Những năm gần đây, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đã tích cực thực hiện xây dựng các vùng chuyển đổi với những mô hình kinh tế trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng hành cùng sự phát triển đó có sự chung tay góp sức của Ngân hàng CSXH với nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời tạo nguồn lực để các chủ trang trại, gia trại đầu tư sản xuất hiệu quả.
Trang trại của gia đình bác Trần Công Lộc thường xuyên tạo việc làm cho 5 lao động ở địa phương với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. |
Dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình trang trại, gia trại ở vùng chuyển đổi của địa phương, đồng chí Trần Đức Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Mỹ Hà phấn khởi cho biết: Thực hiện chủ trương xây dựng NTM theo chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Lộc và Đảng bộ, chính quyền xã, HND xã đã xác định tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng chính; coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tạo nguồn lực để hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Được Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Lộc ủy thác, hiện HND và Hội Phụ nữ xã đang quản lý và triển khai cho gần 700 hộ gia đình vay vốn tín dụng chính sách theo các chương trình cho vay với tổng dư nợ hơn 10 tỷ 724 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn trên, các hộ gia đình trong xã đã mạnh dạn đầu tư cải tạo những thửa ruộng không thuận lợi cho sản xuất lúa sang nuôi thủy sản, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và trồng cây cảnh… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Có mặt tại vùng chuyển đổi Ngút Lướt, thôn Trần Phong, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh những trang trại, gia trại quy mô, bề thế được hình thành và phát triển ở nơi lãnh đạo xã cho biết vốn là vùng ruộng trũng đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và tạo nên một diện mạo mới cho quê hương. Đi tới đâu cũng được nghe và được thấy bà con bàn tính cách thức thâm canh, tìm phương án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để có thu nhập cao hơn trên từng diện tích đất canh tác. Thực hiện chủ trương quy hoạch lại sản xuất tạo thành các vùng chuyên canh, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương qua tham vấn nguyện vọng người dân đã quy hoạch vùng ruộng trũng Ngút Lướt thành vùng nuôi thủy sản. Để tạo thuận lợi cho vùng chuyên canh này, xã đã đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống đường điện, trạm biến áp… phục vụ việc chăn nuôi của bà con. Tại vùng chuyển đổi này từng mét đất được sử dụng triệt để, trên bờ ao nông dân trồng các loại cây cảnh, cây thế trông thật bắt mắt; dưới ao nuôi các loại cá truyền thống có giá trị kinh tế chủ lực là cá trắm đen cung cấp nguyên liệu cho làng kho cá truyền thống Nhân Hậu (Hà Nam). Chúng tôi đến trang trại của vợ chồng anh Trần Văn Quyên và Trần Thị Thủy là một trong những trang trại lớn nhất vùng chuyển đổi, người tiên phong quyết “lập thân, lập nghiệp” ở vùng đất trũng. Chị Thủy kể: Từ cách đây hàng chục năm khi cả vùng Ngút Lướt này còn là vùng ruộng trũng ngập, cả năm chỉ cấy được một vụ mà năng suất thì thấp và bấp bênh nên chẳng ai muốn nhận để canh tác. Không “ngại khó, ngại khổ”, vợ chồng chị đã quyết định nhận thầu với UBND xã Mỹ Hà để cải tạo 6 mẫu ruộng trũng thành ao nuôi cá trắm đen. “Khi đó vợ chồng em làm chẳng được ai ủng hộ, thậm chí không ít người còn “bàn ra, tán vào” đủ điều, nhưng chúng em không nản, vẫn quyết tâm đào ao, kè bờ để nuôi cá”. Sau khi bỏ bao công sức đào đắp được 9 ao nuôi và nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu thị trường, anh chị quyết định chọn nuôi giống cá trắm đen là con nuôi phù hợp với điều kiện nguồn nước ở đây. Để bảo đảm thành công, anh Quyên tìm đến Trại giống cá Mỹ Tân (Mỹ Lộc) để mua cá giống, học cách gột cá bột, rồi ương thành cá hương và nuôi cá thịt. Chăm chỉ, cần cù, chịu khó tìm tòi, rồi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau một vài vụ “trả giá”, cuối cùng anh cũng thành công. Nhận thấy có tương lai phát triển, anh chị đã quyết định làm hồ sơ và được Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Lộc cho vay 50 triệu đồng. Có thêm nguồn vốn, ngoài việc đầu tư nuôi cá trắm đen, anh chị còn đầu tư nuôi thêm lợn nái, gà đẻ và trồng cây cảnh. Đất không phụ công người, đến nay trang trại của gia đình anh Quyên đã cho nguồn thu nhập ổn định trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ giúp gia đình thoát nghèo bền vững, giờ đây trang trại của anh Quyên còn trở thành địa chỉ để nhiều hộ nông dân trong xã, trong vùng đến tìm hiểu, học tập làm theo. Hiện cả vùng chuyển đổi đã có 24 hộ đang phát triển mô hình trang trại, gia trại mang lại nguồn doanh thu ổn định… Trước sự phát triển của các trang trại nuôi thủy sản tại đây, để đảm bảo ổn định, bền vững UBND xã đã chỉ đạo HND đứng ra chủ trì vận động thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản Trần Phong để tập hợp các hộ nuôi thủy sản nhằm tổ chức sản xuất hợp lý, tương trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Còn tại vùng chuyển đổi ven sông Châu Giang, không ai không biết đến trang trại chăn nuôi tổng hợp rộng hơn 2.000m2 của bác Trần Công Lộc ở thôn 16. Bác Lộc cho biết: Đã hơn chục năm nay, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Lộc luôn đồng hành cùng quá trình phát triển trang trại của bác. Nguồn vốn tín dụng chính sách tuy không nhiều nhưng đã giúp bác có thêm nguồn lực để đầu tư nuôi các loại cá truyền thống và nuôi gà trắng theo phương thức công nghiệp. Để thành công trong chăn nuôi, bác Lộc đã chủ động liên kết với Cty CJ (Hàn Quốc) và một số doanh nghiệp, trung tâm giống thủy sản ở trong và ngoài tỉnh… để có được sự hỗ trợ về con giống, thức ăn, các kỹ thuật nuôi, cách phòng chống dịch bệnh. Đầu tư khá quy mô, bài bản nên mô hình trang trại của bác Lộc đã không ngừng lớn mạnh. Hiện mỗi năm trang trại của gia đình bác nuôi được 6 lứa gà trắng, mỗi lứa khoảng 8.000 con; dưới ao bác thả các loại cá truyền thống… Mỗi năm doanh thu từ trang trại của bác Lộc đạt trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động…
Nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Lộc đã và đang được các chủ trang trại, gia trại ở các vùng chuyển đổi sử dụng một cách hiệu quả, góp phần làm giàu cho gia đình và quê hương. Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả cũng như bảo toàn nguồn tín dụng chính sách, thời gian tới HND, Hội Phụ nữ xã Mỹ Hà sẽ thường xuyên phối hợp với cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Lộc xuống tận các hộ được vay vốn để kiểm tra mục đích sử dụng vốn, đồng thời vận động, hướng dẫn các hộ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định cho vay của các hộ vay vốn; phân công cán bộ tham gia sinh hoạt với các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) để lồng ghép tuyên truyền cho hộ vay có nhận thức đúng đắn về các chương trình tín dụng mà Ngân hàng CSXH đang triển khai. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH huyện cũng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát và lập kế hoạch kiểm tra hằng năm. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ tổ chức hội nhận uỷ thác, tổ trưởng tổ TK và VV về công tác kiểm tra, kiểm soát; công tác quản lý tổ TK và VV… Chỉ đạo các tổ TK và VV thực hiện bình xét cho vay đúng đối tượng đã được phê duyệt./.
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại