Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng đổ trộm chất thải, xả thải không qua xử lý, vứt xác súc vật, rác thải sinh hoạt ra ven quốc lộ, đê, sông hồ, kênh mương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất của nhân dân, tác động tiêu cực tới hình ảnh của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, một bộ phận doanh nghiệp, cộng đồng dân cư còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tội phạm và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa quyết liệt, hiệu quả; chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ răn đe. Việc quản lý BVMT và xây dựng môi trường sống trong lành chưa được các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư quan tâm, triển khai thực hiện thường xuyên.
|
Nhân viên Trạm xử lý nước thải CCN An Xá (TP Nam Định) kiểm soát nguồn xả thải của doanh nghiệp trước khi xả ra môi trường. |
Để khắc phục những tồn tại trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi xả thải bừa bãi chất thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động sinh hoạt, sản xuất làng nghề, chăn nuôi, xây dựng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN và MT đang tập trung rà soát, điều tra thống kê các nguồn nước thải có lưu lượng thải trên 100m
3/ngày đêm hoặc nguồn thải có lưu lượng nhỏ hơn nhưng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào kết quả rà soát, thống kê, Sở TN và MT sẽ yêu cầu các đối tượng có quy mô xả lớn lắp đặt các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật và truyền số liệu quan trắc trực tiếp về Sở TN và MT. Qua thời gian tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, xử lý của ngành chức năng, đến nay, riêng tại khối doanh nghiệp đã có sự chuyển biến về nhận thức, đã chủ động thực hiện trách nhiệm và các quy định về BVMT, không xả thải gây ô nhiễm ra môi trường. Theo kết luận của Thanh tra Bộ TN và MT đối với kết quả quan trắc nước thải, khí thải của Cty TNHH Tùng Dương chuyên tái chế dầu thải tại xã Nghĩa An (Nam Trực), Cty đã thực hiện đầy đủ các công trình, biện pháp BVMT và các quy định pháp luật về BVMT. Kết quả quan trắc nước thải, khí thải của Cty TNHH Tùng Dương do Thanh tra Bộ TN và MT lấy mẫu ngày 1-11-2016 như sau. Đối với nước thải lấy tại cuối đường ống (sau hệ thống xử lý nước thải của Cty, trước khi thải vào mương điều hòa) có 28/28 thông số đạt quy chuẩn môi trường cho phép (QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) và QCVN 14:2008/BTNMT (cột A). Đối với khí thải tại ống khói lò chưng cất dầu xưởng số 2 có 8/8 thông số đạt quy chuẩn cho phép QCVN 19:2009/BTNMT (cột B). Hiện, Sở TN và MT tiếp tục chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác BVMT, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT tại các khu, CCN, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; đặc biệt chú trọng đến các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cơ sở sản xuất phát sinh nhiều chất thải; ngăn ngừa, phòng chống tội phạm môi trường. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh kế hoạch phát động, triển khai sâu rộng phong trào toàn dân thi đua xây dựng, BVMT nông thôn, khu phố trong lành, xanh - sạch - đẹp. Trong năm 2017 phấn đấu xây dựng ít nhất 1-2 KCN, 1-2 CCN và mỗi huyện có ít nhất 2-3 xã điển hình, kiểu mẫu về BVMT. Công an tỉnh hiện đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan, UBND các huyện, thành phố và Sở TN và MT tập trung phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi chôn lấp, xả thải, đổ phế thải xây dựng, chất thải hầm cầu, chất thải sinh hoạt và các chất thải khác, vứt xác súc vật ra môi trường…; điều tra, truy tố các hành vi tội phạm gây ô nhiễm môi trường. Ban Quản lý các KCN thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung về BVMT đối với các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm xây dựng, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về BVMT của các KCN; là đơn vị đầu mối theo dõi, giám sát, đôn đốc việc chấp hành xử phạt và thực hiện khắc phục các vi phạm của các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác BVMT trên địa bàn; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu và tuân thủ các quy định về BVMT; xử lý nghiêm các hành vi chôn lấp, đổ trộm chất thải, xả thải, vứt xác súc vật, rác thải sinh hoạt ra môi trường, nhất là ra biển và các lưu vực sông, ao, hồ, ven đê, ven đường quốc lộ./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy