Giải quyết khó khăn về vốn đầu tư cơ sở vật chất trường học nông thôn mới

07:04, 27/04/2017
Thời gian qua việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đã được các địa phương, các ngành quan tâm thông qua các chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, kiên cố hóa trường học… và đã đạt kết quả đáng kể. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng NTM hiện nay, việc đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn về diện tích và nhất là nguồn vốn đầu tư.
 
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm phát triển giáo dục toàn diện là một trong những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước trong Chiến lược phát triển GD và ĐT giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020 với các yêu cầu “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa” đã được tỉnh nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua. Thời gian qua, toàn tỉnh đã huy động các nguồn vốn, đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp được 380 trường học các cấp; trong đó có 133 trường mầm non, 112 trường tiểu học, 135 trường THCS. Đến nay, trên địa bàn nông thôn có 209/236 (88%) trường mầm non đạt chuẩn, 278/278 (100%) trường tiểu học đạt chuẩn, 235/235 (100%) trường THCS đạt chuẩn. Bên cạnh các kết quả đã đạt được, hiện nay nhiều trường học rất khó khăn trong thực hiện mục tiêu xây dựng đạt chuẩn quốc gia do chưa thể giải quyết triệt để bài toán về cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho giáo dục. Theo cơ quan chuyên môn, cụ thể là hai vấn đề: phải có đủ diện tích đất và đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn. Với điều kiện là đã có đủ phòng học để đầu tư thiết bị, công trình phụ trợ… mỗi trường mầm non và tiểu học còn phải đầu tư trên dưới một tỷ đồng; còn trường trung học, ít nhất cũng phải vài tỷ đồng. Nhiều hiệu trưởng cho biết, trường họ chưa đạt chuẩn vì kinh tế địa phương còn quá nhiều khó khăn, nguồn vốn xã hội hóa còn hạn hẹp, trong khi hiện quy định không thu tiền xây dựng trường, do đó điều kiện nâng cấp về cơ sở vật chất đạt chuẩn càng hạn hẹp hơn. 
Trường Tiểu học Giao Thiện B (Giao Thủy) được đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2.
Trường Tiểu học Giao Thiện B (Giao Thủy) được đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2.
Theo thống kê rà soát, huyện Giao Thủy có tổng số 74 trường học các cấp (23 trường THCS, 28 trường tiểu học, 1 trường THPT, 22 trường mầm non). Trong đó, số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia còn hiệu lực là 58 trường. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện ủy, UBND huyện về việc thực hiện các tiêu chí NTM về giáo dục, cùng với các cấp, các ngành, Phòng GD và ĐT huyện đã tập trung tham mưu, tư vấn, chỉ đạo các đơn vị chịu trách nhiệm về tiêu chí trường học chủ yếu tập trung vào 7 xã đăng ký xây dựng NTM trong năm 2017 gồm: Giao Thiện, Giao An, Giao Hương, Hồng Thuận, Giao Xuân, Giao Long, Giao Nhân, với tổng số 24 trường học (trong đó, số trường đã đạt chuẩn quốc gia còn hiệu lực là 16 trường). Số trường còn lại trên địa bàn các xã đều đang khẩn trương đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia gồm: 5 trường mầm non (Giao Thiện, Giao Hương, Hồng Thuận, Giao Xuân, Giao Nhân); 3 trường THCS (Giao Hương, Hồng Thuận, Giao Long). Trường THCS Giao Hương được quan tâm bổ sung 6.000m 2 đất; Trường Mầm non xã Giao Nhân đã được bổ sung 2.000m 2 đất đáp ứng nhu cầu trước mắt và phát triển lâu dài. Các trường còn lại đã được rà soát, bổ sung diện tích đất đáp ứng yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia. Nhiều trường được quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản, một số trường có mức đầu tư điển hình như Trường Mầm non Giao Thiện 9,9 tỷ đồng, Trường Mầm non Giao Hương 6,5 tỷ đồng, Trường THCS Giao Long giai đoạn 1 là 3,2 tỷ đồng… Chia sẻ với chúng tôi, thầy Vũ Bình Xuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học B xã Giao Thiện cho biết: “Phát huy truyền thống “Dù khó khăn đến đâu cũng quyết tâm dạy tốt, học tốt”, trong 16 năm qua, trường đã vượt qua các trở ngại khó khăn về cơ sở vật chất như thiếu phòng học, thiếu giáo viên… Nhiều lần trường phải bố trí cho học sinh học nhờ ở nhà văn hóa xóm 28 để đảm bảo điều kiện dạy và học cho thầy và trò. Đến nay, được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương; cơ sở vật chất của trường đã hoàn thiện với 15 phòng học đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2 vào năm 2015”. Cụ thể, năm 2003, trường đầu tư xây dựng 4 phòng học cao tầng; năm 2013, tiếp tục đầu tư thêm 8 phòng học cao tầng. Hiện tại, trường đã có thể đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học của 379 học sinh tiểu học với đầy đủ các phòng chuyên môn: vi tính, âm nhạc, thực hành kỹ thuật, thư viện và 12 lớp học đầy đủ tiện nghi. Mặc dù vậy, trên địa bàn xã Giao Thiện, xây dựng cơ sở hạ tầng trường mầm non vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Trường Mầm non Giao Thiện hiện đang phải chia lớp học tại 3 khu, trong đó khu Họa Mi hiện tại đã không thể đảm bảo diện tích trung bình hơn 3 m 2/cháu theo chuẩn quốc gia. Cô Vũ Thị Khiết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện tại, trường bố trí các cháu học ở 3 khu, trong đó khu chính Họa Mi có 245 cháu/7 nhóm lớp. Ngoài điểm chính, trường đang phải mượn tạm 4 phòng học ở khu 3 thuộc xóm 22 để làm phòng học”. Được xã quan tâm, trường đã được bố trí thêm 6.290m 2 đất để xây dựng mới 12 phòng học chức năng với tổng mức đầu tư 9,9 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 8-2017. Cô Khiết cho biết thêm, để đầu tư xây dựng các hạng mục “cứng” theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia như trường có tường rào, cổng, biển trường kiên cố, có đủ phòng, lớp đủ diện tích, số lượng để tổ chức hiệu quả hoạt động quản lý, trang thiết bị dạy học và sinh hoạt... cần thêm từ 500-700 triệu đồng. Với đặc thù là xã vùng xa, kinh tế thuần nông, phần lớn bố mẹ các cháu đều đi làm ăn xa, nguồn thu ngân sách của xã không đáng kể nên nhà trường gặp khó khăn trong công tác vận động xã hội hóa tạo nguồn kinh phí xây dựng trường chuẩn. Vì thế, trường chỉ có thể đạt mục tiêu chuẩn quốc gia cấp độ 1 trong năm học 2017-2018.
 
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phùng Văn Hà, Phó Phòng GD và ĐT huyện cho biết: “Trong những năm qua, việc huy động ngân sách địa phương đầu tư cho xây dựng cơ bản của các trường mầm non gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các xã xây dựng NTM giai đoạn sau. Bên cạnh đó, hiện còn mâu thuẫn giữa yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục với thực trạng xuống cấp của trang thiết bị cơ sở vật chất ở một số trường học”. Nhằm giải quyết thực trạng trên, rút kinh nghiệm từ những năm trước, giai đoạn 2016-2020, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện khảo sát năng lực, kế hoạch của các xã, thị trấn, trường học, từ đó bố trí vốn tập trung đầu tư trọng điểm. Huyện ưu tiên xây dựng chuẩn quốc gia cho các trường có số học sinh đông, đã hoàn thành cơ bản 4/5 tiêu chí gồm: Chất lượng giáo dục; tổ chức và quản lý, đội ngũ giáo viên; công tác xã hội hóa; phối hợp với gia đình, địa phương trong hoạt động giáo dục học sinh. Chủ động chỉ đạo các trường tham mưu với UBND các xã, thị trấn hoàn thiện quy hoạch, đề nghị với cấp có thẩm quyền bổ sung diện tích đất cho các trường nhằm đáp ứng nhu cầu trường đạt chuẩn quốc gia trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Tiếp tục làm tốt việc nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, cha mẹ học sinh và xã hội về lợi ích của việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đáp ứng chương trình xây dựng NTM. Tăng cường thực hiện kỷ cương, nền nếp, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục trong các nhà trường. Tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cán bộ quản lý và giáo viên, sàng lọc, phân công, sắp xếp lại công việc với những người năng lực hạn chế, đồng thời chú trọng thi đua, khen thưởng với các trường, địa phương làm tốt. Để đạt chỉ tiêu huyện NTM vào năm 2018, cần hơn nữa sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương, ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, việc đầu tư cơ sở vật chất các trường học phải thực chất, tránh chồng chéo, dàn trải, đảm bảo linh động, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tế của từng nhà trường, từng địa phương.
 
Để hoàn thành được tiêu chí cơ sở vật chất trường học trong xây dựng NTM (đạt chuẩn quốc gia), rất cần sự nỗ lực phát huy hơn đối với ngành giáo dục và sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội. Hiện tại, ngành GĐ và ĐT tỉnh đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất các trường học nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh ta, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com