Có lẽ bởi liền kề đô thị, hành cung Thiên Trường nên đất Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) xưa đã nổi tiếng hay nghề. Ngoài làm ruộng, mỗi làng có mỗi nghề thủ công thể hiện sự khéo léo, năng động của người nông dân đúng lời cổ nhân “ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”. Làng Vạn Đồn (nay thuộc Thị trấn Mỹ Lộc) đan rổ rá, quạt nan; làng Vào đan thúng và nón lá; làng Gôi đan lẵng và giành đựng ấm tích; làng Giáng đan sọt; làng Thượng, Hạ sản xuất thước kẻ, đũa son… Hiện nay, dù một số nghề thủ công truyền thống đã mai một nhưng nghề đan lát ở làng Gôi vẫn được duy trì và phát triển khi người làm nghề tìm được lối đi đúng, làng Gôi giờ chỉ đan duy nhất một loại sản phẩm là giành tích.
Đan giành tích tại hộ ông Đặng Văn Thỏa, xóm 10, xã Mỹ Hưng. |
Theo lời ông Đặng Văn Thỏa, năm nay 69 tuổi, người gắn bó với nghề đan lát từ thuở bé thơ đến hiện tại cho biết: Không ai biết nghề đan lát của làng Gôi có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, khi còn là cậu bé 5-6 tuổi ông đã bắt đầu phụ giúp cha mẹ các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu hoặc gia công hoàn thiện sản phẩm. Vậy nên tầm 10-11 tuổi ông Thỏa cũng như bao cô, cậu bé khác của làng Gôi đã thành thạo các kỹ thuật của nghề, có thể phụ giúp cha mẹ kiếm cơm! Sở dĩ nghề đan lát có tên gọi là nghề “chạy gạo” vì trước đây ruộng đất đã ít không thâm canh, nên năng suất, sản lượng lương thực không cao, đã vậy mùa vụ lại kéo dài những 5-6 tháng mới đến vụ gặt. Vào dịp nông nhàn hoặc lúc “giáp hạt”, “tháng ba, ngày tám” nghề đan lát là “cứu cánh” mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình trong làng. Với nguyên liệu chính là nứa rừng, dưới bàn tay khéo léo của người dân đã sản xuất ra đa dạng các loại sản phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày như: giành tích, lồng bàn, lẵng đựng đồ… Những hôm trời mưa gió, nông nhàn rảnh việc, nhà nhà trong làng quây quần đan giỏ, mỗi người một việc: người lớn chẻ nan, xát nan; lứt miệng… phụ nữ và trẻ nhỏ thì đan và phụ việc. Những chiếc giỏ, lẵng, giành tích đan xong buộc gọn lại treo trên gác bếp hong khói và bồ hóng, vừa lên màu vừa không bị ẩm mốc, đợi phiên chợ hoặc lúc túng thiếu mới dỡ xuống mang đi bán. Cứ thế, nghề đan lát tuy là nghề phụ nhưng đã gắn bó với người dân nơi đây hàng trăm năm. Sản phẩm chính, làm nên “thương hiệu” nghề đan lát của làng Gôi là những chiếc giành tích. Để làm những giành đựng ấm tích chuẩn, người thợ làng Gôi cẩn thận chọn những cây nứa già, đanh với những dóng thẳng tắp. Nứa mua về phải ngâm nước 1-2 ngày, vớt lên để khô rồi mới để pha nan. Một chiếc giành tích nhìn thì đơn giản nhưng lại gồm nhiều loại nan: nan bua (nan cốt); nan ghép, nan cài, nan cạp miệng, nan đan… Mỗi loại nan lại có kích cỡ riêng, tận dụng tối đa nguyên liệu như: nan bua thường dùng phần vỏ nứa, rộng khoảng 5-6mm, dài 60cm; nan đan thì dùng phần thịt nứa, chỉ mảnh khoảng 1mm… Nan “pha” xong thì bó lại thành từng bó, làm nhẵn bằng cách dùng chân chà sát liên tục rồi mới đan. Đan giành tích phải bắt đầu từ đáy. Công đoạn đầu tiên là xếp 8 nan bua làm khung cốt theo 8 hướng chính. Sau đó dùng nan đan “khoáy” để cố định và tạo hình đáy giành tích. Khi “khoáy” xong thì tiếp tục dùng nan bua luồn kín các kẽ hở của nan chính. Bà Trần Thị Thóa, năm nay 59 tuổi, người có trên 30 năm kinh nghiệm đan giành tích cho biết: có hai cách để xếp nan bua là đan 7 (dùng 7 nan chính gồm 6 nan luồn, 1 nan trốn) và đan 8 (8 nan chính, 7 nan luồn và 1 nan trốn) để đan giành tích. Làm xong được đáy tích thì đến công đoạn quyết định tạo hình cho sản phẩm là uốn nan bua thành hình giành tích rồi mới đan dần lên miệng giành, sau đó cạp miệng. Giành tích đạt chuẩn có kích thước đáy 11-12cm, giữa thân tích rộng 28-30cm, miệng tích thu vào 20-22cm. Giành tích được cạp miệng (người làng Gôi thường gọi là “lứt”) bằng lạt giang hoặc guột - một loại dây leo tựa như dây mây có nhiều ở miền núi; nay được thay bằng dây nhựa tổng hợp buộc theo kiểu “nống một” (một luồn, một thắt). Để giành tích lên màu, bền, sử dụng được thời gian dài còn phải qua công đoạn hun khói bằng rơm. Muốn hun phải có bếp lò (đường kính khoảng 1,5m; sâu 1,5m); dùng tre đực ngâm kỹ bắc dàn để xếp giành tích. Rơm băm nhỏ, lèn chặt xuống đáy lò rồi đốt (theo lối đốt đống rấm giữ lửa) lấy khói hun cho giành tích lên màu vàng óng. Sau một thời gian trầm lắng vì bị cạnh tranh bởi các loại sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt bằng vỏ nhựa, khoảng chục năm trở lại đây, nghề đan giành tích của làng Gôi đã có bước phục hồi và phát triển khả quan. Nếu trước đây, để có nguyên liệu làm nghề, thanh niên trai tráng như ông Thỏa phải đạp xe hàng trăm cây số chọn mua nứa cây, thì giờ nguyên liệu được nhập ngay tại các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ tre, nứa tại các làng nghề: Yên Tiến (Ý Yên); Vĩnh Hào, Liên Minh (Vụ Bản). Theo tính toán của những người chuyên làm giành tích như ông Thỏa, bà Thóa, chi phí vật tư để làm ra một chiếc giành tích hết khoảng 5.000-6.000 đồng. Mỗi ngày một người nhanh tay nhanh mắt có thể làm được 3-4 chiếc; còn những người “cao tay” chuyên đan giành tích như bà Thóa thì một ngày phải đan được 5-6 chiếc. Với giá bán từ 18-20 nghìn đồng/chiếc (tùy thời điểm), mỗi ngày người làm nghề cũng có thu nhập từ 50-60 nghìn đồng trở lên. Việc tiêu thụ thì cũng khác xưa, người đan không phải tự mang ra chợ bán. Giành tích đan đến đâu, thương lái các nơi về tận nhà thu mua đến đấy, thậm chí những nhà có việc cần tiền gấp còn được ứng trước tiền công rồi làm giành tích trả dần.
Nghề đan lát tuy là nghề phụ nhưng đã giúp nuôi sống biết bao thế hệ người làng Gôi. Cái hay của nghề là công việc không quá nặng nhọc vất vả, phù hợp với mọi đối tượng lao động; từ ông già, bà cả, phụ nữ đến trẻ em từ 7, 8 tuổi cũng có thể làm nghề. Ngày nắng cũng như ngày mưa, người rỗi lúc nào là có thể giở đồ nghề ra đan. Vì thế, hiện tại ở làng Gôi nhà nào cũng đan giành tích. Không chỉ vậy, nghề đan giỏ tích lâu đời của làng Gôi bây giờ đã theo các bà, các cô, các chị trong làng lấy chồng xa đến với nhiều làng quê khác. Không phải lo đầu ra cho sản phẩm, những chiếc giành tích đang ngày ngày mang lại nguồn thu nhập, góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân./.
Bài và ảnh: Thành Trung