Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong tháng 5-2017; từ thực trạng công tác ATVSLĐ và tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, ngành Xây dựng tỉnh đang tích cực chuẩn bị kế hoạch tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Qua các báo cáo tổng hợp, phân tích của cơ quan chuyên môn về tai nạn lao động thường gặp trong những năm qua trên các công trường xây dựng cho thấy, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn lao động là do người lao động không được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng bảo đảm ATVSLĐ trong công việc. Công tác huấn luyện ATVSLĐ không chỉ cung cấp các lý thuyết về ATVSLĐ mà cần chú trọng vào việc huấn luyện thực hành, huấn luyện các kỹ năng tự đánh giá rủi ro, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động. Đó chính là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhằm phòng ngừa và hạn chế các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra. Với ý nghĩa đó, Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất năm 2017 có chủ đề là “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”.
Công đoàn ngành Xây dựng đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm tăng cường kiến thức về ATVSLĐ cho người lao động gắn với chủ đề hoạt động công đoàn năm 2017 “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn”. Trong đó, tập trung rà soát, củng cố và kiện toàn hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ như Hội đồng ATVSLĐ, mạng lưới an toàn vệ sinh viên của các Cty và các đơn vị thành viên, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng phù hợp với quy định hiện hành; rà soát, bổ sung các quy định, quy trình, biện pháp kỹ thuật đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, các quy định về quản lý, sử dụng đối với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong sản xuất và thi công xây dựng. Rà soát, xây dựng kế hoạch, đề xuất các chỉ tiêu về ATVSLĐ trong tháng cao điểm và tổ chức huấn luyện đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho các nhóm đối tượng cần phải huấn luyện, người lao động theo quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động. Tiến hành phối hợp với các cấp, ngành tổ chức cho người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ tham dự khóa huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động có kiểm tra, sát hạch và cấp chứng chỉ, chứng nhận do tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ thực hiện. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ như tổ chức hội thi tìm hiểu về ATVSLĐ; hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi, tổ chức tọa đàm, đối thoại chính sách, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ và có nhiều hình thức phong phú, sinh động trong công tác tuyên truyền như treo pa nô, băng rôn, khẩu hiệu tại cơ quan, doanh nghiệp, trong các phân xưởng sản xuất. Tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng làm việc đảm bảo ATVSLĐ, tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ cho người lao động; tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác ATVSLĐ trong các phân xưởng, tổ đội sản xuất; biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATVSLĐ và các hoạt động khác phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị mang ý nghĩa thiết thực, tránh hình thức, lãng phí. Tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe người lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân viên hoặc gia đình có người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
|
Hướng dẫn biển cảnh báo về ATVSLĐ cho công nhân tại công trường xây dựng Bệnh viện Mắt tỉnh Nam Định (TP Nam Định). |
Là đơn vị chuyên sản xuất tấm lợp phi-brô xi măng lớn tại tỉnh ta, những năm qua, bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, Cty CP Bạch Đằng Nam Định luôn quan tâm, chú trọng đến công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường vì sức khỏe của người lao động cũng như cộng đồng dân cư trên địa bàn xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc). Thời gian qua, Cty đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như quan tâm đến công tác tuyên truyền, huấn luyện đối với người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt là công nhân mới được tuyển dụng, nhóm lao động làm việc nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn của các thiết bị máy móc, kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy trình làm việc an toàn của người lao động, nâng cao chất lượng đội ngũ an toàn vệ sinh viên kết hợp hoàn thiện tiêu chuẩn hệ thống đánh giá, giám sát môi trường trong và xung quanh khu vực sản xuất, thực hiện tốt hệ thống quản lý chất lượng về môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015. Hiện nay, Cty đã có mạng lưới 15 thành viên an toàn vệ sinh viên là lực lượng nòng cốt trong hoạt động ATVSLĐ ở nơi sản xuất, trực tiếp giám sát, phát hiện, ngăn ngừa và triệt tiêu các nguy cơ, sự cố mất an toàn lao động ngay từ khi mới phát sinh. Cty đã trang bị 1 xe rửa đường chuyên dùng, 50 bình chữa cháy các loại được bố trí tại các điểm có nguy cơ cháy nổ cao, 5 trụ nước. Cty cũng đã xây dựng và được phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy, lực lượng chữa cháy được huấn luyện và thực tập phương án chữa cháy định kỳ, đủ kiến thức và kinh nghiệm xử lý khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Đồng chí Phạm Khắc Thiện, Chủ tịch Công đoàn Cty khẳng định: “Với chúng tôi, xây dựng môi trường xanh, lối sống xanh kết hợp với bảo đảm ATVSLĐ phải bắt đầu từ những hành động đơn giản, thiết thực nhất. Vì thế, điều cốt yếu là phải xây dựng ý thức tự giác cá nhân bằng cách tuyên truyền, vận động để mọi cán bộ, công nhân lao động chung tay hành động, nhận thức bảo vệ môi trường, chú ý giữ gìn ATVSLĐ chung bởi đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi cá nhân”.
Với việc chủ động xây dựng đầy đủ các giải pháp đồng bộ hướng đến phát động phong trào ATVSLĐ trong tháng 5 cho cả người sử dụng lao động và người lao động, chắc chắn ngành Xây dựng sẽ đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật về an toàn lao động cho người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội; thay đổi hành vi của người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ tại các công trình xây dựng, một môi trường lao động tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn