Những năm qua, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đã tập trung chuyển đổi diện tích đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình nuôi cá truyền thống của gia đình ông Trần Văn Minh, xóm Đồng Lướt, là một trong những mô hình hiệu quả, cho thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.
Thu hoạch cá ở trang trại nuôi thủy sản nước ngọt của gia đình ông Trần Văn Minh, xóm Đồng Lướt, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc). |
Về xã Mỹ Hà hỏi thăm khu vực chuyển đổi của gia đình ông Trần Văn Minh, người dân ở đây ai cũng biết. Nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm, hiện nay trang trại nuôi cá truyền thống của gia đình ông là một địa chỉ tin cậy của các bạn hàng ở Hà Nam, Nam Định, Hà Nội… Hiện ông đang là chủ một khu nuôi thủy sản rộng lớn và là tấm gương điển hình về phát triển kinh tế của địa phương. Chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình ông đúng vào thời điểm bắt đầu thu hoạch cá. Ông Minh phấn khởi cho biết: “Trước đây mỗi lần thu hoạch cá, gia đình tôi phải thuê 6-8 lao động kéo lưới với tiền công mỗi người 200 nghìn đồng/ngày. Thực hiện liên kết sản xuất, các hộ đã hợp tác đổi công lao động vì thế gia đình tôi không phải thuê lao động. Mỗi lần thu hoạch cá, gia đình tôi tiết kiệm được không dưới 2 triệu đồng”. Ông Minh cho biết thêm, từ năm 2003, khi UBND xã có chủ trương khuyến khích, vận động bà con chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình trang trại, chăn nuôi tổng hợp, nuôi trồng thủy sản, ông đã bàn bạc với gia đình đấu thầu hơn 3,5ha ruộng trũng để xây dựng mô hình kinh tế mới, kết hợp giữa nuôi cá truyền thống và trồng cây ăn quả. Lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng gia đình ông khá “mạo hiểm” khi bỏ ra hàng chục triệu đồng đổ xuống khu đất mà bao lâu nay có cho cũng không ai dám làm, nhất là con nuôi được ông lựa chọn là cá truyền thống. Nhưng với quyết tâm và sự ủng hộ của người thân, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể, ông bắt tay vào cải tạo khu ruộng trũng thành khu nuôi trồng thủy sản. Những năm đầu mới bắt tay vào làm, do thiếu vốn và không nắm được nhu cầu của thị trường cũng như kỹ thuật chăn nuôi nên gia đình ông gặp không ít khó khăn. Để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi, ông thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tích cực tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả. Bên cạnh đó, ông cũng thường xuyên đến Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm. Ông cũng lựa chọn để mua con giống thủy sản từ Trung tâm vừa đảm bảo chất lượng, giá cả lại hợp lý. Trang trại chủ yếu nuôi cá trắm đen, cứ vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận nhà ông để mua. Theo hạch toán của ông, mỗi ha nuôi có thể cho năng suất cá đạt từ 10-12 tấn, doanh thu đạt 1-1,2 tỷ đồng và cho thu lãi 150-200 triệu đồng/ha. Riêng năm 2016, trang trại nuôi cá truyền thống của gia đình ông Minh xuất bán 10-15 tấn cá với giá bình quân 100 nghìn đồng/kg, thu lãi gần 200 triệu đồng.
Đến nay, gia đình ông đã quy hoạch thành 6 ao nuôi các loại cá có hiệu quả kinh tế cao như trắm đen, trắm cỏ, cá chép, cá trôi... Trên bờ, ông trồng xen các loại cây như ổi, chuối… và nuôi thêm 200-300 con gà ta, vịt và vài chục con lợn để tận dụng thức ăn dư thừa. Theo ông Minh, nuôi cá không khó nhưng cũng không dễ; khi thời tiết thay đổi cá dễ nhiễm bệnh. Ngoài thức ăn được xem là quan trọng thì vấn đề ao hồ cũng cần được quan tâm hàng đầu, nếu môi trường nuôi không bảo đảm sạch sẽ thì dễ gây bệnh cho cá. Với kinh nghiệm trong nuôi thủy sản nước ngọt, mô hình trang trại của ông cũng là địa chỉ tin cậy để các hộ nuôi trồng thủy sản trong xã và các địa phương đến tham quan học tập. Ông cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các hộ chăn nuôi, nuôi thủy sản trong và ngoài xã. Ông Minh cho biết thêm, để áp dụng thành công mô hình này, các hộ nuôi thuỷ sản cần tuân thủ đúng quy trình xử lý môi trường ao nuôi. Trước hết, khâu tẩy dọn ao phải làm thật tốt. Chuẩn bị ao theo các bước: tát cạn, vét bớt bùn, rắc vôi, phơi ao, bón lót cho ao phân chuồng hoai mục và phân xanh rồi mới cho nước vào. Nước cấp vào ao cần được lọc qua đăng hoặc qua lưới để loại trừ các loài cá dữ hay cá tạp lọt vào ao. Để giữ cho nguồn nước của ao không bị ô nhiễm phải thường xuyên vớt các phần thức ăn dư thừa hằng ngày để giữ sạch cho nước. Khi có biểu hiện không tốt về môi trường cần kịp thời xử lý bằng vôi bột hoặc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học được phép của ngành NN và PTNT.
Hiện nay, trên địa bàn xã Mỹ Hà đã có 120 trang trại, gia trại; trong đó 12 trang trại đạt tiêu chí do Bộ NN và PTNT quy định. Tổng diện tích nuôi thủy sản của xã được mở rộng lên trên 60ha, chủ yếu là nuôi cá truyền thống, sản lượng cá ước đạt 300 tấn/năm. Bằng quyết tâm, nghị lực và sự cần cù, sáng tạo trong sản xuất, gia đình ông Minh đã xây dựng được mô hình nuôi cá truyền thống được nhiều người đến học hỏi./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn