Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi thủy sản

08:04, 04/04/2017
An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Thực phẩm nói chung và thực phẩm thủy sản nói riêng là một trong những nhu yếu phẩm không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của mỗi người. Để các sản phẩm thủy sản khi đưa ra thị trường được đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thì việc áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật từ khâu sản xuất giống, nuôi thương phẩm, thu hoạch… là vô cùng cần thiết.
Nông dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) thu hoạch cá trắm đen.
Nông dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) thu hoạch cá trắm đen.
Đối với sản xuất giống thủy sản, Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện tiến hành thống kê, lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 115 cơ sở sản xuất giống mặn lợ, 22 cơ sở sản xuất giống nước ngọt. Hoạt động sản xuất giống tại chỗ và nhập giống thủy sản được quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, toàn bộ nguồn giống nhập phải được đối chiếu giấy chứng nhận kiểm dịch, đánh giá chất lượng giống, thu mẫu xét nghiệm đối chứng, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong vận chuyển lưu thông giống nhằm ngăn chặn, loại bỏ những lô giống kém chất lượng, nhiễm bệnh. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn tăng cường kiểm tra dịch bệnh; vệ sinh thú y tại tất cả các cơ sở sản xuất và kinh doanh con giống thủy sản trong tỉnh. Trong quá trình nuôi thương phẩm, Chi cục Thủy sản kết hợp chặt chẽ cùng các đơn vị trực thuộc Sở NN và PTNT như: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Thanh tra Sở thường xuyên thực hiện các chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong thủy sản, giám sát đảm bảo an toàn dịch bệnh các vùng nuôi thủy sản trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo các hộ nuôi về sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học đúng quy định; hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt, nâng cao nhận thức cho các hộ nuôi. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản, đảm bảo các cơ sở phải có đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, ATVSTP. Quản lý chặt chẽ các loại vật tư, các Cty có sản phẩm lưu hành trên địa bàn tỉnh làm căn cứ xây dựng kế hoạch kiểm tra, đảm bảo các loại vật tư trong nuôi thủy sản đều đạt yêu cầu chất lượng và được phép lưu hành theo quy định của pháp luật. Qua các đợt kiểm tra, kết quả cho thấy hầu hết các cơ sở đều xếp loại B, đã đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, kinh doanh các loại vật tư dùng trong nuôi thủy sản. Đối với một số cơ sở xếp loại C các cơ quan chức năng yêu cầu khắc phục lỗi tùy theo chỉ tiêu vi phạm và báo cáo kết quả khắc phục cho đoàn kiểm tra để tiến hành hậu kiểm. Ngoài các vùng nuôi tập trung trọng điểm như vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú ở Bạch Long, Giao Phong, Giao Thiện (Giao Thủy); Hải Hòa, Hải Đông, Hải Lý (Hải Hậu); vùng nuôi cá bống bớp và nhiều đối tượng khác ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu… hiện trên địa bàn toàn tỉnh đã có 11 cơ sở nuôi nhỏ lẻ ký cam kết bảo đảm sản xuất thực phẩm an toàn. Bên cạnh sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, người nuôi thủy sản cũng cần trang bị những kiến thức cần thiết cũng như nâng cao ý thức để nuôi thủy sản không những đảm bảo về số lượng mà còn đạt chất lượng cao. Người dân cần tham gia các lớp tập huấn về đảm bảo ATVSTP và kỹ thuật nuôi thủy sản. Thả giống theo đúng lịch, thời vụ; chỉ thả những con giống đã được kiểm dịch đầy đủ. Đặc biệt, theo các kỹ sư thủy sản để đảm bảo sản phẩm thủy sản được sạch, trong suốt quá trình nuôi người nuôi không được sử dụng các hóa chất, chế phẩm sinh học… không có trong danh mục được Bộ NN và PTNT cho phép sử dụng; không lạm dụng hóa chất, kháng sinh để chữa trị bệnh cho thủy sản; không xả nước và các chất thải từ ao, đầm nuôi khi chưa xử lý ra môi trường xung quanh. Ông Hoàng Văn Tuấn, xã Hải Lý (Hải Hậu) nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGap do Trung tâm Dạy nghề và chuyển giao công nghệ Vacvina hỗ trợ đầu tư. Với diện tích 2ha, mỗi năm hộ ông Tuấn lãi 1 tỷ đồng. Ông Tuấn cho biết: “Để đảm bảo ATVSTP thủy sản, trong quá trình nuôi, tôi luôn chú trọng vào việc kiểm tra, theo dõi nguồn nước khi lấy vào và thải ra môi trường nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường nuôi. Ngoài ra, thức ăn cho tôm cũng được chọn lựa kỹ càng, phải có đầy đủ nhãn mác, đảm bảo không bị hết hạn, mốc… Đặc biệt, tôi không sử dụng các hóa chất, kháng sinh, chế phẩm sinh học đã bị cấm hoặc những sản phẩm không nằm trong danh mục được phép sử dụng. Thời gian chuẩn bị thu hoạch tôm tuyệt đối không sử dụng thuốc hoặc kháng sinh. Có như vậy đàn tôm mới có sức khỏe tốt, không bị dịch bệnh, đảm bảo có nguồn thực phẩm thủy sản sạch cung cấp ra thị trường”.
 
Để nâng cao chất lượng ATVSTP thủy sản, thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc chứng nhận xuất xứ sản phẩm thủy sản nuôi nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phục vụ cho việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiếp tục mở các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nuôi thủy sản cho người nuôi. Xây dựng và triển khai chương trình nuôi có kiểm soát theo các tiêu chuẩn: GaqP, GMP, GlobalGAP đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá rô phi… Nhân rộng việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, GMP, SSOP… trong sơ chế, chế biến, bảo quản thủy sản nhằm tăng giá trị sản phẩm thủy sản./. 
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com