Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng nhưng nhờ sự kiên trì, không ngừng học hỏi, nỗ lực vươn lên, giờ đây anh Nguyễn Văn Giáp ở Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) là chủ xưởng mộc mỹ nghệ vào loại lớn trong vùng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Thị trấn Cổ Lễ có nghề mộc mỹ nghệ truyền thống hàng trăm năm nay. Sống trong môi trường làng nghề từ nhỏ, anh sớm chứng kiến những người thợ lão luyện trổ tài nên thấy mê nghề này. Vì vậy, sau 3 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nam ở đơn vị đại đội 5 Pháo binh, tiểu đoàn 561, Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân, năm 1987, sau khi xuất ngũ, anh quyết định về quê, vừa học nâng cao tay nghề ở làng nghề mộc truyền thống vừa thỏa niềm đam mê, đồng thời muốn có một nghề trong tay để ổn định cuộc sống. Sau vài năm chăm chỉ vừa học vừa làm nắm thêm các mẫu mã, kỹ thuật làm các sản phẩm tinh xảo, năm 1990 anh đứng ra mở xưởng riêng với tên Văn Giáp. Những ngày đầu lập nghiệp, được địa phương tạo điều kiện, anh vay từ Ngân hàng NN và PTNT 5 triệu đồng cùng với vốn tự có của gia đình, anh mở xưởng. Dần dần, bà con thấy sản phẩm anh làm ra mẫu mã đẹp, giá thành phải chăng nên tìm đến đặt hàng ngày một đông. Lấy ngắn nuôi dài, lãi thu về đến đâu đầu tư mở rộng sản xuất đến đó, đến nay cơ sở sản xuất của gia đình anh ngày càng phát triển với đa dạng mẫu mã sản phẩm như: tủ, sập, giường, ghế, tràng kỷ... với các chất liệu gỗ gụ, lim, dổi, sến, táu… Anh cũng đầu tư mua nhiều loại thiết bị phục vụ sản xuất: máy cưa, máy nén khí để phun sơn, các loại máy bào, khoan, đánh bóng gỗ.
|
Anh Nguyễn Văn Giáp với bộ sản phẩm do cơ sở sản xuất. |
Để tạo ra những sản phẩm độc đáo, đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng, anh bỏ nhiều thời gian, công sức đi khảo sát nhu cầu thị trường, đến thăm đình, đền, chùa, miếu ở nhiều địa phương; tham khảo các kiểu kiến trúc, điêu khắc thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn... về mô phỏng theo. Nhờ vậy, sản phẩm đồ gỗ, mộc mỹ nghệ của anh được khách hàng ưa chuộng, tìm đến đặt hàng ngày một đông. Trung bình, mỗi tháng cơ sở nhận từ 10 đến 15 hợp đồng, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, trong huyện mà còn xuất đi nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và vào tận miền Nam. Anh Giáp chia sẻ: “Bí quyết tạo nên thành công của tôi chính là lòng nhiệt huyết, đam mê với nghề, sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng và đặc biệt là phải luôn chiều theo ý của khách hàng, khi họ yêu cầu khó đến mấy cũng phải làm cho bằng được”. Anh cũng đã dạy và truyền nghề cho nhiều lao động ở địa phương. Nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp ở địa phương xuất thân từ cơ sở của anh và trưởng thành. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, làng nghề phát triển theo hướng đi sâu vào phát triển đồ gỗ mỹ nghệ nên năm 2014 được UBND tỉnh công nhận là làng nghề mộc Kênh. Hiện làng nghề có 240 hộ sản xuất, kinh doanh nghề mộc tạo việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương và các vùng lân cận với mức thu nhập bình quân từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên, lao động lành nghề, có thâm niên, tay nghề cao, mức thu nhập từ 9-10 triệu đồng/người/tháng. Riêng cơ sở mộc mỹ nghệ của anh Giáp đang tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm doanh thu của cơ sở đạt từ 3 đến 4 tỷ đồng, trừ chi phí còn thu nhập 500 triệu đồng trở lên. Từ năm 2012 đến nay, anh Giáp được cán bộ, hội viên CCB bầu làm Chi hội trưởng Hội CCB; hội viên nông dân bầu làm chi hội phó chi HND tổ dân phố Tây Kênh; chi hội phó chi Hội khuyến học; Hội phó Hiệp hội làng nghề mộc Kênh. Năm 2016, anh Giáp được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Với những gì đã làm được, anh Giáp thực sự là tấm gương sáng về sự vượt khó vươn lên làm giàu để nhiều người học tập và làm theo.
Với tinh thần vượt khó vươn lên lập nghiệp, xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Nguyễn Văn Giáp không chỉ góp phần xây dựng, phát huy và bảo tồn nghề truyền thống của cha ông, mà anh còn xứng đáng là tấm gương sáng của lớp thế hệ thanh niên nông thôn thời mới, vượt khó đi lên, làm giàu chính đáng trên quê hương mình, tạo công ăn việc làm, dạy nghề cho lao động trong xã, góp phần vào sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở địa phương./.
Bài và ảnh:
Hoàng Tuấn