Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, những năm qua, hệ thống Khuyến nông tỉnh luôn bám sát chiến lược của ngành và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Nhiều mô hình tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao được đưa vào khảo nghiệm và nhân rộng góp phần nâng cao đời sống nông dân, tạo diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
|
Mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản an toàn sinh học tại xã Hợp Hưng (Vụ Bản). |
Xây dựng các mô hình sản xuất mới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống Khuyến nông tỉnh, giúp hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất mới. Để góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, hằng năm, hệ thống Khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở tổ chức khoảng 300 lớp tập huấn cho trên 20 nghìn lượt người tham gia về chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Qua các lớp tập huấn giúp nông dân tiếp thu, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng trừ dịch bệnh gây hại và sản xuất có hiệu quả. Tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ về cây lúa, sử dụng phân bón mô hình, rau màu, nuôi thỏ… tại các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Vụ Bản và Ý Yên. Tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại các huyện trong tỉnh, đã có trên 80% nông dân áp dụng hiệu quả kiến thức sau đào tạo nghề vào quá trình sản xuất của hộ gia đình. Song song với công tác tập huấn, đào tạo, toàn hệ thống khuyến nông của tỉnh xây dựng hàng trăm mô hình khảo nghiệm, trình diễn trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau. Hầu hết các mô hình được nông dân tiếp tục ứng dụng và mở rộng sản xuất. Các mô hình trình diễn đều cho thấy hiệu quả sản xuất tốt hơn, tăng giá trị kinh tế 10% trở lên so với sản xuất đại trà, nhiều mô hình đạt lợi nhuận 200-500 triệu đồng/ha; góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, gia tăng giá trị và thu nhập của nông dân. Tăng cường ứng dụng các kinh nghiệm kỹ thuật của các mô hình trình diễn sẽ thúc đẩy gắn sản xuất với tiêu thụ, liên kết sản xuất theo chuỗi giữa nông dân với doanh nghiệp; cung cấp các loại thực phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; nâng cao dân trí và tập quán sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn dịch bệnh, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM. Trong lĩnh vực trồng trọt, hệ thống Khuyến nông đã xây dựng các mô hình liên kết chuỗi sản xuất cây dược liệu như: cây dây thìa canh, cây đinh lăng ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng; mô hình sản xuất lúa gạo theo chuỗi ở Nam Trực, Nghĩa Hưng, Hải Hậu; mô hình khoai tây sạch bệnh ở Nam Trực; mô hình trồng cây ăn quả ở Thành phố Nam Định… Điển hình là mô hình hợp tác quốc tế trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản được Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện tại các xã: Xuân Kiên (Xuân Trường), Giao Phong (Giao Thủy) và Trung tâm Giống cây trồng tỉnh với các giống rau su hào, cải củ, bắp cải, súp lơ, hành tây… Mô hình đã khẳng định một số ưu điểm như kỹ thuật dễ thực hiện, sản phẩm đảm bảo ATVSTP, có lợi cho sức khỏe cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường, độ phì của đất được bảo vệ, hiệu quả và năng suất cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống. Bên cạnh đó, mô hình còn thay đổi nhận thức và hành động của nông dân trong lao động, sản xuất, giúp họ hiểu chất lượng sản phẩm là điều tiên quyết và sống còn để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu cho ngành trồng trọt của tỉnh và góp phần bảo vệ người tiêu dùng. Hiện mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi đã được nhân rộng ở Hải Hậu, Ý Yên, Vụ Bản, Trực Ninh. Ngoài ra, mô hình lúa gieo thẳng được nhân rộng trên 40% tổng diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh; máy gặt đập liên hợp sử dụng được trên 60% diện tích đã giúp giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân. Nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn, hệ thống Khuyến nông tỉnh đã thực hiện các mô hình: trồng cỏ nuôi dê, lúa - cá, trồng rau màu… cho hiệu quả kinh tế gấp 3-10 lần so với trồng lúa. Trong chăn nuôi có mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản an toàn sinh học với phương thức nuôi công nghiệp theo chuỗi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng tại xã Hợp Hưng (Vụ Bản) bước đầu có quy mô 60 con thỏ, Cty TNHH Nippon Zoki Nhật Bản là đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Mô hình cho thu lãi trên 47 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, mô hình còn khẳng định hiệu quả không gây ô nhiễm môi trường; khắc phục được tình trạng chăn nuôi nông hộ theo kiểu tận dụng, phụ thuộc vào nguồn cỏ tự nhiên và nguồn phụ phẩm nông nghiệp; tạo công ăn việc làm tại chỗ và tăng thêm lợi nhuận cho nông dân. Hiện mô hình được nhân rộng quy mô lên 900 con thỏ cái ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhiều mô hình được chuyển giao, nhân rộng cho nông dân, góp phần quản lý tốt môi trường nuôi, không để xảy ra dịch bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi cá chép bằng thức ăn công nghiệp tại huyện Giao Thủy, năng suất đạt 12 tấn/ha, lãi 120 triệu đồng/ha; mô hình nuôi sò huyết tại huyện Nghĩa Hưng cho năng suất 22 tấn/ha, lãi 650 triệu đồng/ha; mô hình nuôi tôm càng xanh siêu đực tại huyện Giao Thủy năng suất đạt 7,5 tấn/ha, lãi 550 triệu đồng/ha… Trong nghiên cứu khoa học, khảo nghiệm tập đoàn giống lúa, đã có nhiều giống lúa triển vọng như: Lam Sơn 8, DA1, Nếp Hưng Yên, GOLD 6129… Hiện giống Hương biển 5, TBR225 đã được bổ sung vào cơ cấu của tỉnh, đang từng bước được nhân rộng ra sản xuất đại trà, đặc biệt là đưa vào sản xuất trên những cánh đồng mẫu lớn, do hầu hết các giống có năng suất, chất lượng cao.
Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất của ngành Nông nghiệp theo hướng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nguồn thu nhập cho bà con nông dân. Đồng chí Đào Viết Tâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thời gian tới, hệ thống Khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục nhân rộng mô hình sử dụng phân hữu cơ và canh tác lúa để giảm phát thải trên phạm vi toàn tỉnh. Tuyên truyền phổ biến công nghệ sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản cho nông dân. Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức xây dựng một số mô hình trọng điểm của tỉnh có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với định hướng phát triển của nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản như: chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi dê, chăn nuôi lợn an toàn sinh học, chăn nuôi lợn sinh sản và áp dụng thụ tinh nhân tạo nâng cao chất lượng đàn lợn thịt; chăn nuôi dê, nuôi sò huyết, nuôi chạch trấu, cá chép xen tôm thẻ chân trắng… Nghiên cứu một số cây rau, hoa, dược liệu với Trung tâm Thực nghiệm Nông nghiệp tỉnh Mi-a-gia-ki (Nhật Bản). Đồng thời, xây dựng các mô hình liên kết nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh