Hải Hậu phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

07:04, 22/04/2017
Trong những năm qua, chăn nuôi ở huyện Hải Hậu đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân. Điểm đáng chú ý là trong phát triển chăn nuôi, Hải Hậu luôn quan tâm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) để đảm bảo tiêu chí môi trường, góp phần xây dựng thành công huyện NTM bền vững.
 
Theo thống kê của Phòng NN và PTNT huyện, hằng năm, Hải Hậu sản xuất gần 24 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng các loại. Với tổng đàn lợn đạt gần 146 nghìn con, đàn gia cầm 1,3 triệu con, do vậy lượng chất thải trong chăn nuôi của huyện là khá lớn. Bằng nhiều cách khác nhau, các hộ nông dân trên địa bàn huyện đang xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi. Đối với lượng chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón, việc xử lý chất thải có sự khác nhau theo quy mô chăn nuôi. Với quy mô chăn nuôi trang trại việc xử lý chất thải chăn nuôi được coi trọng hơn, còn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gắn liền với sản xuất nông nghiệp thì chất thải chăn nuôi chủ yếu được vận chuyển trực tiếp từ chuồng nuôi ra ngoài đồng bón cho cây trồng, làm thức ăn cho cá. Ngoài ra, chất thải chăn nuôi được xử lý bằng các công nghệ khí sinh học (bi-ô-ga), ủ phân compost, làm thức ăn cho thủy sản, làm phân bón trực tiếp cho cây trồng… Anh Trịnh Văn Kiên, xã Hải An, một trong những chủ trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn của huyện cho biết: Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi luôn là một thách thức đối với những người nông dân. Bởi chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Ý thức được điều này, ngay từ ngày khởi nghiệp tôi đã luôn tìm hiểu để ứng dụng khoa học công nghệ, xử lý chất thải và các vấn đề môi trường trong quy trình chăn nuôi. Từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, sau nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi, anh Kiên đã xây dựng một trang trại có quy mô trên 1ha với 100 con lợn nái sinh sản, 500 con lợn thịt. Hệ thống chuồng trại được thiết kế khoa học với 2 dãy chuồng chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín, có hệ thống quạt gió lọc khí tự động. Nền chuồng nuôi và hố xử lý chất thải được láng xi măng để thuận tiện cho quá trình cọ rửa vệ sinh, tránh thẩm thấu chất lỏng ra ngoài môi trường. Đặc biệt, khâu vệ sinh được thực hiện thường xuyên, chất thải của vật nuôi được phân loại để xử lý riêng, trong đó phân vật nuôi được thu gom bán lại cho những hộ nông dân tận dụng để bón cây, còn lại toàn bộ nước thải, nước tắm, rửa chuồng của vật nuôi được chảy qua hệ thống rãnh kín đưa về các bể bi-ô-ga xử lý rồi mới xả thải ra môi trường. Ngoài ra, xung quanh trang trại, anh Kiên còn trồng các loại cây, tạo không gian xanh thoáng mát.
Trang trại chăn nuôi lợn của anh Trịnh Văn Kiên, xã Hải An luôn đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Trang trại chăn nuôi lợn của anh Trịnh Văn Kiên, xã Hải An luôn đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. 
Một trong những giải pháp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh và xử lý triệt để vệ sinh môi trường trong chăn nuôi mà Hải Hậu thực hiện đó là phát triển vùng chăn nuôi tập trung, khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại để từng bước thay thế giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, các xã, thị trấn đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, vừa tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu mở rộng diện tích trang trại, vừa tiện cho quy hoạch hệ thống xử lý nước thải trong chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển đứng đầu huyện, xã Hải Đông đã quy hoạch và chuyển đổi hơn 20ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp. Hiện nay, trên địa bàn toàn xã có 123 trang trại, gia trại. Xã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình từng bước ứng dụng công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, khuyến khích các hộ gia đình thực hiện việc liên kết trong chăn nuôi từ “đầu vào” như: con giống, thức ăn, thuốc thú y, phòng chống dịch bệnh… đến “đầu ra” cho sản phẩm sản xuất. Do đó, các hộ nông dân ở Hải Đông đã thực hiện, tuân thủ các quy trình, nguyên tắc trong chăn nuôi. Hầu hết các hộ nuôi lợn đều xây bể bi-ô-ga để xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc làm vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc, dùng vôi sát trùng… được tuân thủ triệt để theo định kỳ và sự chỉ đạo của các cấp, các ngành trong tỉnh, huyện. Vì vậy, có những thời điểm, các dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm H5N1, dịch tả lợn, dịch lợn tai xanh… diễn biến phức tạp trên đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm nhưng các đàn vật nuôi tại xã luôn được đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường nông thôn. Lãnh đạo xã Hải Đông cho biết: Trong thời gian tới, xã Hải Đông tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo quy hoạch, không xây dựng mới khu chăn nuôi nằm xen khu dân cư. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi, nhất là các cơ sở chăn nuôi lớn nhất thiết phải có hầm bi-ô-ga, đệm lót sinh thái và áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác bảo đảm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phấn đấu hình thành một số trang trại kiểu mẫu về hiệu quả sản xuất, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường.
 
Ngoài công tác xây dựng quy hoạch chăn nuôi, để phát triển chăn nuôi bền vững, huyện Hải Hậu đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân và áp dụng những mô hình chăn nuôi mới thân thiện với môi trường. Sản xuất theo quy trình an toàn trong chăn nuôi là hướng đang được ngành Nông nghiệp khuyến khích áp dụng rộng rãi (mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm theo hướng an toàn sinh học, VietGAHP…). Đây là những mô hình chăn nuôi bền vững, BVMT và mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Hướng dẫn người dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại chất thải chăn nuôi nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Huyện đã xây dựng quy hoạch các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi. Tham gia Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp giai đoạn 2013-2018, trong 1.090 trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Hải Hậu đã xây dựng được 1.172 công trình khí sinh học quy mô nhỏ góp phần giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.
 
Đồng chí Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Mặc dù thực hiện khá tốt phát triển chăn nuôi gắn với BVMT, tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số trang trại, gia trại trên địa bàn huyện đang chăn nuôi trong khu dân cư. Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với BVMT, trong thời gian tới, Hải Hậu xác định tiếp tục hoàn thiện quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Tập trung xây dựng và chuyển các trang trại, gia trại đến vùng chăn nuôi tập trung. Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi để hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao và giảm phát thải các khí độc gây ô nhiễm môi trường. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư cùng với tăng cường các biện pháp quản lý và chế tài xử phạt nhằm hạn chế hoạt động gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác BVMT nông nghiệp gắn với triển khai chương trình xây dựng NTM bền vững và phát triển từ nay đến năm 2020./.
 
Bài và ảnh:  Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com