Quan tâm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

06:04, 01/04/2017
Với những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, tỉnh ta có nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú và đa dạng. Nhờ vậy, từ lâu nghề khai thác thủy sản đã trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình vùng biển. Hơn nữa, khai thác thủy sản còn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh ta. Để tăng sản lượng khai thác thủy sản mà không gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên thì ngoài sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, người dân cũng phải tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.051 tàu thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất là 214.317CV. Công tác phối hợp quản lý tàu cá nói chung và tàu công suất dưới 20CV đã đi vào nề nếp, góp phần ổn định và hạn chế việc khai thác có nguy hại đến nguồn lợi thủy sản và môi trường vùng nước ven bờ. Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, hằng năm Sở NN và PTNT đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng triển khai thực hiện các văn bản pháp luật quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thường xuyên phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các văn bản của Nhà nước về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng và nhận thức của các tầng lớp nhân dân để có những hành động thiết thực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ gìn vệ sinh môi trường, tài nguyên thiên nhiên; góp phần bảo vệ, tái tạo nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ. Quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển sản xuất bền vững, có trách nhiệm với môi trường, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển. Như thường lệ, để hưởng ứng Tháng hành động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, năm nay, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương tiến hành thả 1 triệu con giống thủy sản mặn lợ tại cửa sông Ninh Cơ (Hải Hậu) và 500 nghìn con giống thủy sản nước ngọt xuống sông Hồng tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cán bộ các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng ngư dân cũng được triển khai tích cực, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đơn vị, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động đông đảo nhân dân tham gia công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trung tâm giống thủy đặc sản tỉnh, Trung tâm giống hải sản Nam Định chủ động sản xuất và cung ứng giống, phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; làm tốt công tác giám sát môi trường tự nhiên xung quanh các khu nuôi thủy sản tập trung. Ngoài ra, Sở NN và PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành vận động chủ tàu cam kết không vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các tàu cá phải có giấy phép khai thác thủy sản theo quy định hoạt động khai thác thủy sản. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Vận động ngư dân cam kết không vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. 
Đồng chí Nguyễn Viết Cách, Giám đốc VQG Xuân Thủy (Giao Thủy) thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Đồng chí Nguyễn Viết Cách, Giám đốc VQG Xuân Thủy (Giao Thủy) thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Bên cạnh những kết quả trên, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận người dân chưa có ý thức vẫn lén lút chặt phá rừng ngập mặn, quây vùng nuôi thủy sản ở các bãi triều thuộc huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng làm thay đổi môi trường sống tự nhiên, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn, mất nơi cư trú của một số loài, làm mất tính đa dạng sinh học. Ở một số địa phương nhiều ao, đầm nuôi thủy sản được xây dựng tự phát, nhỏ lẻ và hầu như không đảm bảo kỹ thuật nên làm ảnh hưởng đến chất lượng của các đối tượng nuôi. Nhiều hộ dân còn sử dụng hóa chất, xử lý môi trường nuôi, nước thải, chế phẩm sinh học, thức ăn công nghiệp tùy tiện, không thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất gây ô nhiễm môi trường, để lại nhiều hậu quả khôn lường. Để tích cực khắc phục những tồn tại trên, năm 2017 Sở NN và PTNT sẽ tăng cường việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức quản lý thủy sản bền vững, đồng thời nâng cao vai trò của cộng đồng ngư dân trong hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn phổ biến kiến thức, pháp luật để ngư dân hiểu rõ trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng quy hoạch các khu bảo tồn biển, bảo tồn thủy sản nội địa, các bãi sinh sản tự nhiên… thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững và có chiến lược bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản dài hạn. Tiếp tục nâng cao năng lực khai thác thủy sản, đổi mới tổ chức sản xuất trên biển, phát triển và nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản xa bờ, từng bước giảm cường lực khai thác ven bờ. Làm tốt công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản chính là bảo đảm đời sống sinh kế ổn định cho một bộ phận ngư dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế biển, bảo vệ an ninh vùng biển một cách bền vững./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com