Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết mưa phùn, độ ẩm không khí cao nhưng trong những ngày qua, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện nghiêm túc, triệt để.
Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra ở gia cầm, thủy cầm và chim bồ câu của một số hộ chăn nuôi trong tỉnh. Mặc dù đã khống chế được dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng nhưng đây là một loại bệnh nguy hiểm, gây tổn thất lớn cho người chăn nuôi nên ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân không được chủ quan. Nhất là vào thời điểm giao mùa sức đề kháng của gia súc, gia cầm yếu là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Mặt khác ở tỉnh ta dịch cúm A/H5N1 đã xuất hiện từ năm 2013 nên trong môi trường vẫn còn tồn dư mầm bệnh. Do vậy, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sản xuất, sức khỏe nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tỉnh đã phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2017” trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 5-3 đến ngày 5-4-2017. Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể nhân dân thấy được tính chất đặc biệt nguy hiểm của dịch bệnh gia súc, gia cầm, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng”. Huy động các nguồn lực của địa phương để hỗ trợ các xã, phường, thị trấn và hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường cán bộ bám sát địa bàn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật tiêu độc, khử trùng để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, động vật và phương tiện. Là một trong những địa phương phát sinh dịch cúm gia cầm, xã Trực Thuận (Trực Ninh) đang thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Đồng chí Ngô Văn Nhẫn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã phát động bà con nhân dân tập trung quét dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ xung quanh các khu vực chăn nuôi, khu vực giết mổ… Được UBND huyện Trực Ninh cấp hỗ trợ cho 192 lít thuốc sát trùng, xã đã thành lập đội phun, thực hiện phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy, trục đường giao thông ra, vào khu vực có dịch, nơi tiêu hủy gia cầm, chốt kiểm soát… Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân mua 5 tấn vôi bột để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Nhờ thực hiện triệt để các biện pháp trong phòng chống dịch bệnh nên đến nay, dịch cúm gia cầm trên địa bàn xã Trực Thuận đã qua 21 ngày không phát sinh ổ bệnh mới, đàn gia súc vẫn phát triển ổn định. Tại huyện Xuân Trường, vừa qua đã phát hiện ở xã Xuân Kiên có trường hợp gia cầm ốm chết. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, huyện sớm triển khai kế hoạch Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đến 20 xã, thị trấn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn thể nhân dân thấy được tính chất đặc biệt nguy hiểm của dịch bệnh, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Đồng chí Vũ Tuấn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đến thời điểm này, toàn huyện in 22 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; sử dụng gần 14 tấn vôi bột và 630 lít hóa chất để tiêu độc, khử trùng tại các vùng chăn nuôi tập trung, các trang trại, gia trại lớn, nơi công cộng, các tuyến đường giao thông, khu chôn lấp rác thải… Đồng thời tổ chức dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh. Nhìn chung, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn huyện đang được thực hiện quyết liệt, nhất là tại các xã giáp ranh với xã Xuân Kiên và huyện Trực Ninh.
|
Vệ sinh trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Thọ, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). |
Không chỉ tại các địa phương có dịch và những nơi nguy cơ cao, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, người dân cũng rất tích cực, chủ động trong việc thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Bà Nguyễn Thị Liên, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) cho biết, nhiều năm chăn nuôi đã cho bà kinh nghiệm, khi thời tiết diễn biến phức tạp, mưa phùn, độ ẩm không khí cao làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, đồng thời là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao. Để bảo vệ đàn vật nuôi cũng là tài sản của gia đình, bà đã tự giác đi mua thuốc khử trùng về để phun toàn bộ chuồng trại mỗi tuần 1 lần. Ngoài ra, bà còn thường xuyên quét dọn sạch sẽ trong và xung quanh chuồng nuôi, thu gom phân, rác thải, chất độn chuồng để đốt; rắc vôi bột ở lối đi. Việc thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng kèm theo bổ sung chế độ ăn hợp lý đã giúp đàn vật nuôi của bà Liên từ nhiều năm luôn phát triển tốt, không lây nhiễm dịch bệnh. Thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1, tỉnh đã cấp 7.920 lít hóa chất cho các địa phương. Kết quả đến nay, các địa phương đã tổ chức 183 đội phun thuốc sát trùng. Ngoài lượng hóa chất do tỉnh hỗ trợ, các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động mua 42,7 tấn vôi bột và 600 lít thuốc sát trùng để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Có thể nói, Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch cúm gia cầm đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và các hộ chăn nuôi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Còn một số địa phương không tổ chức các đội phun thuốc ở khu vực công cộng, chợ buôn bán động vật và sản phẩm động vật. Đến ngày 21-3, huyện Vụ Bản vẫn chưa thành lập được đội phun thuốc nào với lý do các xã không có kinh phí (?!). Bên cạnh đó, lãnh đạo một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Vẫn còn một bộ phận người dân trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước… Phát biểu chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm năm 2017 của tỉnh, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh nhấn mạnh: Với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay, việc xây dựng các chuồng trại theo đúng quy chuẩn còn ít, người dân chủ yếu chăn nuôi theo kiểu tận dụng, chưa chú trọng đến xử lý phân rác, do đó mầm bệnh thải ra môi trường nhiều. Phun khử trùng tiêu độc là một biện pháp hữu hiệu tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra và cắt đứt được vòng truyền lây mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi cũng như con người, hạn chế dịch bùng phát. Do vậy các địa phương và các ngành liên quan cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về tầm quan trọng của việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Các xã, thị trấn thành lập các đội phun thuốc tại các khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán động vật sống, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm… Đồng thời, yêu cầu các trang trại, gia trại cần chủ động mua vật tư, hóa chất, vôi bột tự tiến hành tiêu độc, khử trùng trong khu vực chăn nuôi của mình, có sự giám sát của cơ quan thú y. Vận động những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mua vôi bột rắc ở lối đi lại và xung quanh chuồng nuôi.
Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” việc thực hiện tốt “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng” là giải pháp bước đầu quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn gia súc và sức khỏe của cả cộng đồng./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh