Nghề làm hương trầm ở Đại An

08:04, 14/04/2017

Theo lời anh Trần Văn Hiên, chủ cơ sở làm hương trầm Đức Hiên, thôn An Cự, xã Đại An (Vụ Bản), làm hương trầm là nghề truyền thống của làng An Cự xưa, đến nay đã có lịch sử phát triển khoảng 70-80 năm. Nghề làm hương do các cụ Lê Văn Đóa, cụ Trần Văn Tuỳnh truyền lại. Giờ cụ Đóa, cụ Tuỳnh đã thành người thiên cổ, nghề làm hương theo phương pháp thủ công truyền thống được các con, cháu kế nghiệp và “sống được bằng nghề”!

Sản xuất hương nén tại cơ sở của anh Lê Văn Sơn, thôn An Cự, xã Đại An.
Sản xuất hương nén tại cơ sở của anh Lê Văn Sơn, thôn An Cự, xã Đại An.

Gần 50 năm làm nghề, anh Hiên cho biết: làm hương là nghề không khó, không quá nặng nhọc, vất vả nhưng không phải ai cũng theo được nghề. Bởi vì làm hương trầm theo cách truyền thống, ngoài việc phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết (nắng làm, mưa nghỉ) còn đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác trong từng công đoạn, từ phối chế nguyên liệu thành bột rồi đến các khâu “nhúng”, “vê”, “ngoáy”, phơi. Hương ở Đại An có hai loại hương: hương nén và hương vòng các kích cỡ, kể cả hương sào, vòng to (3-5 ngày). Nguyên liệu làm hương ở Đại An hoàn toàn tự nhiên gồm 10-30 loại thuốc bắc như: đinh hương, cam thảo, tế tân, quế chi, đan bì, địa liền, đại hoàng, mộc hương, xương truật, trầm hương, củ khung và các phụ gia có tác dụng kết dính như nhựa trám, nhựa thau, nhựa vỏ cây vàng dè (các loại cây ở rừng núi phía Bắc)… Mỗi loại nguyên liệu phải bảo quản sạch sẽ, thơm tho để lưu giữ mùi thơm đặc trưng của từng vị. Công đoạn đầu tiên là phải cân đo, đong đếm tuyệt đối chính xác tỷ lệ các loại nguyên liệu, sau đó được trộn theo đúng trình tự từng vị rồi mới đem nghiền nhuyễn thành bột; sàng sẩy bảo quản cẩn thận, tránh lẫn bụi, bẩn. Sau khi hoàn tất các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, bột được “luyện” nhuyễn với nước và phụ gia. Nếu làm hương nén thì quan trọng là kỹ thuật “nhúng”, “vê” để bột hương dính bám đều, còn làm hương vòng thì quan trọng nhất là “ngoáy” thành vòng (vì không có cốt như hương nén). Dụng cụ để làm hương nén gồm mặt bàn phẳng và “tay xoa” làm bằng gỗ, hình chữ nhật kích thước rộng khoảng 15cm, dài khoảng 30cm, đơn giản vậy nhưng cũng có những đòi hỏi riêng. Gỗ làm tay xoa nhất thiết phải là gỗ lát; mời thợ khéo bào nhẵn, đóng tay cầm vừa vặn, trên tay cầm lại phải đục moi một lỗ hổng để cài con then dài khoảng 10cm. Sau đó, tay xoa lại được gia công bằng cách hơ qua lửa để hai cạnh dài (dọc theo tay cầm) cong khoảng 0,3-0,4cm so với phần còn lại để khi vê, nén hương vừa tròn, đều, bột bám chắc vào chân hương mà không dính vào bàn hoặc tay xoa. Mỗi ngày, bình quân một thợ lành nghề chỉ vê được từ 8-10 nghìn nén hương. Còn hương vòng thì không dùng tay xoa mà dùng một phiến gỗ (có kích thước cao 2m, rộng 35cm) dựng đứng, dùng con nêm - đòn bẩy để ép bột nhuyễn trong cối đồng thành từng sợi. Hương vòng vì không có cốt (tăm hương) nên công đoạn tạo hình cũng yêu cầu tỉ mỉ, tinh tế và dày công hơn. Cùng là làm hương nhưng không phải thợ nào cũng làm được hương vòng. Công đoạn khó khất là “ngoáy” sợi thuốc phải được thợ lành nghề khéo léo xoay cổ tay thật đều để vòng hương có khoảng cách đều nhau. Hương nén và hương vòng sau khi “vê”, ngoáy xong đều phải “được nắng” (từ 1-2 ngày). Tuy nhiên, để hương khô đều, không phải cứ mang ra nắng phơi là được mà mỗi loại lại có cách riêng. Hương nén trước khi phơi phải dựng trong nhà một lúc cho se kết bột hương, sau khoảng 3-4 tiếng phơi nắng liên tục lại phải “đảo” để hương không bị cháy nắng và khô đều mới đóng gói thành từng thẻ, bó, nắm để mang đi chợ bán. Hương vòng thì tỉ mỉ hơn, phải dùng tre vót thật đều, bện dây đay kết thật khít thành một mặt phẳng tránh cho hương lồi lõm; trong quá trình phơi phải chú ý đảo mặt hương và nhất thiết khi phơi xong phải để trong chỗ râm mát 3-4 tiếng cho hương “hồi” lại. Sau cùng mới đến công đoạn chằng buộc; dùng chỉ đỏ cố định các vòng hương lại với nhau sao cho khi cầm vòng hương nhấc lên thành hình nón tròn đều, chắc chắn. 

Hiện nay, máy móc chạy bằng điện đã hỗ trợ nhiều cho người làm hương. Anh Lê Văn Sơn, con trai cụ Mai đã đầu tư 3 máy vê hương để sản xuất hương nén, mỗi ngày sản xuất được từ 18-20 nghìn nén/máy, công suất gấp đôi so với sản xuất thủ công và tạo thêm việc làm ổn định cho 3-4 lao động địa phương với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, cơ sở của anh Sơn xuất bán ra thị trường từ 1-2 tấn hương các loại. Cơ sở của anh Hiên cũng có máy làm hương nén và 1 máy làm hương vòng. Các công đoạn thủ công trước đây như nghiền, đảo, trộn bột… đã hoàn toàn được máy móc đảm nhiệm giúp cho bột được đều hơn, thợ đỡ vất vả. Chỉ riêng công đoạn quan trọng nhất là “ngoáy” thì vẫn phải do bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ đảm nhiệm. Những năm gần đây, nghề hương trầm truyền thống của xã Đại An bị cạnh tranh khá gay gắt với các loại hương trên thị trường, đặc biệt là loại hương “cuốn tàn”, “đậu tàn” có sử dụng hóa chất theo thị hiếu của khách, thu nhập của người làm hương có giảm so với trước, nhưng nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của tổ tiên về nghề nên các sản phẩm hương trầm truyền thống vẫn được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ tốt. Nhờ đó, tuy không thật giàu có nhưng nghề làm hương trầm truyền thống vẫn mang lại no ấm cho những gia đình làm nghề, loại hương này đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và có ưu thế không gây hại cho sức khỏe người thắp và ngửi khói hương bởi không sử dụng hóa chất làm phụ gia./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com