Thời gian qua, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang khá ổn định. Việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cùng chất lượng tín dụng được bảo đảm… chính là cơ sở để các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh từng bước hạ lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phát triển.
Theo đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, thời điểm từ cuối tháng 10-2016 theo chỉ đạo của Hội sở chính, các chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Nam Định, Thành Nam; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Nam Định (Vietcombank Nam Định)… đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp khởi nghiệp, mức tối đa từ 7%/năm xuống còn 6%/năm. Tiếp đà đó, các Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định (Vietinbank Nam Định), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam chi nhánh Nam Định (Techcombank Nam Định)… đã có kế hoạch, lộ trình giảm lãi suất và áp trần lãi suất cho vay là 10%/năm đối với doanh nghiệp. Cụ thể, mức tín dụng trong những tháng cuối năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng; ở mức 4,6-5,5%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; ở mức 5,5-7,2%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên… Do vậy, lãi suất cho vay bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao phổ biến ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn, 8,5-9,5%/năm đối với trung, dài hạn; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-10%/năm đối với ngắn hạn, khoảng 10-11%/năm đối với trung, dài hạn. Tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay là Vietcombank Nam Định, đã hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn. Theo đó, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh vay vốn trung và dài hạn sẽ được hưởng gói lãi suất ưu đãi (tối đa 10% một năm) trong thời gian một năm. Tương tự Vietcombank, các chi nhánh VietinBank Nam Định, BIDV Nam Định, Thành Nam cũng thông báo hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn về mức tối đa 10% một năm. Một số ngân hàng khác thì áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ cũng sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Các khoản cho vay ngắn hạn mới sẽ được áp dụng lãi suất tối đa là 6%/năm. Việc giảm lãi suất này nhằm khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.
|
Giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT huyện Hải Hậu. |
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, quyết định tích cực trên của các ngân hàng đã nhóm lên hy vọng cho rất nhiều doanh nghiệp đang phải “gồng mình” duy trì sản xuất, kinh doanh trước những tác động chung bởi nền kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn; chi phí đầu tư cao trong khi lượng hàng hóa tiêu thụ chậm. Đặc biệt việc lãi suất cho vay giảm được xem là “cú hích” quan trọng đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi gánh nặng lãi suất cao trong suốt thời gian qua sẽ được giảm bớt, đồng thời thúc đẩy các đơn vị này tiếp tục tìm hướng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất mới, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của phóng viên thì mặc dù lãi suất cho vay của các ngân hàng đang có xu hướng giảm, nhưng việc tiếp cận được “nguồn vốn rẻ” từ các ngân hàng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có tài sản bảo đảm giá trị thấp… vẫn chưa thật thuận lợi và các khoản vay hiện chưa đáo hạn đã không được điều chỉnh giảm theo. Đây cũng là một khó khăn đối với doanh nghiệp cần được các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc hạ lãi suất của các ngân hàng cũng chưa được áp dụng đồng loạt với tất cả các doanh nghiệp. Một số ngân hàng chỉ hạ lãi suất với các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt và các đối tác truyền thống. Lý giải cho vấn đề trên, đại diện một ngân hàng cho rằng: các ngân hàng cũng đang phải chịu khá nhiều sức ép từ việc huy động, chi phí quản lý vốn… Đó là chưa kể đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang tốt lên cho thấy nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân là có thật và đang tăng lên từng ngày, đặc biệt là nhu cầu vay vốn tiêu dùng. Trong khi đó, lĩnh vực cho vay tiêu dùng đang có mặt bằng lãi suất khá cao đã mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các ngân hàng, vì vậy các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn cho vay lĩnh vực này. Như vậy một mặt các ngân hàng vừa “ưu tiên” nguồn vốn vào mảng này, một mặt “buộc” phải tăng lãi suất huy động để thu hút vốn nhằm bảo đảm đủ nguồn cho vay nên rất ít cơ hội để hạ mặt bằng lãi suất cho vay.
Chủ trương điều hành hạ mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn của Chi nhánh NHNN tỉnh là phù hợp với định hướng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và được người dân, doanh nghiệp đón nhận một cách tích cực. Tuy vậy để chủ trương này tạo hiệu ứng rõ rệt hơn đối với nền kinh tế rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành chức năng và sự chung tay, góp sức của các ngân hàng để nguồn vốn tín dụng trở thành động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển./.
Bài và ảnh:
Phạm Văn Đại