Thực hiện Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 10-6-2014 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch lộ trình và mức hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, huyện Nam Trực đã tích cực vận động, tuyên truyền kết hợp chỉ đạo các địa phương quyết liệt thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công truyền thống.
|
Hộ ông Hoàng Văn Thạnh ở thôn Đồng Bản, xã Nam Lợi đã cải tạo lò gạch thành chuồng trại chăn nuôi. |
Đến nay, toàn huyện đã bỏ được 29/35 lò gạch thủ công, trong đó các xã: Nam Hồng (1 lò); Nam Thanh (5 lò); Đồng Sơn (5 lò); Nghĩa An (12 lò) đã hoàn toàn xóa bỏ lò gạch thủ công, hoàn trả lại mặt bằng ban đầu đúng theo chủ trương của Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND. Các xã Nam Hải, Nam Lợi và Thị trấn Nam Giang vẫn còn lò gạch thủ công chưa được tháo dỡ. Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Phòng Công thương huyện cho biết: “Thời gian đầu, công tác xóa bỏ lò gạch thủ công gặp khá nhiều khó khăn, một phần do các chủ cơ sở sản xuất lò gạch chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công của tỉnh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ một phần kinh phí theo Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND. Mặt khác do công tác thống kê trên thực tế ở các địa phương còn nhiều thiếu sót, chưa đầy đủ”. Theo danh sách báo cáo UBND tỉnh về thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, trên địa bàn huyện Nam Trực có tổng cộng 35 lò cần xóa bỏ với kinh phí hỗ trợ là 422,23 triệu đồng. Tuy nhiên, qua rà soát trên thực tế, tổng số lò được cấp kinh phí hỗ trợ theo định mức của UBND tỉnh quy định là 364,69 triệu đồng, giảm 57,54 triệu đồng so với kế hoạch đề ra. Lý giải tình trạng trên, theo cơ quan chuyên môn chủ yếu do một số hộ sản xuất chưa hiểu rõ cách tính công suất lò để hỗ trợ, theo văn bản hướng dẫn của địa phương chỉ tính cho 1 lựa (1 lần đốt) nhưng các chủ hộ lại kê khai thống kê theo 1 vụ (nhiều lần đốt), do đó công suất thực tế qua rà soát của các lò gạch thủ công truyền thống đều giảm so với quyết định theo mức tính ban đầu của UBND tỉnh. Sau khi rà soát, thống kê trên thực tế, trong 2 năm 2014 và 2015, huyện Nam Trực đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương có lò gạch thủ công truyền thống tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh trên địa bàn về chủ trương xóa bỏ cũng như mức hỗ trợ kinh phí tháo dỡ lò gạch. Yêu cầu mỗi địa phương bố trí 1 cán bộ phụ trách trực tiếp đến từng hộ để trao đổi, vận động các chủ lò gạch chủ động tuân thủ theo chủ trương của Quyết định 13/2014/QĐ-UBND, đồng thời thực hiện chế độ báo cáo định kỳ thường xuyên mỗi tháng/lần về UBND huyện. Nhờ vậy, hết năm 2014, đã có 18 lò gạch của 16 cơ sở tự giác ngừng đốt, dỡ lò gạch hoàn trả lại nguyên trạng mặt bằng ban đầu với tổng số tiền hỗ trợ là 193,27 triệu đồng. Năm 2015, huyện tiếp tục xóa bỏ thêm 11 lò gạch thủ công truyền thống trên địa bàn xã Nghĩa An vùng bãi sông Đào với tổng mức hỗ trợ là 109,2 triệu đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện chỉ còn tồn tại 6 lò gạch ở 4 cơ sở của các ông: Hoàng Văn Thạnh, Vũ Văn Cường (3 lò - xã Nam Lợi); Nguyễn Văn Cường (1 lò - xã Nam Hải) và ông Lê Văn Hiện (2 lò - Thị trấn Nam Giang). Trong năm 2016, UBND huyện đã nhiều lần có công văn đôn đốc 4 hộ yêu cầu phá dỡ theo đúng quy định tại Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh song đến nay các hộ mới chỉ ngừng đốt, phá dỡ ống khói, phần thân lò các hộ vẫn đang tận dụng để chăn nuôi gia súc. Qua các buổi làm việc trực tiếp với các chủ hộ, hầu hết các hộ đều đã cam kết không tổ chức hoạt động sản xuất đốt gạch nung nhưng đều muốn giữ lại thân lò với mục đích làm chuồng chăn nuôi gia súc do khó khăn về tài chính chi phí dỡ bỏ thân lò. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Cường, thôn Ngọc Thượng, xã Nam Lợi cho biết: “Lò gạch thủ công của gia đình tôi công suất 16 vạn viên/lựa, đã ngừng đốt từ năm 2011. Toàn bộ diện tích 5 sào xây dựng lò gạch cũ gia đình đang sử dụng để nuôi 10 con bò kiếm thêm thu nhập”. Theo Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND, mức kinh phí hỗ trợ tháo dỡ lò gạch của gia đình ông Cường là 20 triệu đồng, tuy nhiên, do kinh tế gia đình khó khăn nên chưa thể góp đủ hơn 50 triệu đồng để tháo dỡ ống khói, phá dỡ thân lò hoàn trả lại nguyên trạng mặt bằng trước khi dựng lò gạch nung. Cùng chung hoàn cảnh ông Cường, ông Hoàng Văn Thạnh ở thôn Đồng Bản, xã Nam Lợi chia sẻ với chúng tôi: “Đến nay, gia đình chúng tôi đã chuyển từ đốt lò gạch nung truyền thống sang chăn nuôi gia trại VAC với đàn lợn 100 con cùng với ao nuôi thả cá truyền thống. Riêng lò gạch đã ngừng hoạt động sản xuất gạch nung từ 7-8 năm nay. Tuy nhiên, mức hỗ trợ 12 triệu đồng không đủ chi phí cho việc phá dỡ lò, thêm vào đó, do cơ sở nằm giữa xứ đồng nên khó đưa máy móc thiết bị lớn vào phá dỡ lò gạch”. Cơ sở sản xuất lò gạch thủ công của ông Lê Văn Hiện ở Thị trấn Nam Giang cũng đang được tận dụng để chuyển đổi sang nuôi chim bồ câu.
Nhằm tháo gỡ khó khăn hướng tới hoàn thành mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công, hiện tại, UBND huyện đã có công văn báo cáo Sở Xây dựng đề xuất 2 phương án xử lý. Trong đó phương án 1, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh xem xét cho phép các hộ tận dụng phần thân lò với mục đích làm chuồng chăn nuôi gia súc và yêu cầu các hộ cam kết không sử dụng tái sản xuất gạch thủ công. Phương án 2 là UBND huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ pháp lý, tổ chức cưỡng chế phá dỡ theo đúng quy định. Kinh phí tổ chức cưỡng chế sẽ được lấy từ nguồn hỗ trợ cho chính cơ sở sản xuất gạch thủ công không tiến hành tháo dỡ. Với quyết tâm cùng với các giải pháp đồng bộ, huyện Nam Trực phấn đấu hoàn thành xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công trên địa bàn huyện, trở thành địa phương thứ 3 sau Thành phố Nam Định và huyện Xuân Trường không sản xuất gạch thủ công truyền thống ngay trong quý 2 năm 2017./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn