Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (SPHH) trong quá trình sản xuất, lưu thông, cung ứng là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp nhằm ổn định thị trường, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong quá trình sản xuất, ngăn chặn hậu quả thiệt hại đến tài sản, quyền lợi, uy tín quốc gia và mỗi cá nhân do hàng hoá không bảo đảm chất lượng gây ra.
Thời gian gần đây, công tác quản lý Nhà nước về chất lượng SPHH trên địa bàn tỉnh được phân cấp thực hiện theo nhiệm vụ chuyên ngành và trong phạm vi địa phương cho từng sở, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng SPHH, ngoài việc thực hiện quản lý theo chuyên môn, các ngành và địa phương xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa theo hướng đảm bảo tính minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hoá và tổ chức, cá nhân đang hoạt động liên quan đến chất lượng SPHH; phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Trong năm qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành 19 văn bản về hoạt động quản lý chất lượng SPHH thuộc các lĩnh vực được phân công; đào tạo và cử chuyên viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chất lượng SPHH cho cán bộ quản lý các cấp. Đây là lực lượng nòng cốt ở các sở, ngành thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng SPHH cho cơ sở sản xuất, kinh doanh và phân phối lưu thông hàng hóa trên thị trường. Từ đầu năm 2016 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức khoảng 200 hội nghị tập huấn nhằm hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về đảm bảo chất lượng SPHH. Cùng với tuyên truyền phổ biến pháp luật, các sở quản lý chuyên ngành đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 26.193 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa trên thị trường. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý 3.675 lượt cơ sở (chiếm 14% cơ sở được kiểm tra) vi phạm các quy định của Nhà nước về đo lường và chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, VSATTP… Ngoài phạt cảnh cáo các cơ sở đơn vị vi phạm, còn phạt tiền hơn 1 tỷ 524 triệu đồng, tạm giữ và tiêu hủy nhiều loại SPHH không đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý khắc phục kịp thời các vi phạm về đo lường, chất lượng, sở hữu công nghiệp, ghi nhãn hàng hóa cũng như các quy định khác của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng; hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Trong đó, Sở NN và PTNT đã tổ chức 42 cuộc thanh tra liên ngành và chuyên ngành tại 692 cơ sở về các nội dung ATTP; giống cây trồng, phân bón, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thuốc BVTV, giống thủy sản; sơ chế, chế biến thực phẩm thủy sản, nông sản. Kết quả, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 58 cơ sở (phạt cảnh cáo 19 cơ sở, phạt tiền 39 cơ sở, số tiền phạt gần 250 triệu đồng). Tổ chức lấy 408 mẫu giám sát nông sản, thủy sản xét nghiệm các chỉ tiêu đánh giá chất lượng, mức độ đảm bảo ATVSTP, 378 mẫu giám sát bao gồm 365 mẫu để kiểm soát chất cấm; 13 mẫu thuốc thú y và 8 mẫu thuốc BVTV kiểm soát chất lượng sản phẩm. Kết quả xét nghiệm đã phát hiện 1 mẫu tôm thẻ chân trắng tồn đọng dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép; 3 mẫu dương tính với chất cấm, 1 mẫu thuốc BVTV không đảm bảo về nhãn mác; 3 mẫu thuốc thú y kém chất lượng.
|
Chi cục QLTT tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý chất lượng hàng hóa cho cán bộ kiểm soát thị trường. |
Cùng với kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chất lượng SPHH, các ngành chức năng đã tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, trách nhiệm và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào quá trình sản xuất để bảo đảm chất lượng SPHH. Các sở, ngành đã hướng dẫn 303 cơ sở thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Trong đó, Sở KH và CN là đơn vị tiên phong trong việc hướng dẫn công bố tiêu chuẩn áp dụng cho SPHH và công bố SPHH phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Trong năm, sở đã tư vấn, hướng dẫn 24 đơn vị về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; 2 cá nhân đăng ký bản quyền đối với sản phẩm đồ dùng học tập; 23 doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn hàng hoá; 2 doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số mã vạch. Cùng với các sở, ngành chuyên môn, các địa phương đã tiến hành phân công cán bộ phụ trách lĩnh vực công việc quản lý chất lượng SPHH, tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật, tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, đồng thời thực hiện tốt vai trò phối hợp giải quyết các khiếu nại, tố cáo về chất lượng SPHH; phát hiện các hành vi, trường hợp sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hoá kém chất lượng trên địa bàn để các cơ quan chức năng tiến hành xử lý. Huyện Giao Thủy đã tổ chức kiểm tra được 280 lượt đối với các mặt hàng: xăng dầu, khí đốt hoá lỏng, phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y, thuốc tân dược, hoá mỹ phẩm, lương thực và thực phẩm. Kết quả có 115 vụ vi phạm, đã tiến hành xử lý 115 vụ (trong đó có 4 vụ về hàng cấm, hàng lậu, 7 vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng và 104 vụ về các hành vi gian lận thương mại khác), phạt hành chính gần 155 triệu đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm có giá trị gần 11 triệu đồng. Thành phố Nam Định và các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Ý Yên nhờ tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa đã phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngay tại nơi sản xuất, đầu mối phân phối, trung chuyển một số sản phẩm mì chính, nước ngọt, vật tư nông nghiệp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… để đề xuất cơ quan chức năng xử lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chất lượng SPHH cũng còn nhiều khó khăn như: Kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, số mẫu lấy kiểm nghiệm chất lượng còn ít nên khó phát hiện các vi phạm chất lượng, chưa đánh giá được một cách khách quan về tình hình chất lượng SPHH trong các khâu sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên địa bàn tỉnh. Năng lực các phòng thử nghiệm chưa đáp ứng nhu cầu thử nghiệm chất lượng SPHH, thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra. Cấp huyện, xã thiếu cán bộ chuyên trách về quản lý chất lượng SPHH, cán bộ được phân công thường thực hiện nhiệm vụ đa ngành, đa lĩnh vực nên công tác quản lý Nhà nước về chất lượng chưa tích cực, chủ động triển khai. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng SPHH, các ngành, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường, đặc biệt đối với lĩnh vực ATVSTP cần tăng cường kiểm tra lấy mẫu đánh giá chất lượng các loại SPHH sau khi đã thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố phù hợp quy chuẩn và hàng hóa lưu thông trên thị trường. Các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh trên thị trường để chủ động phối hợp với các sở quản lý chuyên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra chất lượng SPHH trên địa bàn đạt hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền về lĩnh vực chất lượng SPHH trên các phương tiện thông tin đại chúng./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương