Nằm ở phía nam huyện Trực Ninh, xã Trực Thanh (Trực Ninh) với bình quân ruộng đất chỉ 1,5 sào/người, khoảng 65% lao động trong độ tuổi của xã là lao động nông nghiệp. Ngoài sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã còn có nghề đan cót truyền thống tại các thôn: Ngọc Đông, Duyên Lãng. Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, UBND xã đã xây dựng đề án phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề và ban hành cơ chế hỗ trợ về thủ tục đất đai; tạo điều kiện cho các hộ dân, các cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
|
Sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen tại Cty CP VLXD Minh Trang, xã Trực Thanh. |
Xã đã hoàn thành hồ sơ được tỉnh ra quyết định công nhận 2 làng nghề đan cót ở thôn Duyên Lãng, Ngọc Đông đủ tiêu chuẩn làng nghề (theo các tiêu chí làng nghề do Bộ NN và PTNT quy định) từ năm 2012. Do nhu cầu của thị trường, nghề đan cót tuy không thể mở rộng nhưng vẫn tạo việc làm cho gần 300 lao động nông nhàn với mức thu nhập từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Cùng với việc tạo điều kiện cho các hộ duy trì nghề truyền thống, xã Trực Thanh đã tích cực vận động, tìm kiếm, đưa nghề mới về địa phương. Hằng năm xã phối hợp với Trường Trung cấp nghề Nam Định tổ chức từ 3-5 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với các nghề: cơ khí, mây tre đan, mộc, điện dân dụng… thu hút hàng trăm lượt học viên tham gia. Nhờ đó, ngoài nghề đan cót, trên địa bàn xã đã hình thành và phát triển thêm các nghề: mộc gia dụng, cơ khí, xây dựng dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng, chẻ tăm hương, làm hương xuất khẩu, may công nghiệp… tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động phi nông nghiệp và hàng trăm lao động thời vụ tận dụng thời gian nông nhàn để có thêm thu nhập. Gần chục năm nay, anh Phạm Văn Oánh, xóm 12 đã chuyển nghề từ đan cót sang làm tăm hương xuất khẩu. Vừa sản xuất, vừa đầu tư, đến nay, cơ sở sản xuất tăm hương của anh Oánh đã có tổng diện tích trên 1.000m
2, toàn bộ các khâu: chẻ lát, vót tăm, cắt, đánh bóng sản phẩm… đều được thực hiện bằng các loại máy chuyên dụng với tổng giá trị đầu tư gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 20 lao động trực tiếp có thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày và hàng chục lao động nhận gia công tại nhà với mức thu nhập từ 70-80 nghìn đồng/người/ngày. Nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, sẵn nguồn nguyên liệu tăm hương sản xuất tại địa phương, anh Phạm Đình Độ cũng ở xóm 12 đã đầu tư hàng trăm triệu đồng sắm 7 máy sản xuất hương thơm, một phần được tiêu thụ nội địa, phần lớn được xuất khẩu sang Ấn Độ. Kinh doanh thuận lợi, anh tiếp tục đầu tư trên 100 triệu đồng mua thêm 6 máy làm hương để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện tại, năng suất mỗi máy làm hương mỗi ngày sản xuất được từ 60-70kg hương (trên dưới 1.000 que) với 2 loại chính là 20,5cm và 23cm, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng. Cũng trong năm 2015, anh Độ còn được UBND xã tạo điều kiện về mặt bằng tại khu vực bến phà Thanh Đại để mở xưởng sơ chế dược liệu xuất khẩu từ các loại cây: hoàng đằng, huyết đằng, cu-li… xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương. Ngoài ra, xã Trực Thanh còn có 10 cơ sở mộc dân dụng, cơ khí chuyên sản xuất các sản phẩm gia dụng phục vụ sinh hoạt của nhân dân, mỗi cơ sở đã tạo việc làm cho từ 3-5 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Tận dụng ưu thế có vùng bãi sông Ninh Cơ, xã đã thu hút được Cty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Minh Trang đầu tư trên 54 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen, công suất thiết kế 20 triệu viên/năm trên tổng diện tích 3ha tại địa phận xóm 13. Cty Minh Trang đi vào hoạt động đã thu hút, tạo việc làm cho trên 100 lao động chủ yếu là người địa phương với mức lương bình quân từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Trên địa bàn xã hiện có gần chục đội thợ xây dựng dân dụng, mỗi đội có từ 7-10 lao động ổn định, thợ chính có thu nhập từ 170-180 nghìn đồng/người/ngày công, thợ phụ cũng đạt mức thu nhập từ 130-150 nghìn đồng/người/ngày công. Chính thức bước vào sản xuất từ năm 2015, cơ sở may công nghiệp của anh Ngô Bá Tiến, xóm 11 hiện có gần 20 máy may chuyên dụng, tạo việc làm cho 15 lao động trực tiếp và hàng chục hộ nhận gia công sản phẩm tại nhà. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh sản xuất được khoảng 10 nghìn sản phẩm trang phục, quần áo bảo hộ; bình quân thu nhập của người lao động đạt từ 100-120 nghìn đồng/ngày.
Nhờ phát triển đa dạng ngành nghề, đến năm 2016, cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng các ngành xây dựng - công nghiệp - dịch vụ đã chiếm 50% cơ cấu kinh tế toàn xã. Ngoài lực lượng lao động trực tiếp tham gia sản xuất CN-TTCN, xã còn có gần 500 lao động nông nghiệp tận dụng thời gian nông nhàn làm các nghề phụ để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Năm 2017, xã phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 12% trở lên, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm trên 50% cơ cấu kinh tế; nâng mức bình quân thu nhập theo đầu người lên trên 30 triệu đồng/năm. Để hoàn thành mục tiêu đó, trong thời gian tới xã tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xây dựng NTM bền vững./.
Bài và ảnh:
Thành Trung