Hoạt động quan trắc môi trường là thành phần cần thiết của khoa học môi trường và thiết kế chính sách, cung cấp cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước của địa phương ban hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách bảo vệ môi trường (BVMT) và góp phần đắc lực trong công cuộc CNH-HĐH đất nước. Thực hiện Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020, những năm gần đây, công tác quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư, phát triển.
Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường tỉnh (Sở TN và MT) đã từng bước được đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị, máy móc nâng cao năng lực quan trắc môi trường, tự động hóa việc giám sát trong một số lĩnh vực môi trường. Cụ thể, Trung tâm đã định kỳ quan trắc và lấy mẫu phân tích môi trường phục vụ công việc: xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh; cấp phép môi trường; kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm về môi trường, tài nguyên nước, khí hậu thuỷ văn. Điều tra, khảo sát đánh giá nguồn tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản phục vụ quản lý Nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đánh giá trữ lượng, chất lượng nước ngầm, nguồn nước mặt trong toàn tỉnh, quan trắc phân tích phục vụ cho việc cấp phép khai thác nước ngầm và nước mặt. Các hoạt động của Trung tâm góp phần phát hiện sớm ô nhiễm, tiết kiệm chi phí, thời gian do phân tích được các mẫu môi trường (mẫu nước, không khí...) ngay tại chỗ, trong khi trước đây phải lấy mẫu gửi đi phân tích. Những thông tin môi trường thu thập được ngày càng chính xác, kịp thời đã giúp các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng tốt các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và BVMT. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn hệ thống trang thiết bị quan trắc trên địa bàn tỉnh còn thiếu nên Trung tâm vẫn phải phối hợp hoặc thuê các phòng phân tích đủ điều kiện tại Hà Nội thực hiện nhiều mẫu cần phân tích, do đó thời gian thu kết quả phân tích bị kéo dài và tỉnh ta chưa thể tự chủ hoàn toàn đối với những nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm đột xuất.
|
Cán bộ Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam Định quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố Nam Định. |
Đánh giá cao tầm quan trọng của hoạt động quan trắc, chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường phù hợp với trình độ phát triển KHCN và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 9-1-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 47/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mạng lưới quan trắc của tỉnh sẽ từng bước được hoàn thiện theo phương thức đầu tư một hệ thống mở, liên tục được bổ sung, nâng cấp, hoàn thiện, kết nối và chia sẻ thông tin, bảo đảm thông suốt từ Trung ương đến địa phương với sự quản lý thống nhất của Sở TN và MT. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đảm bảo lồng ghép tối đa giữa các lĩnh vực, có tính kế thừa, tận dụng, phát huy cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có, mạng lưới quan trắc môi trường được xây dựng tập trung, có trọng tâm trọng điểm nhưng phải đảm bảo tính đồng bộ tiên tiến, hiện đại. Bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đồng thời có cơ chế phù hợp để huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, tỉnh sẽ từng bước đầu tư xây dựng các trạm quan trắc tự động môi trường nước và không khí tại các khu vực có nhiều nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến con người và môi trường trên phạm vi rộng, có tính thường xuyên và liên tục trong thời gian dài. Cụ thể, trên toàn tỉnh sẽ hoàn tất đầu tư 10 cụm mạng lưới quan trắc số lượng tài nguyên nước mặt; 11 cụm giếng quan trắc mực nước dưới đất; 56 điểm quan trắc môi trường nước mặt; 24 điểm quan trắc độ nhiễm mặn trên sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ); 14 điểm quan trắc môi trường nước dưới đất; 63 điểm quan trắc môi trường nước thải; 8 điểm quan trắc môi trường nước biển ven bờ. Toàn tỉnh sẽ hoàn tất đầu tư 94 điểm quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn, gồm: 56 điểm khu vực KCN, CCN, 16 điểm khu vực giao thông, 10 điểm làng nghề, 7 điểm khu vực thành thị, 5 điểm khu vực nông thôn. Về mạng lưới điểm quan trắc môi trường đất và trầm tích, toàn tỉnh sẽ hoàn tất đầu tư 7 điểm mạng lưới môi trường đất; 8 điểm mạng lưới quan trắc trầm tích. Về mạng lưới quan trắc môi trường tự động, toàn tỉnh sẽ đầu tư 8 trạm quan trắc môi trường mặt nước gồm: sông Hồng 1 trạm, sông Đáy 2 trạm, sông Đào 2 trạm, sông Ninh Cơ 2 trạm, sông Vĩnh Giang 1 trạm. Trong đó, 4 trạm đang được xây dựng do Tổng cục Môi trường đầu tư (gồm sông Đào 2 trạm, sông Đáy 1 trạm, sông Vĩnh Giang 1 trạm); xây dựng mới 4 trạm. Mạng lưới quan trắc môi trường không khí tự động sẽ đầu tư 2 trạm, trong đó 1 trạm tại Thành phố Nam Định, 1 trạm tại huyện Hải Hậu (khu vực Nhà máy Nhiệt điện). Nội dung đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại cho hoạt động quan trắc, truyền nhận số liệu, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản môi trường. Đồng thời đảm bảo đầu tư trang thiết bị quan trắc hiện trường, phân tích phòng thí nghiệm hiện đại, đáp ứng nhu cầu quan trắc các thông số môi trường theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia. Để đảm bảo mạng lưới quan trắc hoạt động ổn định, lâu dài, UBND tỉnh đã giao Sở TN và MT tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của đơn vị quản lý, vận hành mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh. Rà soát, xây dựng, bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với đội ngũ làm công tác quan tắc, điều tra cơ bản TN và MT. Tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn và trao đổi kinh nghiệm ở trong nước và các quốc gia phát triển trong lĩnh vực quan trắc môi trường. Tham gia các chương trình quan trắc cấp quốc gia và khu vực về các vấn đề môi trường, góp phần giải quyết các vấn đề của khu vực, toàn cầu. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng cơ chế, quy định về việc thu thập, chia sẻ số liệu, thông tin giữa tỉnh và Trung ương. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện, ban hành và áp dụng thực hiện các văn bản pháp luật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến quan trắc. Thu thập, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường theo hướng dẫn của Bộ TN và MT./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy