Để nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, Luật Đất đai 2013 đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; quy định xử lý trách nhiệm của người thực thi công vụ vi phạm pháp luật đất đai và người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra vi phạm pháp luật đất đai. Thời gian qua, bên cạnh các quy định của pháp luật, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, định hướng cho phòng, chống vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai. Đặc biệt ngày 17-7-2012 BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh; trong đó quy định rõ người đứng đầu các địa phương, đơn vị để xảy ra các vi phạm về đất đai sẽ bị xử lý.
Nhờ tăng cường quản lý theo Luật Đất đai và thực hiện Nghị quyết số 17 của Tỉnh ủy nên những năm qua, việc xử lý vi phạm hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực; đưa đất đai vào sử dụng ngày một đúng pháp luật, hiệu quả, tiết kiệm; người sử dụng đất gắn bó với đất hơn và sử dụng đất hiệu quả hơn; dành được nhiều đất hơn để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các KCN, CCN, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng vi phạm đất đai xảy ra nhiều nhưng xử lý ít, thậm chí không được tập trung xử lý kiên quyết, dứt điểm. Đáng quan ngại hơn là tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm trong xử lý vi phạm đất đai. Tại nhiều cấp chính quyền thường chỉ dùng văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở thay cho việc xử phạt theo quy định để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý cũng như tăng tính răn đe. Một số cấp ủy, chính quyền chưa chú trọng chỉ đạo kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Chất lượng một số cuộc kiểm tra chưa cao, còn nể nang, né tránh khuyết điểm, sai phạm, chưa xử lý nghiêm túc người đứng đầu tổ chức Đảng và chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo giải quyết từ ban đầu dẫn đến vi phạm lấn chiếm đất đai diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, liên tục tái diễn, phát sinh vi phạm mới, làm “nhờn” pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ còn yếu kém về trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý dẫn đến tình trạng một số vụ việc phức tạp chưa được giải quyết triệt để do cán bộ không nắm chắc quy định của pháp luật để xử lý. Thậm chí có cấp ủy biết sai nhưng cố tình làm trái nguyên tắc, Điều lệ Đảng, trái thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhằm trục lợi.
|
Cán bộ xã Mỹ Xá (TP Nam Định) rà soát quy hoạch sử dụng đất đai. |
Để nâng cao trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm về đất đai của các cấp chính quyền, các địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra vi phạm pháp luật đất đai, mới đây tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy định thuộc thẩm quyền về quản lý đất đai và xử lý vi phạm hành chính đối với cán bộ quản lý về đất đai. Ngành TN và MT và các địa phương đã chú trọng chỉ đạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận, phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý đất đai, đặc biệt là cán bộ địa chính cấp xã, gắn tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ ứng xử, tiếp xúc khi giải quyết công việc với nhân dân, doanh nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm hành chính về đất đai. Ngày 21-3-2017 UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 179/UBND-VP3 yêu cầu các địa phương và Sở TN và MT tập trung xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai, đặc biệt là các trường hợp vi phạm mới phát sinh sau Nghị quyết số 17. Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương để xảy ra sai phạm mới, không ngăn chặn, xử lý kịp thời thì phải xử lý nghiêm cán bộ sai phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; giao Sở TN và MT phối hợp, hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện đúng quy định. Thường xuyên nắm bắt kịp thời tiến độ xử lý các vi phạm mới phát sinh sau Nghị quyết 17 và tiến độ lập phương án xử lý các trường hợp sử dụng đất không hợp pháp trên địa bàn các huyện, thành phố để báo cáo UBND tỉnh, nhất là xử lý nghiêm đối với những trường hợp phát sinh từ ngày 1-7-2014 khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành và kết quả xử lý từng trường hợp. Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm mới; kiên quyết không lập phương án xử lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp vi phạm về đất đai từ sau ngày ban hành Nghị quyết 17-NQ/TU; đồng thời lập phương án xử lý xong các trường hợp này trong năm 2017. Đẩy nhanh tiến độ phân loại, lập, phê duyệt phương án xử lý các trường hợp vi phạm theo Nghị quyết số 17 còn tồn đọng, chưa xử lý, tập trung xử lý các trường hợp giao đất trái thẩm quyền. Rà soát, báo cáo cụ thể những vướng mắc trong quá trình lập phương án xử lý như: đất được giao không đúng thẩm quyền, mất phiếu thu tiền hoặc phiếu thu không ghi rõ nội dung tiền đất; đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình, quy hoạch... để tổng hợp, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo Bộ TN và MT, Thủ tướng Chính phủ. Tại huyện Nam Trực, Huyện ủy đã triển khai 5 Chương trình giám sát chuyên đề đối với các tổ chức Đảng trực thuộc về thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU; chỉ đạo UBND huyện tổ chức 10 cuộc thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai tại một số xã, thị trấn; triển khai kiểm tra chuyên đề về việc lãnh đạo, chỉ đạo tham mưu xử lý các vi phạm về đất đai đối với chi bộ Phòng TN và MT huyện. Qua kiểm tra kết luận và yêu cầu chi bộ Phòng TN và MT huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra các giải pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các vi phạm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các đồng chí huyện ủy viên phụ trách xã, thị trấn tiến hành giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý đất đai; đã thống kê, rà soát có 160 trường hợp vi phạm mới phát sinh tại 15 xã, thị trấn; đã xử lý buộc khôi phục lại hiện trạng đất đai như trước khi vi phạm 117 trường hợp, đang xử lý 49 trường hợp tại xã Điền Xá và Thị trấn Nam Giang. Ban thường vụ huyện ủy chỉ đạo HĐND huyện giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở 5 xã: Tân Thịnh, Nam Cường, Nam Hoa, Đồng Sơn, Nam Hải. Đã tiến hành kiểm tra và thi hành kỷ luật 2 chi bộ bằng hình thức cảnh cáo, xử lý 7 đảng viên bằng các hình thức khai trừ, cảnh cáo và khiển trách. Với các biện pháp quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý vi phạm, công tác quản lý đất đai huyện Nam Trực cũng như trên toàn tỉnh đã dần khắc phục nhiều vi phạm cũ, ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý kịp thời nhiều vi phạm mới phát sinh; từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất.
Thời gian tới, ngành TN và MT sẽ tăng cường tuyên truyền để đội ngũ cán bộ các cấp chính quyền các địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức quán triệt: người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Các cấp chính quyền cũng tăng cường tuyên truyền về quy định, trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý đất đai của cấp mình./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy