, hoa kèn vẫn được giá, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Với giá bán như hiện nay, 2 sào kèn của gia đình bà Chiêm cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng, đặc biệt giá kèn Tây thường được thương lái “ưu ái” hơn kèn ta do chất lượng bông trội hơn, hoa to hơn. Ngoài bán phần “ngọn”, các nhà vườn còn tận thu được hoa kèn bằng cách bán phần củ giống. Giá mỗi cân củ kèn hiện được các chủ vườn bán với giá dao động từ 35-50 nghìn đồng. Để khai thác tối đa hiệu quả kinh tế của ruộng hoa loa kèn, một số hộ gia đình trồng kèn ở Mỹ Tân còn tận dụng các luống kèn để cấy thêm các loại rau sạch như xà lách, rau muống… phục vụ nhu cầu ăn hằng ngày, bán buôn cũng như hạn chế cỏ dại mọc. Đặc biệt, một số nhà vườn ở Mỹ Tân đang tiến hành thử nghiệm trồng các loại hoa kèn trái mùa, chủ yếu là các giống kèn tây để nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập. Từ hiệu quả kinh tế của cây hoa loa kèn nhiều nhà vườn ở Mỹ Tân đang tập trung trồng giống hoa này, tập trung ở các xóm Cộng Hòa, Đoàn Kết, Liên Minh… Nhà nhiều thì trồng 3-4 sào, nhà ít cũng trồng khoảng 1 sào. Một số hộ gia đình trồng kèn nhiều ở Mỹ Tân có thể kể đến như hộ gia đình các anh: Tuấn Chanh, Viên Việm, Viên Dinh…
Tháng 4, khi các con đường, ngõ phố đều len lỏi những xe, những gánh hoa kèn nở bung trắng muốt, người đi đường ngắm nhìn cũng cảm thấy có chút nhẹ nhàng, thanh tao hơn. Sau mỗi sáng vội vã đi học, đi làm, bươn chải mưu sinh, lòng người có chút “tĩnh” trước sắc trắng tinh khôi, mùi thơm nhẹ nhàng, nồng ấm của hoa loa kèn. Báo hiệu một mùa hè rực rỡ bắt đầu, sắc trắng hoa kèn vì thế có thể làm dịu mát phố phường, tâm hồn mỗi người. Riêng đối với những người trồng hoa, đó còn là tháng của một loại cây “sinh lời” cho no ấm bội thu./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân