Đến hết năm 2016, tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh tại tỉnh ta đạt 99,18% (tương đương 1.749.600 người), tăng 5,56% so với năm 2015. Tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước theo tiêu chuẩn QCVN 02-BYT của Bộ Y tế quy định từ công trình cấp nước tập trung tính đến hết năm 2016 đạt 55% (tương đương 969.360 người), tăng 8,6% so với năm 2015.
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh tăng thêm 6,38% (tương đương 112.550 người), trong đó, kế hoạch năm 2017 tăng thêm 0,5% (tương đương 8.820 người); năm 2018 tăng thêm 0,32% (tương đương 5.650 người), đạt tỷ lệ 100% vào cuối năm 2018. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN 02-BYT từ công trình cấp nước tập trung tăng thêm 48,6%; kế hoạch hằng năm từ năm 2017 đến năm 2020, bình quân mỗi năm tăng thêm 10%; đạt tỷ lệ 95% (tương đương 1.676.390 người) vào cuối năm 2020. Theo dự kiến, tổng nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2016-2020 là 1.837 tỷ 525 triệu đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương là 270 tỷ 500 triệu đồng và các nguồn vốn khác. Chính vì thế, chủ trương xã hội hóa kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các nhà máy cấp nước sạch tập trung là hướng đi giúp giải quyết khó khăn về vốn đầu tư công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh ta.
|
Kiểm tra chất lượng nước sạch tại nhà máy nước sạch Nghĩa An (Nam Trực). |
Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia quản lý, sử dụng, khai thác và cải tạo hạ tầng cấp nước sạch tập trung như giao công trình cấp nước sạch xã Nam Tiến (Nam Trực) cho Cty CP Đầu tư xây dựng Vietcom; giao công trình cấp nước sạch xã Xuân Thượng (Xuân Trường) cho Cty CP Nước sạch và VSNT tỉnh; giao công trình cấp nước sạch xã Xuân Trung (Xuân Trường) cho Cty TNHH Nước sạch Hoàng Gia. Trạm cấp nước xã Nam Tiến được đầu tư xây dựng năm 2004 với công suất thực tế là 600 m
3/ngày đêm. Đến nay, công trình đã xuống cấp, chất lượng nước không đảm bảo do nguồn nước thô đầu vào chất lượng kém, công nghệ xử lý cũ không đạt tiêu chuẩn, trình độ quản lý thiếu chuyên nghiệp. Cùng với đó, nguồn thu từ tiền bán nước không đủ để bù sửa chữa nâng cấp. Do đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành tạo điều kiện cho Cty CP Đầu tư xây dựng Vietcom nhằm cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước Nam Tiến đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM của địa phương. Cty CP Đầu tư xây dựng Vietcom cũng đang tích cực triển khai hoàn tất các thủ tục đầu tư cung cấp nước sạch tập trung liên xã Nam Thanh, Nam Hải (Nam Trực) và xã Trung Đông (Trực Ninh). Cty TNHH Mai Thanh đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy nước sạch tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). Cty CP Đầu tư Nước và VSMT Ý Yên đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy cấp nước sạch tại xã Trực Mỹ (Trực Ninh) với công suất thiết kế 4.800 m
3/ngày đêm cung cấp nước cho 4 xã Trực Mỹ, Trực Khang, Trực Hưng, Trực Thuận và các xã lân cận. Tại xã Trực Phú (Trực Ninh), ngay sát đê tả sông Ninh Cơ, Cty TNHH một thành viên Nước sạch Tâm Đức Huy đang khẩn trương san lấp mặt bằng, chuẩn bị xây dựng nhà máy cấp nước sạch tập trung với công suất thiết kế 10 nghìn m
3/ngày đêm. Ông Ngô Quang Khải, Giám đốc Cty cho biết: “Nhà máy dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2018 cung cấp nước sạch cho 6 xã phía tây nam huyện gồm Trực Phú, Trực Hùng, Trực Cường, Trực Thái, Trực Đại, Trực Thắng và các vùng lân cận với tổng mức đầu tư hơn 132 tỷ đồng”. Các công trình cấp nước sạch tập trung do doanh nghiệp đầu tư đều được các sở, ngành tập trung thẩm định kỹ về công nghệ xử lý nước, cơ chế vận hành, nguồn nước, đồng thời đảm bảo dự đoán tốt về công suất thiết kế để xây dựng đấu nối mạng lưới cấp nước sạch tập trung cho các xã lân cận trong các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo đối với các dự án cấp nước sạch nông thôn tập trung có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước giao cho Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh tiếp tục thực hiện, không giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các đơn vị không có đủ năng lực, kinh nghiệm và không có khả năng huy động các nguồn vốn để thực hiện dự án. Đối với các dự án cấp nước được đầu tư mới chỉ giao cho đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp quản lý sau đầu tư nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả hoạt động cũng như tính bền vững của các công trình. Đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư trước đấy, đã giao cho UBND xã, HTX quản lý thì tiến hành rà soát lại và có lộ trình thực hiện chuyển giao cho đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp quản lý đối với công trình hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo xử lý kiên quyết các đơn vị cấp nước vi phạm, xảy ra sai sót về chất lượng nước sạch gây bức xúc trong người dân với mức xử phạt từ 20-30 triệu đồng/lần vi phạm. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, kết quả về tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh của tỉnh tuy cao, nhưng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn từ công trình cấp nước tập trung còn thấp. Nhận thức của người dân về vai trò của việc sử dụng nước sạch đã được nâng cao, nhưng nhiều địa phương có điều kiện tự nhiên, kinh tế còn khó khăn nên việc vận động người dân đóng góp kinh phí thực hiện các dự án nước sạch gặp nhiều khó khăn. Vì thế, để người dân thực sự được tiếp cận với nguồn nước sạch đạt chuẩn, nâng cao chất lượng đời sống vùng nông thôn, tỉnh cần sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư công trình nước sạch ở các địa phương, cùng với đó là cơ chế quản lý, vận hành sau đầu tư kết hợp thanh tra, kiểm tra các đơn vị cấp nước đảm bảo chất lượng nước sạch thường xuyên, ổn định góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu xây dựng NTM bền vững của tỉnh ta trong giai đoạn 2016-2020./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn