Làm giàu từ nghề trồng hoa hồng

05:04, 07/04/2017

Anh Phạm Văn Trọng (34 tuổi) ở xóm 9, làng Tân Bồi, xã Hải Minh (Hải Hậu) được nhiều người chơi hoa trong và ngoài tỉnh biết đến bởi khả năng sưu tầm, ghép, nhân giống nhiều dòng hoa lạ, quý hiếm. Hiện nay, vườn hồng của gia đình anh có hơn 200 loài với hàng vạn chậu hoa hồng có giá trị kinh tế cao.

Vườn hồng của gia đình anh Phạm Văn Trọng.
Vườn hồng của gia đình anh Phạm Văn Trọng.

Tách biệt khu làng nghề ồn ã, không gian vườn hồng của gia đình anh Trọng nằm ven sông Ninh yên ả, thanh bình với bạt ngàn những cánh hồng khoe sắc tỏa hương. Vào sâu trong vườn, chúng tôi chứng kiến anh đang miệt mài hướng dẫn một số người cách nhận diện và chăm sóc hoa hồng. Ða phần những người được anh Trọng hướng dẫn đều bất ngờ bởi chỉ cần nhìn ảnh chụp các loài hoa hồng của khách, anh đều nói chính xác tên khoa học, đặc điểm, cách trồng… Trong câu chuyện chúng tôi cảm phục bởi anh đã vượt qua những năm tháng đầy gian nan, vất vả để thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, từ nhỏ, anh đã làm thuê ở một lò gạch địa phương để kiếm sống rồi làm thợ bốc vác trên thuyền chở vật liệu xây dựng đi tiêu thụ ở khắp các vùng Ý Yên, Thái Bình, Ninh Bình. Ðầu năm 2000, anh vào Thành phố Hồ Chí Minh làm công việc khoan giếng. Năm 2002 anh được nhận vào làm việc chăm sóc vườn hoa phong lan ở huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Thời gian này, anh đã tích lũy được nhiều kiến thức về trồng hoa, cây cảnh. Sau khi có chút vốn liếng, năm 2003, anh học tại một trường tư thục Bonsai ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó anh xin đi theo các thầy giáo làm các công trình sân vườn. Năm 2005, anh về quê và thuê 2.000m2 đất để trồng gần 500 cây cảnh bonsai gồm cây sanh, tùng kim và tùng la hán. Trong 3 năm, anh bán hết số cây bonsai dành tiền mua 3.000m2 đất để phát triển nghề lâu dài. Tuy đã có kiến thức nhất định về trồng hoa, cây cảnh nhưng anh vẫn tiếp tục đến học những người “có tiếng” về lĩnh vực này như cụ Nguyễn Văn Phiếm (80 tuổi), xã Hải Minh chuyên về hoa, cây cảnh; anh Nguyễn Trí Dũng, khu 2, Thị trấn Yên Ðịnh chuyên trồng địa lan… Năm 2011, thị trường cây cảnh trầm lắng, anh chuyển hướng sang chuyên trồng hoa. Nghĩ là làm, anh lại đi khắp các làng nghề hoa, cây cảnh kinh nghiệm như Nam Ðiền (Nam Trực); Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội); Triệu Ðề (Vĩnh Phúc) để học hỏi. Cuối năm 2012, anh Trọng trồng 500 chậu hoa ly Sorbonne, 3.000 chậu cúc lá nho giống Trung Quốc, 1.000 chậu hoa dạ yến thảo. Việc anh chọn những loại hoa này để trồng bởi giá thành đầu vào hợp lý, có nhiều ưu điểm về màu sắc và được nhiều người ưa chuộng. Những năm sau đó anh tiếp tục nghiên cứu và nhân giống được nhiều loài hoa với sản lượng hàng nghìn chậu/năm như: cẩm nhung, phong lữ thảo, thược dược… Trong những lần đi học tập kỹ thuật chăm sóc hoa, cây cảnh tại Thái Lan, anh đã mua một vài loại hoa hồng về nghiên cứu. Qua quá trình tìm hiểu, anh nhận thấy hoa hồng nước ngoài phát triển tốt, hợp khí hậu Việt Nam, anh bắt đầu chuyển hướng chuyên trồng các loại hoa hồng. Năm 2015, anh trồng 1.500 chậu hồng tỷ muội để phục vụ người chơi hoa dịp Tết. Nhận thấy tiềm năng thị trường hoa hồng còn phát triển trong tương lai, anh đi các nơi tìm hiểu và sưu tầm thêm một số loại hoa hồng cổ, độc đáo... Hiện nay anh đã lựa chọn được hơn 200 giống hồng quý hiếm có tính ưu việt về phom, màu sắc, hương thơm, độ lặp hoa và đặc biệt hợp khí hậu miền Bắc, tiêu biểu như các loại: hồng cổ ta (gồm hồng vân khôi, hồng điều, hồng đào, hồng cổ Sa-pa…), hồng ngoại (gồm Juliet, Julio, Jubilee, Abraham, Alexander of kent…), hồng leo ngoại (gồm Huntington, Huyền Bích, Spirit of freedom…). Mỗi giống hồng gốc được anh nhập về với giá trung bình từ 1,7 đến 2 triệu đồng/1 cây, cá biệt có những loại hồng có giá trên 30 triệu đồng/1 cây như hồng vân khôi, hồng cổ Sa-pa. Từ những cây hồng gốc quý hiếm, anh tiến hành kỹ thuật chiết để nhân giống đảm bảo các đặc tính chuẩn và ưu việt của hồng gốc. Anh cho biết: Chiết phải chọn thời điểm đông chí đến hết tháng 3 âm lịch để đảm bảo an toàn cho cây gốc và cành chiết phát triển. Về kỹ thuật chiết cây hoa hồng, cần chú ý không được để bầu chiết quá ướt hoặc quá khô. Nguyên liệu làm bầu chiết chủ yếu là rơm mục và đất ải. Khi chiết phải chọn các nhánh hồng khỏe mạnh, tốt nhất là các nhánh vừa tàn bông, thân gỗ trên cây đã hình thành. Chiết xong cây phải đưa vào nhà lưới chăm sóc để cây có độ phục hồi và sau 2 tháng có thể chuyển cây ra ngoài chậu to hơn. Ðến nay, tổng diện tích trồng cây hoa hồng của gia đình anh Trọng gần 1ha, riêng năm 2016, anh đã tự nhân giống trên 1 vạn chậu hoa hồng các loại bằng kỹ thuật chiết. Các loại hồng cảnh đều được trồng trong chậu nên kỹ thuật làm đất đòi hỏi nhiều công sức của chủ vườn. Ðất trong chậu trồng hoa hồng là loại đất ải, được máy xay đất chuyên dụng tán nhỏ rồi trộn đều với trấu hun để thoát nước tốt. Theo kinh nghiệm của riêng anh Trọng, muốn cây hoa hồng phát triển tốt cần làm đất theo tỷ lệ: đất trồng hoa 30%, đất ải 20%, xơ dừa 20%, phân ủ mục 20% và 10% cát vàng hoặc xỉ than. Người trồng hoa hồng cần nắm vững đặc tính của các giống cây để phòng bệnh như vào mùa xuân có độ ẩm cao cây hoa hồng thường bị bệnh phấn trắng và nhện đỏ; đầu hè phải phòng bệnh bọ trĩ; tháng 7 mưa ẩm phòng bệnh đốm đen. Về phân bón, công thức của anh Trọng đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả gồm: đậu tương ngâm ủ với chế phẩm sinh học E.M trong 2 tháng, sau đó hòa loãng dùng kết hợp với phân NPK với tỷ lệ 16:16:8 tưới các chậu hoa hồng. Ðể giảm bớt sức lao động của con người, anh Trọng đã đầu tư hệ thống béc phun sương tự động cho nhiều chậu hoa. Sắp tới anh sẽ đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt cho 4.000 chậu hoa hồng. Phương pháp tưới nhỏ giọt có ưu điểm tránh phát sinh mầm bệnh do độ ẩm trên lá và kết hợp bón dinh dưỡng cho cây. Anh Trọng cho biết: Hiện nay, thị trường cây hoa hồng đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt, trong khoảng thời gian tháng 11, 12 âm lịch vừa qua, vườn hồng của anh đã bán trên 3.500 chậu với giá từ 50-100 nghìn đồng/chậu tùy loại. Các loại hoa hồng leo, hoa hồng bụi, Julieet, Marosa, Red eden... được khách hàng ưa chuộng và tìm mua nhiều nhất. Vừa qua, anh Trọng có những chuyến hàng từ 20-50 triệu đồng/chuyến, có nhiều đơn hàng đặt hồng vân khôi, cổ Sa-pa với giá từ 5 đến 20 triệu đồng/gốc. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Trọng còn nhiệt tình hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm của bản thân cho những người có niềm đam mê với hoa hồng. Hiện nay, với vườn hoa hồng, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động ổn định với mức thu nhập từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động mùa vụ. Dự kiến giữa năm nay, anh sẽ tập hợp những người có niềm đam mê thành lập CLB Hoa Hồng Hải Hậu...

Việc chuyên canh hoa hồng không chỉ đem lại cho gia đình anh Phạm Văn Trọng nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần bảo tồn các giống hoa hồng quý, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của những người có niềm đam mê với các loài hoa hồng lạ, độc đáo./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



Hoa tươi cắm giỏ tại sài gòn

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com